Danh mục Thứ Tư, 03/07/2024

root \

Lan toả tình yêu dân ca - Bài 1: Đổi mới âm nhạc dân gian

22:44 10-04-2024
“Nếu không nhanh chóng lan tỏa tình yêu dân ca đến người trẻ, mai này, tinh hoa dân tộc cũng chỉ là câu hát đọng lại trong lời ru của thế hệ 9x.” - đại diện thế hệ nghệ sĩ trẻ, Cao Bá Hưng và Hà MyO thẳng thắn nhận định.

Thị trường dân ca “mới”

Thuận theo xu thế thị trường và quá trình hội nhập văn hóa, âm nhạc dân gian dường như không còn “nịnh tai” như ngày xưa nữa. Từ Chèo, Tuồng, Chầu văn, đến Quan họ,... tất cả đều rơi vào tình trạng có nguy cơ mai một cao.

Là ngọn cờ tiên phong trong hoạt động làm mới và lan tỏa âm nhạc dân ca, nghệ sĩ Hà MyO khẳng định: “Không phải thế hệ trẻ không yêu dân ca, mà các bạn chưa biết để yêu!”. Đây cũng là động lực thúc đẩy cô và nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam đổi mới các làn điệu dân ca, thổi hơi thở hiện đại, khơi dậy tình yêu âm nhạc truyền thống ở giới trẻ.

Nghệ sĩ Hà MyO tích cực đổi mới những làn điệu dân ca với màu sắc rực rỡ, phong cách âm nhạc tươi trẻ, vừa ‘đã tai’ vừa ‘đã mắt’. (Ảnh: NVCC) 

Năm 2023 và 2024 là khoảng thời gian đánh dấu sự lan tỏa thành công nguồn cảm hứng khai thác chất liệu dân gian truyền thống trong hoạt động sáng tác âm nhạc của nhiều nghệ sĩ trẻ. Không chỉ riêng Hà MyO, Phương Mỹ Chi, Hoà Minzy, Hoàng Thuỳ Linh, Bùi Công Nam, Trúc Nhân,... đều lần lượt trình làng những tác phẩm âm nhạc có sự kết hợp với âm hưởng dân ca. 

Trong đó, phải kể đến Hoàng Thùy Linh với 2 album âm nhạc tạo nên “thương hiệu” riêng lấy cảm hứng 100% từ kho tàng dân ca Việt Nam. Đặc biệt, ca khúc “See tình” thành công tỏa sáng trên sóng truyền hình quốc tế với âm hưởng ngũ cung, khai thác chất liệu văn hóa dân gian miền Tây Nam Bộ qua những câu cải lương mang đậm bản sắc dân tộc.

Tham gia thị trường dân ca “mới” khá muộn nhưng cũng rất thành công là ca sĩ Hoà Minzy. Tác phẩm “Thị Mầu” và “Kén cá chọn canh” của cô đều sử dụng âm nhạc điện tử hòa trộn với âm hưởng của chèo, giai điệu bắt tai, ca từ bám sát tác phẩm văn học.

Riêng nghệ sĩ Hà MyO, không chỉ dừng lại ở “Xẩm Hà Nội”, cô liên tục cho ra những tác phẩm âm nhạc Di sản với hơn 13 ca khúc “phối ngẫu” nhiều loại hình dân ca từ Bắc vào Nam. Đến cả những câu dân ca của dân tộc thiểu số cũng được cô khai thác, tôn vinh trong vẹn trong từng sản phẩm nghệ thuật.

Chính sự sáng tạo mới mẻ kết hợp với các giá trị trong quá khứ đã làm nổi bật nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống lại gần hơn với nhiều đối tượng khán giả.

Đổi mới không phải là tất cả

Đứng trước làn sóng đổi mới, việc giữ trọn hồn cốt dân tộc trong từng câu dân ca khi hòa nhịp cùng hơi thở hiện đại của xu thế âm nhạc đặt ra nhiều thách thức đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ. Đặc biệt là khi, không phải nghệ sĩ nào cũng đủ độ sâu, độ trải để hiểu hết cái hay, các đẹp của dân ca.

Là tài năng trẻ được nuôi dưỡng trong cái nôi nghệ thuật truyền thống, nối gót cụ tổ Cao Bá Quát, ca sĩ & nhạc sĩ Cao Bá Hưng thấm nhuần vẻ đẹp tinh hoa dân ca qua từng thế hệ. Có lẽ vì thế, hơn ai hết, nam nghệ sĩ ý thức rất rõ, sự đổi mới cần được dẫn dắt bởi những người lái đò dày dặn kinh nghiệm nghệ thuật truyền thống. 

Kết hợp các làn điệu truyền thống vào âm nhạc hiện đại Tây Phương, Cao Bá Hưng (ở giữa) là nhạc sĩ đứng sau hàng loạt bản hit đổi mới dân ca đình đám hàng đầu Việt Nam. (Ảnh: NVCC) 

Theo Cao Bá Hưng, nghệ sĩ trẻ, trước khi muốn đổi mới, bản thân phải định vị được mình đang sáng tác, hoạt động vì điều gì? Vì tên tuổi, vì vật chất hay vì trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với nguồn âm nhạc ‘gốc’ của dân tộc? Sau đó là quá trình cân bằng giữa những cá tính, phong cách âm nhạc mới và tôn chỉ về việc phát triển Văn hóa di sản của dân tộc. Âm nhạc đổi mới phải xuất phát từ gốc mới giữ được bản sắc nghệ sĩ Việt trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ thị trường dân ca “mới” không thể khơi dậy tình yêu những điệu dân ca thực thụ trong lòng giới trẻ. 

Nghệ sĩ Cao Bá Hưng yêu thích được trình diễn trực tiếp những ca khúc đổi mới với nhạc cụ dân tộc, đưa hình ảnh nhạc cụ dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới. (Ảnh: NVCC) 

Đúc rút kinh nghiệm từ quá trình sáng tác và trình diễn, ca sĩ & nghệ sĩ Cao Bá Hưng nhấn mạnh: “Nếu chỉ đổi mới thôi thì người trẻ lại quay lại vòng lặp tuần hoàn, chỉ yêu thích những sản phẩm đổi mới mà không hứng thú với âm nhạc truyền thống dân tộc, không thể thưởng thức vẻ đẹp của dân ca nếu không có âm hưởng điện tử trong đó. Cho nên, chỉ đổi mới thôi là chưa đủ, bắt buộc phải có sự lan toả, sự tác động mạnh mẽ hơn nữa.”

Tuy nhiên, lan toả như thế nào lại phụ thuộc vào định hướng phát triển và hành động của riêng mỗi người nghệ sĩ. Nếu Cao Bá Hưng là câu chuyện mang dân ca Việt Nam vươn ra Thế giới thì Hà MyO lại mang câu ca truyền thống đến với từng mái trường, từng em học sinh thơ ngây, dạy cho các em thế nào là Xẩm, thế nào là Quan họ, hát Xoan… 

Với nghệ sĩ Hà MyO, mặc dù không phải là một giảng viên chuyên nghiệp nhưng cô mong rằng thế hệ trẻ Việt Nam ai cũng hát được dân ca. (Ảnh: NVCC) 

Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Âm nhạc dân gian ta, nhất là âm nhạc Di sản thường sẽ có chiều sâu và đòi hỏi người hát phải có sự yêu thích, sự đam mê mới có thể ngẫm được, hiểu được. Nhưng rõ ràng, thế hệ Gen Z - các bạn ấy đã không còn dành nhiều thời gian để nghe âm nhạc dân gian nữa. Đó là lý do khi trình diễn ở các trường học, tôi hay dạy các bạn ấy tự hát. Khi tự hát, các bạn ấy sẽ hiểu hơn, thấm hơn từng câu, từng chữ của bài hát, nhờ đó cũng sẽ cảm thấy câu hát giàu sức gợi hơn.”

 Đưa câu ca ra biển đảo, khơi nguồn cảm hứng cho Hà MyO viết ca khúc Ký sự Trường Sa với âm hưởng dân ca Nam Trung Bộ. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, Hà MyO cũng tích cực mang những câu dân ca đến miền biển đảo xa xôi, góp phần gắn kết tình cảm dân - quân, đất liền - biển đảo, giúp trẻ em và người lớn trên mọi miền đất nước nhờ câu dân ca mà thêm gắn kết, tình cảm đậm đà.

Thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam như Hà Myo góp phần “hồi sinh” giá trị nghệ thuật âm nhạc dân tộc trong lòng công chúng. Tuy nhiên, liệu “đổi mới” có phải là con đường duy nhất để khơi dậy tình yêu dân ca ở người trẻ? Hành trình lan toả có phải là câu chuyện của riêng của những người nghệ sĩ? 

Ngọc Thùy Linh - BMĐT K41

Phản hồi