Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, viện trưởng viện Báo chí, cho biết, hội thảo là diễn đàn cho các thế hệ thầy trò, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học, sinh viên cùng tri ân, nhìn lại truyền thống 60 năm sự nghiệp vẻ vang, tự hào trong đào tạo, nghiên cứu báo chỉ cho đất nước từ Khoa Báo chí tới Viện Báo chí. Hội thảo còn là diễn đàn để thảo luận chia sẻ những kỳ vọng và thích nghi cần thiết mà các cơ quan báo chí mong đợi ở nguồn nhân lực báo chí truyền thông trong điều kiện hoàn cảnh mới; chia sẻ thực trạng, vấn đề đặt ra, phương thức, giải pháp giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông cho các cơ quan.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo bao gồm các chủ đề: “Cuộc khởi đầu suôn sẻ về sự hình thành lý luận Báo chí cách mạng Việt Nam tại Khoa Báo chí từ những năm đầu thành lập”, “Sáu mươi năm Khoa Báo chí- Viện Báo chí: Dấu mốc chặng đường và mấy vấn đề đặt ra cho sự phát triển”, “Khoa Báo chí, nơi xây dựng nền móng lý luận Tác phẩm báo chí của Việt Nam”, “Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên số, đa nền tảng, đa phương tiện, Đào tạo báo chí thích ứng với thay đổi của môi trường số”.
Hội thảo “Viện Báo chí: 60 năm đào tạo nghiên cứu - vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển” bao gồm 2 phần với các nội dung chính:
Phần 1: Lịch sử truyền thống 60 năm đào tạo, nghiên cứu báo chí cho đất nước với các nội dung: Thành tựu và các dấu mốc quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu qua các thời kỳ; đúc rút các giá trị truyền thống cối lõi, tổng kết rút ra bài học từ lịch sử 60 năm truyền thống; Vinh danh thành tựu của các thế hệ sinh viên là các phóng viên, biên tập viên tiêu biểu của lớp, của khóa – những người trực tiếp tác nghiệp trên mặt trận báo chí của đất nước qua các thời kỳ; Vinh danh thành tựu liên quan đến các lãnh đạo, quản lý qua các thời kỳ…
Phần 2: Vấn đề dặt ra và giải pháp phát triển Viện Báo chí - mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí cách mạng trước yêu cầu của nền báo chí số bao gồm các nội dung: nhận diện và phát huy thế mạnh, nhận diện thách thức và những vấn đề đặt ra; đề xuất chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển Viện Báo chí - mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí cách mạng trong bối cảnh phát triển báo chí truyền thông số, đa nền tảng, từ đó xây dựng và phát triển Viện Báo chí xứng đáng với sứ mệnh và tầm vóc, đáp ứng yêu cầu đối với một đơn vị “đầu tàu” trong đào tạo, nghiên cứu báo chí, truyền thông trong cả nước.
Phần 1 được mở đầu với bài tham luận mang tính đặt nền móng của thầy Trần Bá Lạn.
Chia sẻ về tham luận đầu tiên với chủ đề: “Cuộc khởi đầu suôn sẻ về sự hình thành lý luận Báo chí cách mạng Việt Nam tại Khoa Báo chí từ những năm đầu thành lập”, thầy Trần Bá Lạn - nguyên Trưởng Khoa Báo chí đã chia sẻ về bối cảnh, tình hình của nền báo chí cách mạng Việt Nam, từ đó dẫn đến cơ sở hình thành lý luận báo chí cách mạng Việt Nam và sự ra đời của Bộ giáo trình nghiệp vụ báo chí đầu tiên. Bên cạnh đó thầy cũng đề cập đến bước đà có tính quyết định của sự hình thành hệ thống lý luận báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong tham luận “Sáu mươi năm Khoa Báo chí- Viện Báo chí: Dấu mốc chặng đường và mấy vấn đề đặt ra cho sự phát triển”, PGS,TS. Nguyễn Văn Dững, Nguyên Trưởng khoa Báo chí đã chia sẻ: “Với cuộc đời một con người hay quãng thời gian phát triển của một tổ chức là đủ để nhìn lại những dấu mốc phát triển, rút ra những vấn đề và từ đó kiến tạo tầm nhìn cho sự phát triển”. Sau khi ôn lại những dấu mốc lịch sử của Viện và một số dấu ấn phát triển lý luận báo chí - truyền thông, ông đã đề cập đến 5 vấn đề đặt ra cho sự phát triển. Trong đó: “Thứ nhất, Viện Báo chí cần được quan tâm đúng mức cả về chỉ đạo, đầu tư nguồn lực… Thứ hai, cần thống nhất nhận thức, nỗ lực để “giải mã” một số vấn đề mới, cơ bản mà báo chí thế giới và Việt Nam đang rất quan tâm. …Thứ ba, vấn đề định hướng phát triển và kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu - giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển cả về phẩm chất và năng lực, trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn - tầm nhìn đến năm 2045… Thứ tư, quán triệt nguyên lý “học đi đôi với hành”... cần xây dựng đồ án cho một trung tâm báo chí - truyền thông đa phương tiện… Thứ năm, trong tình hình hiện nay, cần chuyển trọng tâm từ đào tạo cử nhân - chủ yếu tập trung đào tạo chất lượng cao, sang đào tạo sau đại học… nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn”.
Trong tham luận “Khoa Báo chí, nơi xây dựng nền móng lý luận Tác phẩm báo chí của Việt Nam”, PGS,TS. Nguyễn Đức Dũng - Nguyên phó trưởng khoa PTTH khẳng định với việc nhận diện hệ thống thể loại báo chí gồm 3 nhóm thể loại cơ bản: “Nhóm các thể loại báo chí thông tấn”, “Nhóm các thể loại báo chí chính luận”, Nhóm các thể loại báo chí Chính luận - Nghệ thuật” được khởi đầu từ các cuốn sách “Ký báo chí” và “Tác phẩm báo chí tập I" của Khoa Báo chí Trường Đại học Tuyên giáo ở thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Thống kê này là những cứ liệu khách quan cho thấy một thực tế hiển nhiên , với các công trình nghiên cứu và các cuốn sách đã được in ra ở thời kỳ bản lề ấy, Khoa Báo chí đã trở thành nơi đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu về các tác phẩm, thể loại báo chí; từ đó mở ra một hướng đi quan trọng cho công tác đào tạo báo chí ở Việt Nam. Hơn nữa trong quan niệm về hệ thống thể loại báo chí và về đặc điểm, tên gọi của các thể loại như trên ít nhiều đã gây ra những khó khăn cho việc triển khai các chương trình đào tạo báo chí. Tuy nhiên, mặt tích cực của nó là đã cho thấy tính tranh luận và những quan điểm, trường phái khác nhau trong nghiên cứu lý luận báo chí. Điều này cũng đã được thể hiện rất sinh động ngay trong các trường phái khác nhau ở Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong thời kỳ ban đầu này, khẳng định Khoa báo chí là nơi xây dựng nền móng cho lý luận báo chí Việt Nam.
Phần 2 là vấn đề được đặt ra và giải pháp phát triển đào tạo trong thời kỳ công nghệ, được nhà báo Phạm Quốc Toàn trình bày trong bài tham luận về vấn đề đào tạo nhân lực.
Trình bày tham luận với chủ đề “Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên số, đa nền tảng, đa phương tiện”, nhà báo Nhà báo Phạm Quốc Toàn, cựu học viên Đại học Báo chí khóa 1, thẳng thắn nhận định vấn đề cung cách đào tạo nguồn nhân lực báo chí trong kỷ nguyên báo chí số đang gây ra nhiều trăn trở đồng thời ông cũng phác thảo ra 6 vấn đề “Thứ nhất, điều cốt lõi, cũng là vấn đề mang tính nguyên tắc hàng đầu đó là việc chúng ta đào tạo, cho ra lò đội ngũ người làm báo cách mạng luôn hướng đến “Phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân"... Dù có phát triển đến đâu thì “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”, phải được coi là nguyên tắc bất di bất dịch…Thứ hai, để chất lượng đào tạo, nghiên cứu trong thời kỳ mới ở trên tầm cao mới, trước hết và trên hết chính là sự quyết tâm cao về tư duy và hành động xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu… Thứ ba, một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của thời kỳ báo số đó là để các cử nhân báo chí, hoặc thạc sĩ báo chí sau tốt nghiệp trở về các tòa soạn hội tụ bắt tay vào nghề nghiệp trong tâm thế vững vàng… Thứ tư, phương thức làm báo hiện nay dựa trên nền tảng số của thời đại công nghệ 4.0 bộ giáo trình truyền thống không còn phù hợp. Một hoặc vài ba bộ giáo trình làm báo,... đang được cập nhật hàng ngày, hàng tháng…Thứ năm, Viện báo chí thực thi hiệu quả cả hai chức năng cơ bản là Đào tạo và Nghiên cứu, nghiên cứu để phục vụ đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực báo chí- làm báo hiện đại theo ba cấp dạy và học: Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ….Thứ sáu, tầm nhìn và giải pháp, đường đi mở rộng. Viện báo chí cần thiết chế tổ chức lực lượng đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước yêu cầu phát triển nhanh của báo chí- truyền thông hiện đại trong sự phát triển như vũ bão của thời đại hiện nay.
Nhà báo Vũ Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân dân, trình bày tham luận với chủ đề “Đào tạo báo chí thích ứng với thay đổi của môi trường số”. Ông nhấn mạnh hai ý kiến: “Thứ nhất là phải tập trung về công nghệ, báo chí đang có sự thay đổi, các cơ quan báo in đều phải xuất bản thêm trang thông tin điện tử để đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời. Hơn nữa, với sự phát triển của công nghệ, cách thức đưa thông tin trên mạng xã hội không thuần tuý là định dạng văn bản mà còn có audio, video… Chính sự thay đổi của truyền thông, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng đã đặt ra những yêu cầu cao hơn cho nguồn nhân lực báo chí, vì vậy cần phải có sự đầu tư vào trang thiết bị để đáp ứng được nhu cầu thị yếu của công chúng. Thứ hai là phải tập trung về đào tạo, cơ bản đào tạo báo chí có 2 nội dung cơ bản là đào tạo kỹ năng và kiến thức chuyên sâu. Về đào tạo kỹ năng, người sản xuất các sản phẩm báo chí không chỉ giỏi về chuyên môn mà phải thành thạo công nghệ, biết sử dụng máy tính để khai thác truyền tải thông tin và các nghiệp vụ làm báo trên internet,...Về đào tạo kiến thức chuyên sâu, phải nắm vững những vấn đề lý luận giúp cho nhà báo có bản lĩnh chính trị, có kiến thức, phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, hơn nữa cần phải cung cấp cho sinh viên kiến thức nền tảng vững chắc và phương pháp tư duy hiện đại như tư duy tự học, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo,... Để có khả năng tự trau dồi kiến thức, linh hoạt với biến đổi của xã hội đặc biệt là trong môi trường số.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững đã nhấn mạnh về sự thành công và phát triển của viện trong suốt chặng đường vừa qua và khẳng định về tầm quan trọng của viện trong công tác đào tạo và giảng dạy. Đặt ra mong muốn trong thời gian tới, viện sẽ tiếp tục cố gắng, có những định hướng phù hợp để tham mưu cho lãnh đạo nhà trường phát triển đào tạo báo chí truyền thông xứng đáng với vai trò và vị thế của một viện tiên phong trong việc đào tạo lĩnh vực báo chí truyền thông của học viện cũng như cả nước, đồng thời bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng và không ngừng tiến lên trong xu hướng đào tạo và phát triển truyền thông số.
Các nội dung tham luận của hội thảo trước hết đều đã nêu bật những thành tựu to lớn trong sự nghiệp vẻ vang của Viện suốt chiều dài lịch sử 60 năm hình thành và phát triển. Song, các đại biểu đã đưa ra những thách thức và các vấn đề đặt ra đối với quá trình đào tạo và nghiên cứu của Viện báo chí trong thời gian tới, đồng thời đưa ra chiến lược, giải pháp triển cho viện trong bối cảnh phát triển báo chí truyền thông đa phương tiện.
Đọc thêm thông tin về các tham luận của hội thảo tại E-book Kỷ yếu hội thảo.
Phản hồi