Danh mục Thứ Sáu, 29/03/2024

Tiêu điểm \

Việc học online - nhiều bất cập hay đem lại cơ hội phát triển ?

Học online đem lại thách thức lớn hay cơ hội mới giúp học sinh, sinh viên phát triển ?

11:44 30-09-2021
Trước tình hình diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo cho chương trình học không bị trì hoãn, việc dạy và học online được đưa ra như một giải pháp tạm thời. Đối với nhiều học sinh, sinh viên, việc học online đã đem lại rất nhiều khó khăn, tuy nhiên phương pháp này cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội mới để phát triển việc học.

Theo Bộ GD&ĐT, ước tính, có khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến hoàn toàn. Tuy nhiên, có một thực tế là học sinh các gia đình nghèo, vùng khó khăn đang thiếu trầm trọng thiết bị để học tập. Khảo sát từ các địa phương cho thấy, có tới 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức này. 

Đối với từng cấp bậc, các cháu tiểu học mới bước vào lớp 1, những em học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên trên giảng đường Đại học lại cũng có những cái khó riêng.
 

Khi trẻ lớp 1 phải học online, nỗi lo cho cả thầy, trò và phụ huynh

Nhiều tỉnh thành đã triển khai phương án khai giảng trực tuyến và dạy - học trực tuyến khi năm học mới bắt đầu cho các em học sinh tiểu học. Những cháu năm nay mới chỉ vào lớp 1, khi việc làm quen với các chữ cái, con số còn đang bập bẹ nhưng đã phải học online. Điều này không chỉ gây khó khăn lớn cho chính các cháu mà còn mang lại những lo lắng, nỗi băn khoăn lớn cho các bậc phụ huynh. 

Chị Phạm Thu Hoa ( TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) có con năm nay mới bước vào lớp 1 đã chia sẻ: "Con tôi mới vào lớp 1 thôi, việc làm quen với các chữ cái cháu nó còn chưa thành thạo giờ cũng chỉ được học qua màn hình. Người lớn trong nhà cũng bận rất nhiều việc, tôi còn phải làm việc nữa nhưng vẫn luôn phải dành thêm thời gian kèm cặp, hướng dẫn cháu học bài nhiều hơn. Điều này cũng gây nhiều khó khăn và bối rối". 
 

 Cháu Nguyễn Phạm Ngọc Trinh (Bình Dương)  năm nay mới vào lớp 1 đang tham gia lớp học online (Ảnh : Nhân vật cung cấp)

 Lớp học online đầu tiên của cháu Nguyễn Phạm Ngọc Trinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

 

Việc học online đối với học sinh tiểu học gây cản trở hơn rất nhiều so với các cấp bậc khác vì thầy cô cần phải hướng dẫn kỹ, dạy viết, nắn chữ cho các em. Chỉ qua màn hình và các bài giảng trực tuyến, các thầy cô không thể nào kiểm soát, chỉ bảo chu đáo được cho các cháu như học trực tiếp trên lớp. 

Chưa kể đến việc các cháu còn quá nhỏ để tiếp xúc với các thiết bị điện tử, trong quá trình học cần phải có người lớn bên cạnh trông coi và hướng dẫn. Ngoài việc các cháu không biết cách thao tác, làm quen với bài giảng thì việc chú ý an toàn cho các cháu cũng cần phải đặc biệt quan tâm. Thực tế cho thấy đã có vụ việc thương tâm xảy ra như vụ việc bé trai 10 tuổi ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) không may bị điện giật tử vong khi đang học trực tuyến tại nhà.



"Chương trình học khó, việc học online khiến em khó tập trung " 

Em Lại Cao Phong, học sinh lớp 11 trường THPT Kim Sơn A cho biết : "Chương trình học lớp 11 cũng khó hơn nhiều, khối lượng kiến thức tăng lên mà các thầy cô giảng dạy trong lớp học trực tuyến rất nhanh, ít tương tác khiến em không kịp nắm bắt nội dung và có hứng thú với bài học. Việc học online khiến em rất khó tập trung học và bài tập cũng nhiều hơn khi học trên lớp".

 

  Em Lại Cao Phong, học sinh lớp 11 trường THPT Kim Sơn A

 

Tuy chương trình học không còn gò bó như học các cấp học khác nhưng tại bậc Đại học, việc học online cũng gây ra không ít thách thức cho sinh viên và giảng viên. Có nhiều môn thiên về thực hành, thao tác cần có giảng viên trực tiếp hướng dẫn, làm mẫu... nên sẽ khó có thể dạy kiểu online hay nhiều môn khác sinh viên cần có dự án, nghiên cứu và hoạt động thực tế. 

Bạn Nguyễn Châu Anh, sinh viên năm 3 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ rằng : “Học online bất tiện ở chỗ sinh viên sẽ không thể đi thực tế được, không được học hỏi kinh nghiệm, mất đi các cơ hội đi thăm quan, nghiên cứu, trải nghiệm thực. Ngoài ra, học tại nhà cũng bị phân tâm bởi rất nhiều yếu tố như giờ giấc sinh hoạt, tiếng ồn, việc trong gia đình, đôi lúc việc sinh viên không tự giác tập trung là việc thực sự đã xảy ra.” 

Thực tế dạy và học online cũng nảy sinh một số bất cập như thiếu sự tương tác trực tiếp giữa người dạy và học, giảng viên khó đánh giá được năng lực của từng học viên như cô Phạm Thu Giang, giảng viên khoa Ngoại ngữ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Tính tương tác giữa giáo viên và sinh viên, giữa sinh viên với nhau sẽ có phần hạn chế. Việc ngồi trước màn hình nhiều giờ cũng tạo sự căng thẳng nhất định cho người dạy và người học.” 

 

Việc học online có thể được coi là cơ hội mới để phát triển việc học ? 

Việc học online thực tế vẫn có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với việc học truyền thống trên trường. Đối với quan điểm này, bạn Đỗ Phạm Hồng Ngọc sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chia sẻ : “Đối với cá nhân mình thì việc học online cũng rất tốt, mình có thể ghi lại buổi học để nghe lại giúp hiểu bài hơn, có thể chụp lại các slide hoặc lưu tài liệu dưới dạng file mềm giúp lưu trữ lâu dài, gọn nhẹ hơn.”

 

 

 Bạn Đỗ Phạm Hồng Ngọc, sinh viên Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh : Nhân vật cung cấp)

 

Việc học online đối với cấp bậc tiểu học giúp các cô truyền tải kiến thức cho các cháu bằng các video, hình ảnh, những mẩu truyện, bài hát khiến cháu nhà hào hứng hơn. Ở trên trường có lẽ hiếm khi hoặc không đủ cơ sở vật chất để các thầy cô làm điều đó. 

Đối với các sinh viên, cô Phạm Thu Giang cũng điểm lại các lợi ích : “Học trực tuyến tạo sự tự do, thoải mái nhất định cho người dạy, người học. Thời gian và chi phí cho việc đi lại được cắt giảm. Sinh viên ở xa cũng có thể học tại nhà thay vì thuê trọ trên các thành phố lớn.” 

Phương thức dạy học trực tuyến có thể giúp nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh. 

Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thông qua dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

 
Vậy, liệu việc dạy và học trực tuyến có được coi là một cơ hội tốt để phát triển hướng đi mới trong việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên không hay vẫn là một biện pháp tạm thời trong mùa dịch với khó khăn gây cản trở ? 

Để trả lời cho câu hỏi này, cô Phạm Thu Giang cũng nhận định: “Dạy học trực tuyến giúp đa dạng hóa phương pháp và nâng cao tính linh hoạt nói chung của quá trình dạy và học. Dạy học trực tuyến có nhiều điểm lợi so với dạy học trực tiếp, cần phát huy như một hướng đi bổ sung cho phương pháp học truyền thống. Thông qua dạy học trực tuyến, giáo viên và học sinh có thể phát huy tối đa lợi thế những ứng dụng công nghệ trên nền tảng Internet để tăng hiệu quả học tập và tương tác”. 

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc dạy và học đều cần sự nỗ lực từ cả 3 phía, từ giáo viên, người hướng dẫn đến phụ huynh và quan trọng nhất chính là bản thân người học. Việc học online tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Bộ Giáo dục và Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục, khuyến khích, hỗ trợ nhà trường và đặc biệt là các em học sinh, sinh viên còn đang gặp khó khăn. Điều quan trọng nhất vẫn cần tinh thần tự giác, tự chủ, tự học của các em. Như vậy, việc học online mới có thể trở thành một hướng đi mới và thực sự hiệu quả.
 

Phạm Hiền TTĐC K40 A1

Phản hồi