Thưa bà, tại sao bà lại được gọi với cái tên “Tứ gia”?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung: Tứ gia là một cách gọi vui mà tôi được bạn bè trong giới gọi. Bởi không chỉ là một nhà báo, tôi đồng thời còn là nhà giáo, nhà văn, nhà thơ. Từ những năm 1965 khi còn là giáo viên, tôi đã viết bài báo đầu tiên trên báo Quân đội nhân dân về chiến thắng của hải quân Việt Nam trên mặt trận sông Ranh. Tới năm 1993, tôi nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục sáng tác thơ, viết báo và cả tiểu thuyết. Hiện tại, tôi là hội viên Hội nhà văn Hà Nội, hội viên thi đàn Việt Nam và đã có hơn mười đầu sách được xuất bản.
Thưa bà, hôm nay bà đến lễ kỷ niệm truyền thống 60 Viện Báo chí, Học viện báo chí và tuyên truyền với vai trò gì?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung: Tôi có mặt ở đây ngày hôm nay để thay mặt chồng, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức, người được Viện Báo chí vinh danh và tri ân vì những đóng góp to lớn của ông trong công cuộc xây dựng và phát triển Viện.
Thưa bà, bà có suy nghĩ gì về Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống Viện Báo chí, học viện báo chí và tuyên truyền?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung: Sự kiện này như một cơ hội để tôi có thể gặp gỡ và giao lưu với các cây bút kỳ cựu của nền báo chí Việt Nam, đồng thời còn là dịp tri ân những cá nhân, tập thể có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Viện Báo chí nói riêng cũng như học viện Báo chí và tuyên truyền nói chung. Những người như chồng tôi, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức sẽ không bao giờ bị hậu thế lãng quên. Tôi cảm thấy vinh dự, hạnh phúc, xen lẫn cả tự hào.
Là một nhà báo, đặc biệt là đã từng hoạt động trong lĩnh vực báo chí cách mạng, tôi rất muốn nghe, muốn hiểu những điều mà các giảng viên đã trình bày qua từng bài diễn văn và tham luận. Đó là những kinh nghiệm, là trải nghiệm, là kiến thức về khởi nguồn của báo chí cách mạng hay những vấn đề bất cập trong cuộc sống. Bởi vậy, tôi lại càng mong những thông tin hữu ích ấy sẽ đến được với sinh viên qua nhiều cách khác nhau, có thể là trực tiếp nghe ở hội trường, nhưng cũng có thể gián tiếp nghe qua báo đài hay các phương tiện thông tin đại chúng.
Là một người với hơn 50 năm sự nghiệp cầm bút, bà có lời gì gửi gắm tới thế hệ trẻ, những người đam mê báo chí- truyền thông?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung: Trước nhất, đã làm báo phải tâm huyết, yêu nghề, đặt cá nhân ra ngoài vòng tròn lợi ích. Báo chí phải là báo chí cách mạng, là tiếng nói của nhân dân, có trách nhiệm phụng sự nhân dân, phụng sự tổ quốc.
Người làm báo không được được ngại khó, ngại khổ, không ngại vất vả, gian nan. Phải đấu tranh cho sự thật, không ngại tố giác những điều sai trái.
Báo chí phơi bày cái xấu là vì cái tốt, không phải chỉ để thỏa mãn cái tôi, để hả dạ bản thân hay vì bất kỳ mong muốn ích kỉ nào khác. Đã làm báo phải toàn tâm với báo chí, chỉ ra cái sai nhưng phải vì mục đích xây dựng, có như vậy mới là một nhà báo chân chính, có thể thanh thản và an tâm làm nghề.
Trân trọng cảm ơn bà!
Phản hồi