Danh mục Thứ Tư, 25/12/2024

root \

Tiếng sáo nghìn tuổi ở làng cổ ven đô

15:02 13-12-2022
Đi ngược về phía Tây Bắc từ trung tâm thủ đô làng Bá Dương Nội thuộc xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) được biết đến với thú chơi diều sáo hàng nghìn năm nay. Qua sự giao hưởng của âm sắc trong tiếng sáo trầm bổng, người dân mong ước về một cuộc sống yên bình, gửi hy vọng về lớp trẻ - những người sau này sẽ mang cánh diều bay xa.

 Nhiều bạn trẻ thường đến làng Bá Dương Nội để tìm hiểu về sáo diều. 

 Gửi hồn quê qua tiếng sáo diều 

Với nhiều làng quê tiếng sáo không chỉ gắn liền với những cánh diều trong buổi chiều lộng gió mà còn là người kể những câu chuyện dân gian, những truyền thuyết mang văn hoá dân tộc bằng thứ âm sắc mộc mạc và giản dị.Làng Bá Giang (Bá Dương Nội) không chỉ là một làng nghề truyền thống với những thức quà mang hương đồng lúa, mà còn biết đến là làng diều cổ nghìn năm tuổi ở Hà Nội. Thú chơi diều độc đáo đã trở thành một nét văn hoá. Với người dân nơi đây chơi diều và làm diều dường như đã đi vào tiềm thức. “Từ những em nhỏ cho đến cụ già, gái hay trai trong làng đều phải biết chơi diều” - Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm (chủ nhiệm CLB Diều làng Bá Dương Nội)  chia sẻ. 

Theo sử sách và lời kể của bậc cao niên trong làng, thú chơi diều gắn liền với công lao của tướng Nguyễn Cả, vị tướng dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi giúp vua dẹp loạn 12 sứ quân, tướng quân Nguyễn Cả từ quan về làng giúp dân cày cuốc, trồng lúa và mở hội thi. Từ trò chơi cho những em nhỏ, dần dần không biết từ bao giờ người lớn cũng bị cuốn hút vào thú chơi thả diều. 

Chuyện làng gắn với hội Diều sử sách ghi rõ, nhưng về nguồn gốc tiếng sáo diều đu đu trên bầu trời vào buổi chiều hôm thì phải đến tận nơi, nghe những vị cao niên trong làng kể lại. Truyện xưa, khi xưa trời - đất giao hoà, mỗi khi trần gian mở hội các vị chư tiên trên thiên giới vẫn thường lui xuống trần thế. Thế rồi một hôm trời nổi cơn giông lớn, mây tan giông qua thì bầu trời bỗng cao vời vợi. Cũng từ đó mà xa xôi. cách trở, tiên trên trời cũng chẳng còn cách nào xuống trần thế. Vậy nên tiếng sáo đu đu trên nền trời xanh thẳm mời gọi, thể hiện sự nhớ nhung mà người trần thế gửi các vị chư tiên. Nếu cánh diều chở ước mong và hy vọng một năm mới bình an, thì tiếng sáo mang hồn của chủ nhân kể lại câu chuyện năm cũ. Sự đối lập đặc biệt đã tạo nên chất riêng của diều sáo làng Bá Dương Nội. 

Sáo bộ 3 thường được người dân làng Bá Dương Nội sử dụng trong các hội thi.

Tại các làng quê Việt Nam, thú chơi diều không phải là chuyện xưa nay hiếm, tuy nhiên để tìm ra được một bộ sáo hay thì không phải là chuyện dễ dàng. Theo nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm, để làm ra một con diều đạt chuẩn đã khó nhưng làm được một bộ sáo hay thì khó hơn gấp trăm gấp nghìn lần và không phải ai cũng có được một bộ sáo để đời như vậy. 

Làm sáo diều đòi hỏi sự công phu và tỉ mẩn, cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu làm sáo cho đến quá trình làm ra một bộ sáo hay. Ống sáo diều được lựa chọn kĩ từ những cây tre già, loại tre phải đanh, tròn thẳng, gặp nắng mưa không bị nứt nẻ, khi làm diều mới có tiếng vang, có bề sâu và có hồn. Nếu lấy được những cây tre chết sóc (vừa mới chết), khi ấy thịt ống tre đỏ au tiếng sáo làm ra sẽ càng âm tiếng. Ống sáo được chia làm hai phần bởi vách ngăn ở giữa bằng gỗ. Hai phần càng đều nhau thì tiếng kêu của sáo càng cộng hưởng, càng vang xa. Mặt sáo quyết định âm thanh to nhỏ, đổ hồi mau thưa của sáo vậy nên mặt sáo thường được đẽo gọt bằng những loại gỗ nhẹ, mềm như gỗ vàng tâm, gỗ mít. Miệng sáo được khoét thật cân, lệch một chút là đã có thể làm méo tiếng sáo. 

Sáo đơn hay sáo đối là những loại sáo khó làm và khó tạo âm nhất, bởi lẽ để tạo ra được ống sáo với âm thanh độc nhất thì phải tỉ mẩn đến từng lần đưa dao. 

Sáo diều có nhiều loại khác nhau như sáo đơn, sáo đôi, sáo ba, sáo bảy,... Với người dân làng Bá Dương Nội, bộ sáo họ thường chơi là sáo đôi hoặc sáo ba. Tiếng sáo đôi du dương, lúc trầm lúc bổng trên bầu trời. Sáo đôi đổ hồi từng tiếng, ngân nga và êm ái, thế nên người dân nơi đây đặt sáo đôi với tên gọi “mẹ gọi con thưa”. Đi khắp miền Bắc, mỗi vùng sẽ có những tiếng sáo khác nhau, sáo diều truyền thống không chỉ đơn thuần là một âm thanh phát ra từ một ống sáo, nó còn là sự kết hợp bởi nhiều ống sáo khác nhau bao gồm chiêng, ốc, chuông, còi. Vậy nên mỗi vùng có sự kết hợp riêng và mỗi bộ sáo sẽ mang linh hồn của từng làng quê khác nhau. “Nếu anh tinh ý chỉ cần nghe tiếng sáo, cũng biết được diều đó đến từ vùng nào, còn trong làng thì biết ngay chủ nhân của con diều đó là ai” - Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm tâm sự. 

Trước khi thả diều, ông Nguyễn Hữu Kiêm thường sẽ buộc chắc lại ống sáo bởi vì diều có thể hỏng, nhưng bộ sáo thì không thể mất. 

Làm được một bộ sáo hay, bộ sáo để đời quả thực không phải là chuyện đơn giản, có người dùng cả đời chỉ để làm cho mình được một bộ sáo tốt. Không phải người làm được một bộ sáo hay có thể làm được một bộ khác giống như vậy, cho nên cùng một câu tre cùng làm ra một ống tre cùng lúc nhưng âm thanh hoàn toàn khác nhau. Cụ Nguyễn Hữu Kiêm dí dỏm kể: “Ngay từ tấm bé, thầy tôi đã cho tôi tiếp xúc với tiếng sáo, cảm nhận âm thanh của nhiều ống sáo khác nhau, tôi không biết phải làm đi làm lại một bộ sáo bao nhiêu lần mới vừa ý ông cụ. Nên các cụ trong làng thường nói cả đời chơi diều chưa chắc đã có một bộ sáo hay”. Có lẽ bởi vậy nên người ta rất trân quý những bộ sáo mình làm ra, truyền lại cho đời con cháu chứ không mang bán hay lưu truyền cho người ngoài. 
 

Bảo tồn tiếng sáo giữa dòng chảy hiện đại  

Trước sự bùng nổ của quá trình đô thị hoá, khoa học công nghệ cũng không ngừng phát triển đã tác động đến những giá trị truyền thống dân gian. Trẻ em tiếp xúc nhiều với đồ chơi công nghệ, dành nhiều thời gian cho những sân khấu giải trí hiện đại như Siêu nhí tranh tài, Thử tài siêu nhí,... điều này vô tình hay hữu ý đã tác động không tốt đến trẻ nhỏ, khiến các em cô lập mình trong thế giới công nghệ. Mặt khác, sự giao thoa văn hoá Đông - Tây và sự tiếp nhận những làn sóng văn hoá mới khiến cho những trò chơi truyền thống dần thay đổi hướng đi, cố gắng tìm một chỗ đứng khác cho riêng mình. 

Đi khắp thành thị hay dọc triền đê của những vùng nông thôn, rất khó để bắt gặp cánh diều giấy chao lượn trên bầu trời và rất hiếm mới có thể được nghe tiếng sáo vi vu vào buổi hoàng hôn. Đặc biệt nhiều người hiện nay thích chơi những loại diều hình thú, được làm bằng chất vải nilon mà bỏ qua những con diều truyền thống. Tiếng sáo đu đu được tạo từ những ống tre già nay được thay bằng nhiều nguyên liệu mới như ống kim loại, ống nhựa; điều này làm mai một đi thứ âm thanh làng quê yên bình. Trước những lo lắng, trăn trở về tiếng sáo diều có thể sẽ ngày càng mai một, mất đi tính chất mộc mạc vốn có của làng Bá Giang, từ năm 2004 các cụ trong làng đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Diều sáo Bá Dương Nội vừa làm nơi để truyền lại những kinh nghiệm làm diều cho con cháu trong làng, vừa giới thiệu cho bạn bè trong và ngoài nước truyền thống văn hoá địa phương.

Ngày 15/3 âm lịch hàng năm làng Bá Dương Nội sẽ tổ chức hội thi thả diều. 

Để giữ được thú chơi diều và tiếng sáo diều truyền thống trước bối cảnh đô thị hoá đang diễn ra ở ngôi làng vê đô này, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm tâm sự rằng: “Để giữ được hồn quê trong tiếng sáo, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em trong làng đã được đắm mình trong tiếng sáo du dương, được bắt tay vào làm những ống sáo nhỏ cho những hội thi của làng. Từ ấy tình yêu diều, yêu tiếng sáo ngấm dần vào máu thịt, đi vào tiềm thức những em thơ. Với tôi thả diều, làm sáo không chỉ là thú chơi mà còn hội tụ những giá trị văn hoá, lịch sử dân tộc. Cùng với đó là ước vọng về hòa bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi cho mọi người”.

Tháng tám khi trời có gió nam, người dân nơi đây sẽ mang diều ra đồng hoặc triền đê để tập diều và thử ống sáo. 

Khác với các làng truyền thống khác, diều Bá Giang không hướng đến là một làng nghề sản xuất diều hay sáo diều mà hướng tới trở thành một địa điểm du lịch cộng đồng hoặc tham dự những Festival quốc tế. Từ năm 2007, Câu lạc bộ Diều sáo Bá Dương Nội đã tham dự Festival Diều quốc tế Vũng Tàu. Sau năm năm liên tiếp, diều Bá Dương Nội được hiệp hội diều Đông Nam Á biết đến, các nhà nghiên cứu và sưu tầm diều tìm đến đây nhiều hơn. Năm 2012 ông Kiêm mang diều đi trình diễn ở Liên hoan Diều quốc tế tại Pháp. Từ đó, tiếng sáo diều Việt Nam trở thành thứ tiếng độc nhất ở bầu trời quốc tế vì chỉ có duy nhất diều cổ Việt Nam là có bộ sáo diều cùng cánh diều bay lượn trên nền trời xanh. 

 Hộp sáo nhà làm đàn Organ người Đức Uli Wahl tặng một bộ sáo được làm từ nguyên liệu đặt biệt cho ông Nguyễn Hữu Kiêm.  

Có lẽ thú chơi diều không dễ mất đi, tuy nhiên điều đáng lo nhất hiện tại là sự mai một của những tiếng sáo hay. Bởi lẽ, một người phải mất nhiều năm mới có được kinh nghiệm tạo ra một cây sáo hay với thanh âm tinh tế. Giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại, lớp trẻ làng Bá Dương Nội và nhiều bạn trẻ khác vẫn luôn miệt mài, say mê cách làm sáo diều, tìm về những giá trị truyền thống quê hương. Đó được xem như là liều thuốc xoa dịu nỗi lo lắng, băn khoăn của những nghệ nhân cao niên mang sứ mệnh trao truyền văn hoá như Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Hữu Kiêm. 

Khánh Linh - Báo in K41

Phản hồi