Những con ngõ lấp ló ánh mặt trời
Những con ngõ siêu nhỏ, chỉ rộng 50 - 60cm thường xuyên được nhắc tới như một “đặc sản” không thể thiếu của phố cổ Hà Nội. Đi dọc các con phố nổi tiếng như Hàng Buồm, Hàng Ngang,... không khó để bắt gặp những lối đi chật hẹp, nhỏ bé với chiều cao khoảng 2m, thậm chí có ngõ người dân phải cúi đầu mới có thể đi qua.
Mặc dù sự bất tiện là điều không thể phủ nhận, những con ngõ nhỏ này vẫn tồn tại như một nét đặc trưng, mang đậm dấu ấn của mảnh đất Hà Thành.Trong những con ngõ siêu nhỏ, chật hẹp của phố cổ Hà Nội, không ít gia đình đã sống qua vài thế hệ. Dù cuộc sống ở đây không thiếu khó khăn, khi những ngõ nhỏ, tối tăm và chật chội luôn là thử thách cho sinh hoạt hàng ngày, nhưng hầu hết người dân đều đã quen thuộc với điều đó và chẳng ai muốn rời xa. "Chúng tôi không đi vì đây là trung tâm của Thủ đô, cũng không chỉ vì ngõ nhỏ này là nơi sinh ra và lớn lên của bao thế hệ, mà còn vì đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng tôi" một người dân sống trong ngõ nhỏ trên phố cổ chia sẻ với ánh mắt đầy hoài niệm về một không gian đã gắn bó cả đời.
Nhìn lại những con ngõ cổ kính này, dễ dàng nhận thấy sự thay đổi của thành phố theo dòng chảy thời gian. Những ngôi nhà có thể được phá đi để xây mới, có người đi cũng có người mới tới, nhưng có một điều gần như bất biến: ngõ vẫn chật hẹp, vẫn tối tăm, và giữ nguyên vẻ giản dị, mộc mạc của Hà Nội xưa. Những ngõ nhỏ ấy không chỉ là nơi sinh sống, mà còn là nơi lưu giữ những câu chuyện, kỷ niệm của bao thế hệ người dân Thủ đô.
Chật chội trong lòng ngõ nhỏ
Những ngõ nhỏ luôn ẩn chứa những câu chuyện đời thường, là chứng nhân trước bao sự đổi thay của Thủ đô. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, sự chật chội của những con ngõ này đang trở thành vấn đề lớn với dân cư sinh sống tại đây. Đường phố ngày càng đông đúc, khiến cho việc đi lại trong các ngõ nhỏ trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm. Không chỉ có vậy, những ngõ nhỏ còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, vệ sinh môi trường, khi mà việc di chuyển của các phương tiện cứu hộ hay bảo vệ an toàn trở nên bất khả thi trong những con ngõ quá chật hẹp.
Hà Nội hiện nay có nhiều ngõ sâu hun hút, chằng chịt như những địa đạo. Sự phát triển đô thị không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân cư, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lực để thực hiện quy hoạch hợp lý, giải tỏa dân cư và mở rộng các tuyến đường. Điều này khiến cho nhiều khu vực vẫn duy trì các con ngõ hẹp, không đủ điều kiện để phát triển hạ tầng và phục vụ nhu cầu của người dân. Theo thống kê từ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến đường, phố, ngõ, hẻm có chiều dài từ 200m trở lên, trong đó có hơn 2.300 cơ sở và khu dân cư nằm trong những hẻm nhỏ, sâu hơn 200m. Khoảng 90% các con ngõ, hẻm có bề rộng chưa đạt 4m, phổ biến nhất là từ 2-3m. Không gian nhỏ hẹp thiếu ánh sáng khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều bất tiện. Chẳng hạn như một chiếc xe máy gặp không ít khó khăn khi di chuyển trong ngõ nhỏ có bề rộng chỉ từ 2-3m, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Ngoài ra, một trong những vấn đề đáng chú ý là cơ sở hạ tầng trong các ngõ nhỏ ở Hà Nội thường thiếu đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị. Tình trạng dây điện chằng chịt, treo lủng lẳng trên các con ngõ hẹp, tạo thành mạng lưới hỗn độn. Những sợi dây điện, cáp viễn thông, dây truyền hình cáp được kéo qua các mái nhà, đan xen vào nhau một cách lộn xộn, vừa mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Tiềm ẩn nhiều mối lo về sự an toàn của người dân là vậy, nhưng xe cứu thương, xe cứu hỏa hay các phương tiện khẩn cấp lại rất khó để tiếp cận vào bên trong nếu không may xảy ra những tình huống khẩn cấp như có cháy nổ hay có người cần cấp cứu.
Đơn cử như vụ cháy tại chung cư mini 9 tầng nằm trong ngõ 29 Khương Hạ, Thanh Xuân vào tháng 10/2022. Với diện tích chật hẹp chỉ khoảng 2m với mật độ dân cư dày đặc, xe cứu hỏa không thể tiếp cận vào gần đám cháy mà phải đỗ bên ngoài cách khoảng 300m, khiến công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Hiện tại, chưa có một quy định chung nào về chiều rộng của ngõ đi chung giữa các hộ gia đình. Tuy nhiên, trong Khoản 2 Điều 254 Bộ Luật dân sự 2015 có đề cập đến “lối đi qua”: “Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.” Như vậy, không có một con số cụ thể nào cho quy định về kích thước của ngõ đi mà hầu hết đều phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng trường hợp và sự thỏa thuận giữa các bên liên quan.
“Ngõ này nhỏ lắm, chỉ vừa một người đi thôi, có khi còn phải né nhau. Nếu có quy định về chiều rộng ngõ thì mọi người sẽ có căn cứ để chừa ra khoảng không cho lối đi lại . Nhưng quan trọng vẫn là phải thống nhất được với nhau, chứ quy định mà không hợp lý thì cũng không giải quyết được gì.” - chị H. sống trong ngõ 455 trên đường Bạch Mai chia sẻ.
Mặt khác, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024, quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn. Quyết định này, có hiệu lực từ ngày 7/10/2024, đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể về diện tích và kích thước tối thiểu của thửa đất được phép tách thửa. Cụ thể, tại các phường, thị trấn, thửa đất sau khi tách phải có diện tích không nhỏ hơn 50m², chiều rộng và chiều dài cạnh tiếp giáp với ngõ/hẻm không nhỏ hơn 4m. Ngoài ra, nếu người sử dụng đất muốn dành một phần để làm lối đi, thửa đất phải bảo đảm lối đi có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên tại phường, thị trấn và từ 4m trở lên tại các xã. Sau khi tách, thửa đất vẫn phải đáp ứng điều kiện về loại đất quy định trong Luật Đất đai.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn mới về tách thửa đất được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng quy hoạch đô thị, giảm thiểu tình trạng ngõ nhỏ hẹp, nâng cao điều kiện sống cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng. Song, để đạt được hiệu quả như mong muốn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, sự tuân thủ nghiêm túc của người dân và doanh nghiệp, cũng như việc tăng cường giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện các quy định mới này.
Ngày 28/6/2024, Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Những quy định mới này này đặt nền móng cho việc hoàn thiện các quy hoạch của Hà Nội, bao gồm Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Hy vọng rằng, với việc triển khai Luật Thủ đô 2024 và các quyết định liên quan, Hà Nội sẽ đạt được những bước tiến quan trọng trong việc quy hoạch và quản lý đất đai, đặc biệt là cải thiện chất lượng sống trong các khu vực có ngõ nhỏ. |
Phản hồi