Danh mục Thứ Hai, 30/12/2024

Chuyên đề \

Định hình bản sắc gia đình đa văn hóa trong giao lưu quốc tế Việt Nam và Hàn Quốc

22:35 28-12-2024
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc không ngừng được gìn giữ, kế thừa và phát triển theo nhiều chiều hướng mới mẻ. Một trong những dấu ấn đặc sắc của văn hoá thời hiện đại là sự nhân rộng của gia đình đa văn hoá - nơi kết tinh giữa giá trị truyền thống và sự hội nhập toàn cầu.

Sự giao thoa giữa hai nền văn hoá

Sự xuất hiện phổ biến của mô hình gia đình đa văn hóa trong bối cảnh hiện tại đã trở thành xu thế tất yếu của mỗi quốc gia đang trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có Việt Nam. Đây là kiểu gia đình được tạo nên từ cuộc hôn nhân của công dân thuộc hai quốc gia khác nhau với bản sắc văn hoá riêng biệt. Mỗi đất nước, dân tộc lại có nét riêng khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán tạo nên sự độc đáo và đặc sắc. Khi sự khác biệt đó được gặp gỡ và tiếp xúc trong phạm vi không gian gia đình sẽ có cơ hội lan tỏa và củng cố sâu rộng nét đặc sắc trong phong cách văn hoá của mỗi dân tộc.

Có duyên gặp gỡ và tiếp xúc với người chồng hiện tại là người Hàn Quốc, chị T.K.T (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ việc kết hôn với người ngoại quốc và xây dựng gia đình đa văn hoá đã đem đến cho chị nhiều trải nghiệm ý nghĩa. Ban đầu chị cứ nghĩ việc xây dựng “tổ ấm” với công dân nước ngoài sẽ gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại. Thế nhưng bằng tình yêu thương sự thấu hiểu dành cho nhau, cả hai đã vượt qua mọi rào cản để dần hòa nhập với cuộc sống của đối phương.

Ngoài ra, chị T cũng cho biết thêm, mặc dù chị và chồng xuất thân từ hai quốc gia khác nhau nhưng khi trò chuyện và tìm hiểu lại thấy có nhiều điểm tương đồng về nhân sinh quan, quá trình tiếp xúc giữa hai nền văn hoá nhìn chung cũng không có sự xung khắc. Diễn trình giao thoa văn hoá giữa hai nền văn hoá không gây ra mâu thuẫn mà còn góp phần tạo điều kiện để hai nước thấu hiểu và gắn kết trong mối quan hệ của họ.

Điều này có thể được lý giải một phần là do Việt Nam và Hàn Quốc luôn có sự giao thoa, tiếp biến văn hoá hài hoà, tạo nên tổng thể nhất quán giữa hai đất nước. Xuất phát từ cơ tầng sâu văn hoá của 2 nước, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều tương quan về văn hóa do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bề dày lịch sử, sự chi phối về tư tưởng và lối sống Á Đông. Điều này được thể hiện cụ thể qua sự tương đồng về tư tưởng nho giáo, tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực. 

 Nền văn hoá của Việt Nam và Hàn Quốc luôn có sự tương đồng với nhau bởi xuất phát từ cơ tầng sâu văn hoá trong lịch sử. (Ảnh: Trần Phương)

Kết duyên với người chồng Hàn Quốc thông qua công việc phiên dịch tiếng Hàn, chị Tạ Mỹ Hạnh (25 tuổi) bày tỏ: “Sau khoảng thời gian dài đồng hành và gắn kết với nhau, tôi nhận thấy văn hoá gia đình Hàn Quốc và Việt Nam tuy có nhiều điểm khác biệt nhưng đó không phải là rào cản lớn đối với chúng tôi. Khi gặp phải những bất đồng hay xung đột về quan điểm sống, chúng tôi luôn cố gắng lắng nghe và thấu hiểu cho hoàn cảnh của đối phương”.

Gia đình đa văn hoá được hình thành từ hai cá nhân đến từ các quốc gia khác nhau nhưng có sự đồng điệu trong tâm hồn và nhân sinh quan. Đó không chỉ là biểu hiện của sự giao lưu quốc tế mà còn là cầu nối văn hoá giúp các quốc gia thêm gắn kết, thấu hiểu lẫn nhau. Thúc đẩy sự phát triển của gia đình đa văn hoá, tiêu biểu là gia đình Việt - Hàn cũng góp phần làm phong phú thêm bản sắc riêng có của mỗi dân tộc.

Nỗ lực gắn kết hai quốc gia qua gia đình đa văn hoá

Việt Nam đã và đang tích cực nỗ lực trong công cuộc thúc đẩy hội nhập, giao lưu văn hoá với các quốc gia trên thế giới. Điều này đã tạo điều kiện cho nền văn hoá Việt Nam được lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trên toàn thế giới. Bản sắc văn hoá Việt Nam có cơ hội giao lưu và kết nối với văn hoá của các quốc gia khác một phần là nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước trong mở cửa hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực đời sống. Với xu hướng phát triển chung của nhân loại, quá trình toàn cầu hóa đã góp phần thúc đẩy xu hướng dịch chuyển lao động giữa các quốc gia. Nhận thấy tiềm năng của toàn cầu hóa, Việt Nam đã tăng cường cung cấp nguồn cung ứng lao động di cư quốc tế, đồng thời cũng trở thành điểm đến của nhiều lao động từ các nước trên thế giới. Điều này đã tạo điều kiện cho sự gặp gỡ và tiếp xúc của công dân hai nước.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong hơn nửa năm qua cả nước đã đưa hơn 78.000 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 62,4% kế hoạch năm 2024 (125.000 lao động). Ba thị trường nước ngoài trọng điểm đón nhận số lượng lớn người lao động Việt lả Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, chiếm trên 90% số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Hàn Quốc là thị trường lao động lớn thứ 3 được người dân Việt lựa chọn làm nơi sinh hoạt và làm việc. Từ thực tiễn quá trình sinh sống và làm việc ở môi trường nước ngoài của người Việt đã tạo tiền đề cho sự hình thành của gia đình đa văn hóa. Các kiểu gia đình đa văn hóa có sự giao thoa giữa Việt Nam và các quốc gia khác được thể hiện khá đa dạng gồm Việt - Hàn, Việt - Nhật, Việt - Trung, Việt - Thái, Việt - Mỹ…Trong đó gia đình đa văn hóa Việt - Hàn chiếm phần đa số lượng gia đình đa văn hóa của hai nước.

 Chính phủ hai quốc gia luôn nỗ lực để phát huy giá trị, ý nghĩa của gia đình đa văn hoá trong bối cảnh hiện tại. (Ảnh: Trần Phương)

Nắm bắt thực trạng này, đạo luật Hỗ trợ Gia đình Đa văn hoá của Hàn Quốc định nghĩa rõ về gia đình đa văn hoá, đó là gia đình được cấu thành từ những người di trú qua hôn nhân với những người vốn mang quốc tịch Hàn Quốc hay những người đã gia nhập quốc tịch Hàn Quốc.
Sự phát triển của gia đình đa văn hóa trong bối cảnh hiện đại đã trở thành xu thế tất yếu. Tại Việt Nam, các cuộc hôn nhân có sự đan xen yếu tố nước ngoài tạo tiền đề để hình thành gia đình đa văn hóa đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Vì thế, việc định hình và xác định rõ bản chất của gia đình đa văn hóa là điều cần thiết trong việc duy trì, thúc đẩy giao lưu, tiếp biến văn hóa đa quốc gia.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” tháng 10/2024, ông Kim Seon Ho, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông của Quỹ Xúc tiến truyền thông Hàn Quốc (KPF) đã trình bày tham luận về việc các cơ quan báo chí, truyền thông Hàn Quốc định hình, tuyên truyền về gia đình đa văn hoá. Ông khẳng định, hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đang tích cực đẩy mạnh các chính sách quan tâm, hỗ trợ cho các gia đình đa văn hoá, trong đó gia đình Việt - Hàn chiếm phần lớn số lượng các gia đình đa văn hoá tại Hàn Quốc. Cụ thể, trong giai đoạn hiện tại, chính phủ Hàn Quốc luôn chú trọng và triển khai các chính sách hỗ trợ trẻ em trong gia đình đa văn hóa, giúp các em hòa nhập xã hội hiệu quả và phát huy tối đa những thế mạnh, ưu điểm đặc biệt của mình.
 
Là hộ gia đình được hưởng những chính sách hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc, chị Tạ Mỹ Hạnh cho biết, sau khi sinh con gái, chị và gia đình đã nhận được sự hỗ trợ, quan tâm từ chính phủ Hàn Quốc. Theo đó, chính phủ dành tặng gia đình chị khoản tiền mừng sau sinh lên đến 2 triệu won. Điều này đã giúp gia đình chị giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu chăm sóc trẻ. Ngoài ra, chị Hạnh còn được nhận trợ cấp hàng tháng 1 triệu won, áp dụng cho các gia đình có con nhỏ dưới 1 tuổi. Điều này đã thể hiện tinh thần bình đẳng của chính phủ phủ Hàn Quốc trong thực thi các chính sách ưu tiên, chăm lo cho trẻ em không chỉ đối với gia đình thuần Hàn mà còn được mở rộng, áp dụng đối với các gia đình đa văn hoá.

Thúc đẩy sự phát triển của gia đình đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế là hoạt động mang nhiều ý nghĩa. Điều này không chỉ góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá của dân tộc mà còn tạo điều kiện cho quá trình giao thoa, tiếp biến giữa hai nền văn hoá của hai đất nước. Bên cạnh đó, đây cũng là sợi dây gắn kết bền chặt giữa hai quốc gia trong giao lưu hợp tác trên nhiều lĩnh vực, phương diện của đời sống. Từ đây đem đến nhiều cơ hội cho hai quốc gia trong hợp tác, giao lưu quốc tế, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trần Phương

Phản hồi