Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt đã tăng từ 73% lên hơn 85%. Hiện nay, hàng Việt chiếm trên 90% tại các cơ sở phân phối trong nước, từ 60% đến 96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, và từ 60% trở lên tại chợ, cửa hàng tiện lợi. Ghi nhận tại “Hội chợ hàng OCOP năm 2024” do Hà Nội tổ chức, số lượng người mua sắm các sản phẩm địa phương rất đông đảo, với trải nghiệm sử dụng sản phẩm được đánh giá cao.
Chị Linh (phường Xuân La, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ chị và gia đình đã cảm thấy cởi mở hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt bởi chất lượng vượt ngoài mong đợi.“Trước đây, tôi hay mua hàng nhập khẩu vì nghĩ rằng hàng Việt khó bền. Nhưng gần đây, khi dùng thử đồ gia dụng, hàng thực phẩm và quần áo của các thương hiệu Việt Nam, tôi rất hài lòng. Chất lượng tốt mà giá cả lại phù hợp hơn, ngoài ra nguồn gốc xuất xứ còn rõ ràng, đáng tin cậy.”
Theo chị, những sản phẩm đến từ Việt Nam như bánh kẹo, đồ mỹ phẩm, quần áo,... đã ngày càng cải tiến về chất lượng bên trong, mẫu mã sáng tạo, bắt mắt hơn, giá cả hợp lý phù hợp với thu nhập của người dân.
Ngoài ra, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng chính là một yếu tố thúc đẩy người Việt ủng hộ hàng Việt. Chị Hương (Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) cho biết: “Tôi không tin tưởng với những sản phẩm của các nước khác, vì không biết sản xuất ở đâu, có gì trong đó, nên tốt nhất là cứ lựa chọn hàng của nước mình.”
Trong bối cảnh ngày càng nhiều các mặt hàng nước ngoài du nhập vào thị trường Việt Nam một cách trái phép, không nguồn gốc, không rõ ràng, người tiêu dùng đã nâng cao cảnh giác và tin tưởng hơn các sản phẩm địa phương uy tín từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Niềm tin hướng đến lâu dài
Việc sản phẩm nội địa đang ngày càng chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng chính là một hệ quả tất yếu cho những nỗ lực quảng bá, phát triển và hoàn thiện của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua.
Với chị Hiền - người đại diện phân phối của Hygie & Panacee - một doanh nghiệp chuyên sản xuất dược trà hòa tan đến từ Cần Thơ, chất lượng của các sản phẩm Việt Nam đã thuyết phục được người tiêu dùng Việt: “Không còn chỉ là ủng hộ, người tiêu dùng đã ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam và công nhận cho chất lượng rất tốt của các sản phẩm Việt Nam. Thậm chí rất nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ hay các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản và cũng rất được yêu thích.”
Bà Lê Thị Hương, quản lý của doanh nghiệp Hợp tác xã Sinh Dược (Gia Viễn - Ninh Bình) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực tìm cách cải tiến, nâng cao chất lượng các sản phẩm của mình, tìm tòi và học hỏi thêm những kỹ thuật mới, đảm bảo nguồn nguyên liệu, nguồn hàng rõ ràng, minh bạch, thêm vào đó những nét tiêu biểu của địa phương để đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất, củng cố niềm tin với hàng Việt.
Theo trao đổi với TS. Nguyễn Thị Hương Lan - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, việc dịch chuyển thói quen sang sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng có yếu tố quyết định là sự tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm, do đó, đảm bảo chất lượng chính là yếu tố lâu dài và bền vững nhất để duy trì điều này.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trung ương và địa phương cũng giúp quảng bá mạnh mẽ thương hiệu Việt. TS. Nguyễn Thị Hương Lan chia sẻ: “Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng dành một sự quan tâm lớn đến sản phẩm nội địa, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, quảng bá, hội chợ giới thiệu sản phẩm, các doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ hội đó sử dụng các phương tiện truyền thông để phát triển thương hiệu, khuyến khích niềm tin của người tiêu dùng.”
Đồng thời, TS. Nguyễn Thị Hương Giang hy vọng, trong lâu dài, khi ngày càng có nhiều người Việt ưu tiên hàng Việt, điều này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, khích lệ các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, giữ mức giá phù hợp cho các mặt hàng, đa dạng hoá sản phẩm để tạo cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn.
Phản hồi