Danh mục Chủ Nhật, 06/10/2024

Tiêu điểm \

Cuốn sách “Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại” chính thức ra mắt độc giả

17:00 04-10-2024
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chiều 4-10, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 5, Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), lễ ra mắt sách “Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại” đã diễn ra. Chương trình do Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp tổ chức.

Dự buổi lễ có ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ; ông Nguyễn Trọng Điều, ông Thang Văn Phú - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; bà Vũ Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại UNESCO; ông Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cùng đại sứ quán một số nước tại Việt Nam; bà Nguyễn Nga - Chủ tịch công ty Bảo tàng cầu Long Biên; các đại biểu từ phía Ban tổ chức; đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương và Hà Nội; giới văn nghệ sĩ; giảng viên và nhiều bạn học sinh, sinh viên. 

Lễ ra mắt đón nhiều lãnh đạo của các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương và Hà Nội tới tham dự. (Ảnh: Hải Ly)

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết: “Cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng huyền thoại, khắc ghi dấu ấn của những con người và sức mạnh kiên cường của dân tộc qua những cuộc chiến giành độc lập. Bước vào thời kỳ mới, với khát vọng đưa đất nước vươn mình phát triển, tôi tin rằng nhờ sự chung tay của các cá nhân và tổ chức, cây cầu sẽ tiếp tục chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ, khẳng định vị thế Việt Nam trong tương lai.”

 Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước bày tỏ sự tự hào và hi vọng của mình đối với sự phát triển của cây cầu Long Biên huyền thoại. (Ảnh: Hải Ly)

Cuốn sách “Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại” do Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành; Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp thực hiện. Đây là tuyển tập các bài viết và sáng tác thơ ca của nhiều tác giả do kiến trúc sư Nguyễn Nga - Chủ tịch công ty Bảo tàng cầu Long Biên, người dành nhiều tâm huyết cho cây cầu, làm chủ biên. 

Ấn phẩm chất chứa những hoài niệm, tình yêu và khát vọng về cây cầu biểu tượng của Hà Nội. Là chứng nhân lịch sử của "một thời đạn bom, một thời hòa bình"; là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa các thế hệ hay các dòng nghệ thuật; cầu Long Biên anh hùng đã tạo nên dấu ấn và tình yêu Việt Nam trong tim các dân tộc thế giới, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho con dân nước Việt. 

Đại diện Ban tổ chức tự hào: “Cầu Long Biên - cây cầu thép hơn 120 tuổi, vắt ngang qua ba thế kỷ đầy thách thức của thời gian, thiên tai và chiến tranh, không chỉ là một phần ký ức hay di sản, mà còn là biểu tượng sống động của Hà Nội.

Với tất cả tình yêu và khát vọng dành cho cây cầu huyền thoại, cuốn sách này ra mắt mong muốn phác hoạ “nhân chứng lịch sử” dưới các góc nhìn khác nhau, góp phần vào kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của cầu Long Biên, để di sản này mãi trường tồn.”

Khán giả thưởng thức cuốn sách “Cầu Long Biên - Cây cầu huyền thoại” tại lễ ra mắt. (Ảnh: Hải Ly) 

Điểm nhấn của lễ ra mắt là phiên đấu giá trực tuyến 20 tác phẩm nghệ thuật về cầu Long Biên. Ban tổ chức cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động bán sách và đấu giá tranh sẽ được sử dụng để gây quỹ trùng tu cây cầu và hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Các tiết mục văn nghệ hào hùng về Hà Nội tại buổi lễ. (Ảnh: Hải Ly)

Trong khuôn khổ chương trình, còn có triển lãm về cầu Long Biên nhằm truyền tải sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp người xem chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cầu và khám phá những câu chuyện, thông tin thú vị xoay quanh di sản lịch sử này.

Bạn Phạm Khánh Ly (20 tuổi, Hà Nội) xúc động: “Cầu Long Biên, biểu tượng lịch sử không chỉ của Hà Nội mà của cả dân tộc Việt Nam, vẫn đứng vững qua thời gian như một chứng nhân của bao biến cố. Mình thấy rất ngưỡng mộ tâm huyết của cô Nguyễn Nga, người đã dành cả đời để nghiên cứu và bảo tồn cây cầu này. Thế hệ trẻ chúng ta không chỉ có trách nhiệm gìn giữ cây cầu, mà còn phải tiếp tục lan tỏa giá trị của nó, để ngày càng nhiều người hiểu và trân trọng hơn câu chuyện lịch sử mà cây cầu mang trong mình.”

Hải Ly - CJC

Phản hồi