Danh mục Thứ Tư, 03/07/2024

root \

Nghề làm giấy dó ở ngôi làng cổ ven bờ hồ Tây

15:00 08-11-2023
Vùng Bưởi xưa nổi danh Hà thành với nhiều làng nghề truyền thống, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến nghề làm giấy dó làng Yên Thái. Hiện nay, nghề giấy Bưởi đã không còn, song trong tâm thức của mỗi người dân nơi đây, ký ức về những ngày xa xưa vẫn chưa hề phai nhạt.

Niềm tự hào của những người thợ cần mẫn

Vùng Kẻ Bưởi xưa có ba làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã được biết đến với nghề làm giấy, trong đó giấy dó lụa làng Yên Thái là có danh tiếng vang xa hơn cả. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề giấy dó đã có lịch sử từ lâu đời: “Đình làng Yên Thái chúng tôi được xây dựng từ năm 1127. Mà theo lời các cụ từ xưa truyền lại, thì làng nghề bao giờ cũng có trước đình”. Tiếng đập chày giã dó của người thợ xưa đã trở thành âm thanh đặc trưng của ngôi làng cổ bên bờ hồ Tây, đi vào ca dao và ghi dấu trong tiềm thức mỗi người con Hà Nội: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Cụ Vũ Thị Thiết (91 tuổi) là một trong những người cuối cùng ở làng Yên Thái còn nhớ về quy trình làm giấy dó. Tuổi đã cao nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, đôi mắt vẫn sáng lên khi kể về nghề truyền thống mà cụ đã gắn bó thời trẻ. Cụ Thiết cho biết, nghề làm giấy dó gồm nhiều công đoạn, tuy không phức tạp nhưng luôn cần đến những người thợ lành nghề, tỉ mỉ. 

Gia đình cụ Vũ Thị Thiết có nhiều đóng góp rất tích cực vào công tác văn hóa của phường. (Ảnh: Đỗ Linh Phương)

Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó bầu mua ở Yên Bái. Sau khi ngâm nước lã, ủ vôi tảng và hấp cách thủy trên vạc trong lò nung, lớp vỏ trắng sẽ được đem đi giã nhuyễn thành bột và đãi bìa để loại bỏ những mảnh vỏ đen. Bột giấy sau đó được đổ vào tàu seo để khuấy cho hòa tan với nước, cộng thêm chất phụ gia là nhớt của cây mò để tạo độ kết dính.

Seo giấy có thể nói là công đoạn quan trọng nhất trong quy trình làm giấy thủ công. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận của người phụ nữ. Cụ Vũ Thị Thiết nhớ lại: “Những người phụ nữ làng Yên Thái phải đứng bên tàu seo làm việc miệt mài trong nhiều giờ đồng hồ, đôi tay ngâm trong bể nước bất kể trời mùa đông giá buốt đến đâu”. Vừa kể, cụ vừa ngâm câu ca dao “cửa miệng” của người con gái seo giấy vùng Bưởi: “Tàu seo nước giá như đồng/ Tay đưa liềm giấy mà lòng nhớ ai/ Nhớ người tuổi ngoại đôi mươi/ Da xanh mai mái miệng cười đưa duyên”.

Những chồng giấy sau khi seo còn ướt được đưa đi ép cho kiệt nước. Công đoạn này thường mất từ 6-7 giờ. Cuối cùng là phơi và sấy khô. Những mẻ giấy dó làng Yên Thái sau khi hoàn thiện được đưa đi tiêu thụ khắp Hà Nội và các vùng lân cận. 

Hình ảnh tư liệu những người phụ nữ làng Yên Thái bên tàu seo giấy được gia đình cụ Thiết lưu giữ. (Ảnh: Đỗ Linh Phương)

Cụ Vũ Thị Thiết chia sẻ: “Ngày xưa làm giấy dó vất vả lắm. Chúng tôi thường làm từ 6 giờ sáng, xuyên đêm đến tận 4 giờ sáng hôm sau mới nghỉ”. Cả nước có không ít nơi có nghề làm giấy, song giấy dó lụa Yên Thái vẫn được ưa chuộng hơn cả. Bởi giấy rất mỏng và mịn, đặc biệt là rất bền, có thể bảo quản được hàng trăm năm mà không bị mốc hay hư hại. 

Đặc biệt, người dân làng Yên Thái còn luôn tự hào khi bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên giấy dó vùng Bưởi. Làng cũng từng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946. Trong những năm chống Pháp, giấy dó làng Yên Thái được tích cực sản xuất phục vụ kháng chiến.

Mảnh giấy dó lụa mà cụ Thiết còn giữ gìn. Giấy rất nhẹ, mịn và mỏng, không bị mốc dù đã trải qua hàng chục năm. (Ảnh: Đỗ Linh Phương)

Nghề giấy dó đối mặt thách thức

Những tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhu cầu thị trường thay đổi đã khiến nghề dần mai một. Ngày nay, trong làng đã không còn người làm giấy dó. Những người thợ từng gắn bó với nghề như cụ Vũ Thị Thiết cũng đã vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Dù hiểu rằng đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng người dân Yên Thái vẫn ngậm ngùi khi nhắc về một thời vang bóng của nghề nay đã không còn. 

Bà Hồ Thúy Lan, cán bộ văn hóa phường Bưởi cho biết: “UBND phường luôn xác định việc bảo tồn các di tích lịch sử và phát huy các giá trị truyền thống của địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm”. Song, với nghề làm giấy thủ công, bà Lan cho biết rất khó để có thể khôi phục. Theo bà, rào cản không chỉ đến từ việc thiếu vắng những người thợ lành nghề mà việc phục dựng cũng đòi hỏi kinh phí không hề nhỏ. Sự phát triển của thị trường cũng khiến cho giấy dó hiện nay không còn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Giáo dục cho các thế hệ tương lai

Đứng trước những thách thức ấy, một giải pháp hữu hiệu mà phường Bưởi đang triển khai là lồng ghép các nội dung giáo dục về nghề truyền thống trong các cấp học. Những năm gần đây, các tiết học giáo dục lịch sử địa phương tại Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) đặc biệt được chú trọng, trong đó có làng nghề giấy dó Yên Thái. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thái cho biết: “Mục tiêu của nhà trường là thông qua những tiết học, những buổi tham quan trải nghiệm thực tế, giáo dục cho các em học sinh có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử và tự hào về những giá trị truyền thống của quê hương mình".

Học sinh Trường Tiểu học Đông Thái tham gia tiết học giáo dục lịch sử địa phương. (Ảnh: Internet)

Nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống của chính quyền và người dân phường Bưởi trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư tìm ra những hướng đi mới trong việc gìn giữ và phát triển nghề giấy dó Yên Thái. Chỉ khi có sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp quản lý và người dân, những nét văn hóa tốt đẹp ấy mới có thể được hun đúc mà không bị mai một theo thời gian.

Đỗ Linh Phương - Báo in K4

Phản hồi