Danh mục Thứ Năm, 16/01/2025

NEWS \

Sự thật đằng sau “cơn sốt” túi mù hiện nay - Kỳ 2

21:30 02-01-2025
Sự phổ biến của trào lưu xé túi mù đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong đời sống, trong đó có áp lực lớn lên môi trường do lượng rác thải nhựa tăng vọt. Đồng thời, việc săn lùng những món đồ bất ngờ cũng dẫn đến những hệ lụy tâm lý tiêu cực như cảm giác thất vọng và tiêu dùng vô độ ở giới trẻ.

Hành động mù quáng, hậu quả rõ ràng

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ một phần rất nhỏ rác thải nhựa trên toàn cầu được tái chế, và tại Việt Nam còn nghiêm trọng hơn do hạn chế về công nghệ. Việc sử dụng nhựa nylon cho túi mù càng làm trầm trọng thêm vấn đề này, khiến phần lớn rác thải từ trào lưu trở thành rác thải vĩnh viễn.

Mặc dù mỗi chiếc túi mù có giá trị khá nhỏ, chỉ từ 3.000 đến 20.000 đồng, nhưng khi nhân lên với hàng triệu sản phẩm được bán ra, lượng rác thải nhựa từ bao bì túi mù là vô cùng lớn. Theo báo cáo của Metric Việt Nam, chỉ trong 3 tháng, doanh số từ túi mù đã lên tới 4,6 tỷ đồng, tương đương với hàng tấn nhựa thải ra môi trường.

Biểu đồ tăng trưởng doanh thu "túi mù" trên 4 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. (Ảnh: Metric Việt Nam)

Không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, việc xé túi mù còn tiềm ẩn những hệ lụy không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Việc sở hữu những món đồ ngẫu nhiên, đôi khi không cần thiết, có thể khiến người chơi cảm thấy thất vọng, gây ra những cảm xúc tiêu cực và hình thành thói quen tiêu dùng bốc đồng.

Trào lưu “xé túi mù” ảnh hưởng nhất định đến xu hướng tiêu dùng của giới trẻ. Túi mù thường có giá thành không cao, nằm trong khả năng của khách hàng là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng,... nên có phân khúc định vị khách hàng khá rõ. Cộng với ảnh hưởng từ truyền thông thông qua các bài viết, bài chia sẻ, livestream... về “túi mù”, khiến giới trẻ hiện nay có xu hướng tiêu dùng một cách ngẫu hứng, nhanh chóng, không cần biết sản phẩm mình được nhận sẽ là gì. 

Cụ thể hơn, “túi mù” định hướng, định hình một xu hướng tiêu dùng dựa trên sự may rủi, thay vì giá trị thực của sản phẩm, cũng như định hình thói quen mua sắm lãng phí, không thực sự dựa trên nhu cầu thực, mà chỉ do tò mò, tâm lý hiếu kỳ,... “Điều này không chỉ tác động xấu đến cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, khi giới trẻ dần quen với việc mua sắm vô tội vạ, thiếu ý thức tiết kiệm và ý thức bảo vệ môi trường”, TS. Bùi Thị Như Ngọc - Giảng viên Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ. 

(TS. Bùi Thị Như Ngọc nhấn mạnh: Trào lưu “xé túi mù” có ảnh hưởng đến xã hội, khi giới trẻ dần quen với việc mua sắm vô tội vạ, thiếu ý thức tiết kiệm và ý thức bảo vệ môi trường. Nguồn: NVCC) 

Chính vì thói quen tiêu dùng bốc đồng của giới trẻ, điều này sẽ tiếp tay và tạo điều kiện cho hàng nhập lậu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. Thực tế cho thấy, để đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh chóng và đa dạng của giới trẻ, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc với giá thành rẻ. Những sản phẩm này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm thất thu ngân sách nhà nước và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. 

Điển hình như ngày 29/11 vừa qua trên địa bàn tỉnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang cho biết, đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ hàng hóa (túi mù) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của bà T.H để xử lý theo quy định pháp luật. Thời điểm kiểm tra, trên 2.000 sản phẩm túi mù các loại tại cơ sở của bà H không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Sản phẩm túi mù không rõ nguồn gốc được bày bán tại cơ sở. (Ảnh: Cục quản lí thị trường tỉnh Hậu Giang)

Hãy nghĩ thật “Sâu”, trước khi “Xé” 

Trào lưu "xé túi mù" không chỉ là một hiện tượng tiêu dùng đơn thuần mà còn phản ánh những vấn đề sâu xa hơn về tâm lý, xã hội và môi trường. Để giải quyết vấn đề này, cần có một sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, gia đình và xã hội.

Ở cấp độ cá nhân, mỗi người cần rèn luyện ý thức tự chủ và tiêu dùng hợp lý. TS. Bùi Thị Như Ngọc cho biết: “Trào lưu này chỉ là nhất thời, vì tâm lý và nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, luôn có sự thay đổi và biến động. Nếu được trang bị đầy đủ tri thức, hiệu biết và có sự độc lập, tỉnh táo trong việc tiếp nhận các thông tin, trào lưu mới, thì các bạn trẻ sẽ tự biết “gạn đục, khơi trong”, biết nên hay không nên tiếp nhận hoặc hưởng ứng cái gì, và sẽ biết tạo ra thông tin, trào lưu lành mạnh, nhân văn

Trong gia đình, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình hành vi tiêu dùng của con cái. Thay vì cấm đoán tuyệt đối, cha mẹ nên trò chuyện với con để hiểu rõ tâm lý và mong muốn của chúng. Bên cạnh đó, việc giáo dục con về quản lý tài chính, ý nghĩa của việc tiết kiệm và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành những thói quen tiêu dùng lành mạnh. 

Theo PGS. TS. Phạm Ngọc Trung (Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển Học viện Báo chí và Tuyên truyền), phụ huynh cần quan tâm đến con em mình một cách khoa học và hợp lý. Tôn trọng con không có nghĩa là để con tự do tuyệt đối. Cần đặc biệt chú ý đến các em từ lớp 7, lớp 8 khi bắt đầu có không gian riêng, dễ sa đà vào các trò chơi. Đây là một trò chơi mới, khơi gợi sự tò mò và mong muốn thử nghiệm của giới trẻ. Và từ những trò chơi mang tính may rùi, giới trẻ rất dễ hình thành nên đam mê cờ bạc. Tuy bắt đầu chỉ là những trò chơi “vô thưởng vô phạt”, tuy nhiên khi những người trẻ không có đủ nhận thức sẽ rất dễ bị những kẻ xấu lợi dụng, rủ rê chơi cờ bạc trên mạng xã hội, và từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường. 

PGS. TS. Phạm Ngọc Trung cho biết, phụ huynh cần quan tâm đến con em mình một cách khoa học và hợp lý, tôn trọng con không có nghĩa là để con tự do tuyệt đối. (Ảnh: Chính Nghĩa)

Ở cấp độ xã hội, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý thị trường, đặc biệt là đối với các sản phẩm liên quan đến trào lưu "xé túi mù". Việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và quảng cáo sẽ giúp hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng nên tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc tiêu dùng quá mức, khuyến khích lối sống bền vững và chia sẻ những câu chuyện thành công về việc thay đổi thói quen tiêu dùng. 

Cha mẹ nên giáo dục con cái về việc quản lý tài chính từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Internet) 

Ngoài ra, “ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và các trường học cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về cách tiếp cận các trò chơi một cách có trí tuệ và biết kiềm chế, tránh tình trạng đam mê quá mức dẫn đến nợ nần, bỏ học. Cần đưa nội dung này vào các hoạt động của lớp, chi đoàn. Hiện nay, nhiều chi đoàn tập trung vào các hoạt động bề nổi như ca hát, nhảy múa mà ít chú trọng đến nội dung giáo dục này.”, PGS. TS. Phạm Ngọc Trung chia sẻ. 

Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến trào lưu "xé túi mù" cũng cần có trách nhiệm xã hội cao hơn. Thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận, các doanh nghiệp nên sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và có giá trị sử dụng lâu dài.

Cuối cùng, việc xây dựng một cộng đồng tiêu dùng thông minh là điều cần thiết. Chúng ta có thể tạo ra những nhóm, diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về tiêu dùng bền vững và cùng nhau xây dựng một lối sống lành mạnh hơn.

Trào lưu nào cũng có hai mặt và “xé túi mù” không phải ngoại lệ. Khi hiểu rõ về những tác động và rủi ro tiềm ẩn, người tiêu dùng sẽ lựa chọn thông minh hơn, góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh và bền vững hơn cho cộng đồng và môi trường.

Phương Anh - Chính Nghĩa 

Phản hồi