Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Việt Cổ Phục: Hành trình hồi sinh từ quá khứ

08:20 29-06-2024
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Việt Cổ Phục tưởng chừng như đã chìm vào quên lãng. Thế nhưng, với niềm đam mê và tâm huyết của những người trẻ, Việt Cổ Phục đang từng bước hồi sinh, mang theo sứ mệnh lưu giữ giá trị văn hóa Việt Nam.

Bản sắc riêng và lâu đời

Từ thời dựng nước và giữ nước, Việt phục đã mang dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử. Thời kỳ Bắc thuộc chịu ảnh hưởng Hán phục, thời kỳ độc lập ghi dấu ấn với áo dài, áo ngũ thân, áo bà ba... Mỗi triều đại đều góp phần tô điểm cho bức tranh Việt phục thêm rực rỡ, đa dạng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, trang phục truyền thống Việt Nam vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, thể hiện tinh hoa văn hóa và tâm hồn con người Việt, giúp phân biệt người Việt với các dân tộc khác.

Việt Nam sở hữu di sản trang phục phong phú và đa dạng, với những đặc trưng riêng biệt thể hiện qua kiểu dáng, chất liệu, màu sắc, hoa văn và cách thức mặc. Từ áo dài thanh lịch, áo bà ba mộc mạc đến áo ngũ thân quyền quý, trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn ẩn chứa những giá trị văn hóa và tinh thần sâu sắc. 

 
Ngoài áo dài, phụ nữ thời xưa còn rất đẹp trong chiếc áo yếm và váy đụp màu đen. (Ảnh: Internet)

Do có lịch sử lâu đời gắn với nhiều giai đoạn giao lưu văn hóa, Việt phục cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ các nước láng giềng. Có thể kể đến như mẫu áo Nhật Bình của Việt Nam có nguồn gốc từ áo Phi Phong thời Minh Triều (Trung Hoa).  Theo các ghi chép lịch sử, mẫu áo Phi Phong này được triều Nguyễn phát triển lên thành dạng áo Đối Khâm Phi Phong. Việc giao thoa về trang phục truyền thống giữa các châu lục, khu vực hay chung đường biên giới được coi là một yếu tố của di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Việt phục không có bản sắc riêng. 


 Nam Phương Hoàng hậu mặc áo dài trong ngày cưới. (Ảnh: Internet)

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Hiệu - Trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm thương hiệu Việt phục Vạn Thiên Y cho biết: “Nguyên tắc căn bản của văn hóa là "đại đồng tiểu dị" - có sự giống nhau ở các điểm lớn và sẽ có sự khác nhau ở tiểu tiết, chính cái tiểu tiết làm nên sự khác biệt. Trang phục cổ của Việt Nam có những điểm giống nhất định với trang phục các quốc gia Đông Á khác là điều hết sức tự nhiên của sự phát triển văn hóa”. 

“Bản thân các triều đại quân chủ Việt Nam xưa kia luôn có xu hướng học tập một số quy chế nhất định về y phục với các triều đình phương Bắc. Tuy nhiên, sự học tập đó luôn có tính sáng tạo và biến đổi ở mức tiểu tiết, điều này xảy ra do tinh thần tự tôn, đồng thời cũng do hoàn cảnh tự nhiên xã hội thúc đẩy.” - anh Văn Hiệu nói thêm.

 Anh Văn Hiệu chia sẻ: “Ảnh hưởng văn hóa trong trang phục, bản chất của nó không có tính tích cực hay tiêu cực. Tích cực hay tiêu cực sẽ do hoàn cảnh quyết định”. (Ảnh: NVCC)

Câu chuyện bảo tồn và phát huy

Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng thời trang hiện đại, việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy Việt phục, nhiều nỗ lực đã được thực hiện trong những năm gần đây. Các hội thảo, triển lãm về Việt phục được tổ chức thường xuyên, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tham gia. Nhiều nhà thiết kế trẻ đang nỗ lực sáng tạo những mẫu Việt phục mới, phù hợp với xu hướng thời trang hiện đại mà vẫn giữ nguyên bản sắc truyền thống.

Tháng 3 vừa qua, Ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo lần 4 đã được tổ chức tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Chương trình đã đem tới cho người tham dự những hoạt động thú vị về văn hóa Việt như trình diễn Chiếu chèo sân đình Bắc Bộ, trình diễn trang phục Chăm, Việt cổ phục. Ngoài ra, sự kiện  còn có những talkshow chuyên đề văn hóa truyền thống, khu trưng bày cổ vật, sản phẩm phục dựng...

 Ngày hội Việt phục “Tóc xanh vạt áo” tổ chức tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia TP. HCM thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ. (Ảnh: Fanpage Tóc Xanh Vạt Áo - Ngày hội Việt phục)

Trong thời đại số hóa, việc sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng bá và lan tỏa giá trị Việt phục cũng là một yếu tố quan trọng. Các chiến dịch truyền thông, video, bài viết trên mạng xã hội có thể tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp công chúng, đặc biệt là giới trẻ, hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của Việt phục. Những hình ảnh đẹp và câu chuyện hấp dẫn về Việt phục có thể kích thích sự quan tâm và yêu thích của mọi người, từ đó tạo ra một phong trào bảo tồn và phát huy Việt phục rộng khắp.

 MV “Hết thương cạn nhớ” của ca sĩ Đức Phúc từng gây sốt với sự xuất hiện của những bộ trang phục truyền thống Việt Nam trong bối cảnh làng quê Bắc Bộ xưa. (Ảnh: Fanpage Đức Phúc Official)

Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có chiến lược bài bản, đồng bộ trong việc bảo tồn và phát triển cổ phục Việt trên phạm vi quốc gia. Hoạt động bảo tồn và phát triển Việt phục còn phụ thuộc nhiều vào các cá nhân, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng. Sự tiện dụng và đa dạng của trang phục hiện đại khiến cổ phục Việt đang dần bị “lép vế”. Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế khiến trang phục hiện đại từ các nước phương Tây du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức đầy đủ về giá trị văn hóa của Việt phục mà ưa chuộng trang phục hiện đại hơn.

Khi được hỏi về việc các bạn trẻ có thể làm để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Việt phục, bạn Thanh Hương - sinh viên ngành Quản lý Giải trí và Sự kiện (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN) cho rằng: “Bên cạnh việc giáo dục và lan tỏa về cổ phục Việt,  điều mình thấy quan trọng hơn đó là cách giới trẻ chúng mình có thể ứng dụng Việt phục vào đời sống hàng ngày. Người trẻ có thể lựa chọn mặc Việt phục vào những dịp đặc biệt như đi lễ chùa đầu năm, đi chúc Tết hoặc khi chọn chụp kỷ yếu. Bằng cách đó, những bạn trẻ như mình có thể cảm nhận được sự hiện diện của cổ phục Việt ngay trong chính đời thường.”

 Thanh Hương từng tham gia tổ chức sự kiện “Say xẩm”  của nhóm sinh viên lớp Giải trí, sự kiện 2 khoá K2 (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN) nhằm truyền bá văn hóa hát xẩm tới giới trẻ và trưng bày trang phục của nghệ sĩ hát xẩm. (Ảnh: NVCC)

Nói về tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp thời trang Việt phục trong tương lai, anh Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ: “Sự phát triển của cổ phục Việt trong tương lai đầy hứa hẹn vì có sự ủng hộ nhiệt thành của thế hệ trẻ. Họ sẽ là những người tìm lại và khai thác giá trị xưa, đồng thời cũng là khách hàng của chính các sản phẩm phát sinh từ văn hóa xưa trong đó có trang phục cổ.”

 Áo Nhật bình và áo tấc xuất hiện trong đám cưới của một cặp đôi tại Cao Bằng. (Ảnh: Đàm Anh)

Từng bộ trang phục như những thước phim lịch sử được tái hiện qua từng đường kim mũi chỉ tinh tế là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam. Sau mỗi tà áo là một câu chuyện về quá khứ, là niềm tự hào về bản sắc dân tộc, là tình yêu và sự trân trọng đối với tinh hoa văn hóa được gìn giữ qua bao thế hệ. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đó, Việt Phục cũng đang phải đối mặt với một số nguy cơ như sự du nhập của trang phục phương Tây, sự mai một của các giá trị văn hóa truyền thống... Do đó, mỗi cá nhân và cộng đồng cần chung tay góp sức để bảo tồn và phát huy giá trị của Việt Phục, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. 

Gia Linh - MĐT K41

Phản hồi