Vướng mắc của các đơn vị nhỏ
Ống hút làm từ rau củ và các loại hạt ngũ cốc mang thương hiệu ECOS của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) đã được công nhận 5 sao OCOP quốc gia năm 2023 sau 4 năm có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, đến nay, các sản phẩm này vẫn chưa tiếp cận được các hệ thống siêu thị.
Hiện nay, sản phẩm ống hút rau củ ECOS của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng chủ yếu được phân phối cho các doanh nghiệp lớn kinh doanh nhà hàng, khách sạn, các điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP và các sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee, …
Chia sẻ về thực trạng này, ông Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng cho biết, nếu được vào kênh siêu thị thì sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến, tin dùng và độ uy tín trên thị trường cũng tăng. Tuy nhiên, với chính sách ký gửi và công nợ từ 45 lên đến 60 ngày của các siêu thị hiện nay thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhỏ như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng vẫn chưa đủ nguồn vốn để đáp ứng.
Ông Tám cũng cho biết thêm, hiện nay, sản phẩm ống hút ECOS đang tiêu thụ mạnh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là TikTok Shop. Đồng thời, phát triển sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử có liên kết với mạng xã hội như TikTok cũng mang lại hiệu quả lớn cho quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh thương hiệu. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã không còn “mặn mà” với thị trường siêu thị.
“Tôi mong muốn các sản phẩm của mình được phân phối qua những kênh hiệu quả nhất, để đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, làm sao cho giá thành thấp nhất và người tiêu dùng được lợi nhất”, ông Tám chia sẻ.
Từng là cơ sở cung cấp sản phẩm cho các hệ thống siêu thị lớn như: MM Mega Market, Big C, Siêu thị Nông Nghiệp, … Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) nay đã ngưng hợp tác vì hiệu quả kinh tế không cao và khó khăn trong việc cạnh tranh với các thương hiệu lớn.
Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng cho biết, hiệu quả kinh tế từ các hệ thống siêu thị không cao, hợp tác xã cũng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các thương hiệu gạo lớn tại Việt Nam và gạo nhập khẩu từ Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, … Hơn nữa, để quảng bá sản phẩm hiệu quả và tăng doanh số bán hàng tại siêu thị, các doanh nghiệp phải có nhân viên chăm sóc quầy kệ mà một đơn vị hợp tác xã như Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa làm kinh tế, không đủ nguồn lực và nhân lực để đáp ứng.
Vì vậy, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng đã lựa chọn các kênh phân phối khác phù hợp hơn như cung ứng cho các bếp ăn tập thể, trường học, các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP và các sàn thương mại điện tử.
Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp OCOP đang hợp tác với siêu thị
Công ty cổ phần Gia Trịnh Bakery là một trong những doanh nghiệp tiên phong hợp tác với các hệ thống siêu thị lớn như WinMart và AEON ngay từ khi những chuỗi siêu thị này lần đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm của Gia Trịnh đã được bày bán rộng rãi tại các siêu thị WinMart và AEON, thậm chí, công ty còn mở rộng phân phối đến các siêu thị của LOTTE.
Chia sẻ về khó khăn khi đưa sản phẩm vào siêu thị, bà Trịnh Hồng Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Gia Trịnh Bakery cho biết, vướng mắc lớn nhất của các sản phẩm truyền thống khi tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại là nguồn vốn và kiểm soát chất lượng. Quy định ký gửi hàng của siêu thị sẽ gây khó khăn về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, kiểm soát chất lượng cũng là một khâu quan trọng cần các doanh nghiệp quan tâm. Bởi quy trình kiểm soát của các hệ thống siêu thị rất nghiêm ngặt, thường xuyên, vì vậy, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, theo bà Giang, việc hợp tác với hệ thống siêu thị sẽ mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận với các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế để nâng tầm sản phẩm. Đối với Gia Trịnh, sau khi bắt tay hợp tác với các siêu thị, công ty đã được tiếp cận với máy dò kim loại để đảm bảo sản phẩm không bị lẫn tạp chất. Hơn nữa, nhờ việc học hỏi kinh nghiệm từ hệ thống giám sát chuyên nghiệp và bài bản của siêu thị, Gia Trịnh cũng đã trang bị thêm hệ thống camera giám sát để kiểm soát chất lượng ở từng khâu sản xuất. Nhờ vậy, các sản phẩm của công ty luôn được đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Công ty Cổ phần Thương mại Chế biến Thực phẩm Sạch Từ Tâm cũng là một trong những doanh nghiệp OCOP đang hợp tác với các hệ thống siêu thị lớn như: MM Mega Market, AEON, Bác Tôm... Bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Khi các sản phẩm của Sạch Từ Tâm được chứng nhận OCOP, công ty đã được các sở, ban, ngành hỗ trợ thúc đẩy thương mại, quảng bá thương hiệu và kết nối với các đối tác lớn như siêu thị. Tuy nhiên, về các thủ tục, hồ sơ để các sản phẩm được lên kệ hàng siêu thị mất khá nhiều thời gian, khoảng 15-20 ngày”.
Theo bà Yến, khi tiếp cận hệ thống siêu thị, điều khó khăn nhất đối với các sản phẩm thủ công là chi phí giá vốn cao và thiếu kinh nghiệm xây dựng giá bán trên thị trường, dẫn đến lợi nhuận thấp. Chưa kể, khi siêu thị có các chương trình ưu đãi khách hàng thì các đơn vị kinh doanh, sản xuất nhỏ khó đáp ứng được.
Bà Yến cũng nhận định, lợi ích kinh tế từ việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị không cao và không đảm bảo đầu ra ổn định cho các doanh nghiệp nhỏ. Lợi ích lớn nhất của việc tiếp cận siêu thị chính là tăng cường độ nhận diện và uy tín cho sản phẩm. Hiện nay, hiệu quả kinh tế của việc đưa sản phẩm Sạch Từ Tâm vào siêu thị cũng không khả quan do giá vốn cao và các quy định về ký gửi hàng, công nợ của siêu thị không phù hợp với quy mô sản xuất thủ công.
Vấn đề lợi nhuận thấp và điều khoản cao đang cản trở sự phát triển của sản phẩm OCOP tại các siêu thị. Sản phẩm OCOP có tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống, vì vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng
Phản hồi