Danh mục Thứ Tư, 25/12/2024

root \

Phụ nữ làm khai khoáng: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền"

15:22 22-05-2023
Nổi tiếng là ngành nghề “khó nuốt” đối với nữ giới, thế nhưng khai thác khoáng sản vẫn rất thu hút các lao động nữ. Song, câu chuyện về định kiến giới cũng tạo ra không ít khó khăn cho những người đang theo đuổi công việc thầm lặng nơi đất mỏ đầy khói bụi và nguy hiểm này.

Những bất cập còn tồn đọng

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 5000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản được phân bổ từ Bắc vào Nam. Sự dồi dào mà thiên nhiên ban tặng không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn mạnh cho đất nước mà còn tạo công ăn việc làm cho không ít người lao động. Dẫu vậy, công việc tại nơi khói than mù mịt cũng vô cùng nhọc nhằn và gian nan. 

Ở nước ta, các điểm khai thác khoáng sản trong hầm, mỏ sẽ được chia theo ca. Thông thường ca đầu tiên bắt đầu hoạt động từ 7h sáng. Trung bình một ngày có ba ca, mỗi ca làm việc trong vòng bảy tiếng đồng hồ. Ngoài việc phải nắm bắt quy trình, nguyên tắc trong khai thác hay đánh giá vị trí của các quặng thì việc tiến hành khoan, nổ mìn, đặc biệt là ở những nơi có địa hình phức tạp đều rất nguy hiểm. Có trường hợp phải dùng thang chống mới khoan được và người thợ cũng cần phải cẩn trọng, tỉ mỉ quan sát, tránh tình huống đáng tiếc xảy ra. 

Theo Bộ Y tế, kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động cho thấy nguy cơ bụi và tiếng ồn là 2 nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao gây nên các bệnh bụi phổi nghề nghiệp và bệnh điếc nghề nghiệp phổ biến trong ngành này. Trong quá trình sản xuất, chế biến khoáng sản, các công nhân khai khoáng cũng thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp khác và tai nạn lao động. Không chỉ tính đặc thù cao, khai khoáng còn đòi hỏi người lao động có một sức khỏe tốt, tinh thần vững chắc và thái độ nghiêm túc thì mới có thể sống với nghề. 

Công nhân khai thác khoáng sản trong các hầm, mỏ. (Ảnh minh họa) 

Tuy nhiên, chính những điều trên đã vô tình hình thành một “điều hiển nhiên” đối với nghề khai thác khoáng sản, rằng chỉ có nam giới mới nên theo nghề, còn nữ giới sẽ rất khó khăn và vất vả. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020, chỉ có khoảng 16,6% nữ giới trong ngành này. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng gặp nhiều rào cản khác như chế độ nghỉ thai sản, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, tình trạng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc,... Theo Thông tư số 27/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc trong thời kỳ tiền mãn kinh sẽ không được làm việc trong khu vực có nguy cơ cao về an toàn lao động. Điều này làm giảm quyền lợi cũng như cơ hội thăng tiến trong ngành của nữ giới. 

Sự bất cập trong việc mất cân bằng giới với nghề khai thác khoáng sản đang diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Còn lợi ích của các lao động nữ thì bị ảnh hưởng một phần không nhỏ ngay trong chính môi trường làm việc của họ. Đánh giá bình quân hiện nay thì đóng góp kinh tế của phụ nữ đang thấp hơn nam giới đáng kể. Đây có thể coi là rào cản tới đa số công nhân nữ. Bên cạnh đó, nhiều công ty và tổ chức trong ngành này vẫn chưa có chính sách, kế hoạch phù hợp để đảm bảo bình đẳng giới và đem đến quyền lợi thích hợp cho người lao động. Theo báo cáo của CARE và RENEW năm 2018, chỉ khoảng 1,5% phụ nữ làm

việc trong ngành khai thác mỏ và khoáng sản ở Việt Nam là cán bộ quản lý. Chia sẻ với phóng viên về việc phụ nữ có nên tham gia vào công việc khai khoáng hay không, phóng viên Thạch Thảo của báo Vietnamnet cho biết: “Quan điểm “đàn ông làm được tôi cũng làm được” là không sai nhưng sẽ có những thứ sinh ra đã như vậy. Bản thân mỗi người chúng ta đều tồn tại tính nam và nữ, nghĩ đơn giản cái nào trội lên thì mình đi theo xu hướng đấy. Nó tạo ra xu hướng về giới. Phụ nữ khỏe hơn đàn ông thì không có. Nếu họ làm được thì cũng là họ gồng lên. Tuy nhiên, dù là gồng hay không thì chúng ta vẫn nên trân trọng những điều mà họ đã làm”. 

Thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành khai thác khoáng sản

Bất bình đẳng giới dẫn đến việc nhiều người ngần ngại khi bước vào con đường làm khai khoáng bởi những định kiến hay sự ngăn cản đến từ chính gia đình mặc dù đây là điều mà họ mong muốn.“Em từng quyết tâm ôn thi để có thể trở thành sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất. Khi theo dõi trên các chương trình trên tivi, cá nhân em rất ngưỡng mộ các bác công nhân tại các hầm mỏ. Công việc tuy vất vả nhưng với em nó rất thiêng liêng và em cũng muốn được như họ. Nhưng cũng chính vì khó khăn mà bố em không đồng ý. Bố mẹ muốn em học một trường đại học khác để sau này làm văn phòng vì em là con gái, theo nghề khai khoáng sẽ không kham được” - Phương Linh, sinh viên ngành kế toán trường Đại học Mở bày tỏ về ước mơ không thành hiện thực của mình năm em 18 tuổi. 

Năm 2018, Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn các cơ sở trực thuộc tổ chức kiểm tra công tác cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động đảm bảo an toàn, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy nổ tại các vị trí trọng điểm trên các khai trường. Theo đó, đa phần các công trình phục vụ người lao động như nhà ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà nhật lệnh… đều được các đơn vị chủ động xây dựng, sửa chữa lắp đặt thiết bị nâng cấp đảm bảo đủ điều kiện cho người lao động. Nhiều đơn vị đã xây dựng cả nhà vệ sinh, trạm trực y tế ngay trong hầm lò để sử dụng cho các trường hợp đột xuất. Qua kiểm tra, nhiều đơn vị cũng kiến nghị xây dựng thêm một số công trình như nhà tắm nữ, khu vệ sinh trong điều kiện các khai trường liên tục được mở rộng tại những vị trí có nhiều nữ công nhân làm việc. 

Dù vất vả nhưng các nữ công nhân vẫn luôn cố gắng hết mình (Ảnh: Công ty than Thống Nhất) 

Bài toán về bình đẳng giới trong ngành khai thác khoáng sản sẽ còn kéo dài nếu như không có sự thay đổi ngay từ chính những nhà tuyển dụng lao động. Cần có cái nhìn khách quan, đúng đắn về lao động nữ nhằm xây dựng cơ chế tuyển dụng hợp lý, tránh tình trạng ưu tiên nam giới. Hơn hết, chúng ta cần nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, đồng thời có những chính sách và kế hoạch phù hợp. Tăng cường hỗ trợ tài chính, tăng cường giáo dục đào tạo, quan tâm và có biện pháp thích hợp để nữ giới làm khai khoáng không còn mặc cảm, tự ti về định kiến giới. 

Bài thi đạt Top 10 cuộc thi sáng tạo nội dung "Giới trong khai khoáng"

Ánh Ngọc

Phản hồi