Danh mục Thứ Bảy, 27/04/2024

Tiêu điểm \

Nông sản Hà Nội vượt khó khăn đại dịch đến tay người mua

23:26 05-10-2021
Trong diễn biến phức tạp của Covid-19 và ảnh hưởng của giãn cách xã hội, làm thế nào mà nông dân Hà Nội vẫn tiêu thụ được sản phẩm ổn định? Câu trả lời nằm ở tinh thần “tương thân, tương ái” và sự cố gắng áp dụng công nghệ của người dân.

Tuy tình hình sản xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội tương đối ổn định, Covid-19 khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn khi tiêu thụ. Trước tình hình đó, cơ quan, ban, ngành, các đoàn thể đã vào cuộc để hỗ trợ người nông dân. Đồng thời các cá nhân, cửa hàng cũng nhận được thành quả tốt khi mua bán sản phẩm của mình trên các nền tảng trực tuyến.

Các điểm bán hàng vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản vừa cung cấp thực phẩm cho người dân

Tại huyện Chương Mỹ, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã huy động lực lượng để hỗ trợ nông dân trong tình trạng thiếu nhân lực thu hoạch nông sản. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, tổng sản lượng nông sản trên địa bàn huyện có nhu cầu tiêu thụ trong tháng 8 khoảng hơn 460 tấn, trong đó chủ yếu là nhãn, khoảng 270 tấn; các loại rau, củ gần 200 tấn. Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã phối hợp với các phòng, ban, ngành và các xã thị trấn giúp bà con thu hoạch được tương đối nhiều nhãn (từ 4/8-23/8 thu hoạch được khoảng 3,5 tấn nhãn) và các loại rau củ. 

Bà Trần Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết những ngày qua, Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, các xã, thị trấn triển khai giải pháp kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản; cung cấp cho các xã, thị trấn, hợp tác xã danh sách hệ thống cửa hàng, siêu thị tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thêm vào đó, không thể không kể đến sự hữu ích của các trang mạng xã hội trong hoàn cảnh người dân không được đi chợ hay đi cửa hàng để mua trực tiếp thực phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, “Trong thời gian qua, dựa trên nền tảng kỹ thuật số, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng tăng mạnh, đặc biệt hình thức mua hàng online trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp càng được khách hàng lựa chọn. Vì thế, thông qua buổi tập huấn, các doanh nghiệp đã có kỹ năng bán hàng, kỹ năng live trực tuyến. Đồng thời, sẽ tạo nên chuỗi liên kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”.

Các cơ sở hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ và đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh Chương Mỹ đã áp dụng hình thức chia sẻ công khải danh sách các mặt hàng nông sản đang cần tiêu thụ lên Zalo, Facebook,.. để kết nối với người dân và lên danh sách tổng hợp số lượng đăng ký mua. Kết quả của là chỉ chưa đến một tuần triển khai hỗ trợ, nông dân trên địa bàn tiêu thụ gần 140 tấn nông sản. Tương tự, Huyện Mỹ Đức cũng có những kết quả vô cùng khả quan. Theo bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mỹ Đức, Hội đã tiêu thụ được hơn 50.000 quả trứng gà cho các hộ dân chăn nuôi tại xã Tuy Lai.

Các hoạt động trên không chỉ biểu hiện cho tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc mà còn hình thành nên nét đẹp mới trong văn hóa tiêu dùng của người dân, góp phần chung tay cùng người dân cả nước vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đỗ Phương Thảo - TTĐPT K40

Phản hồi