Danh mục Thứ Sáu, 18/10/2024

NEWS \

Tự chữa lành: Phương pháp hồi phục tâm lý hay chỉ là cách giới trẻ thoát ly thực tại 

13:51 30-10-2023
Tự chữa lành được nhiều người biết đến như một xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần nổi bật trong những năm gần đây. Có nhiều ý kiến bàn luận về phương pháp này: “Liệu đây là phương thức chữa lành các vết thương tâm lý hay chỉ là cách để giới trẻ trốn tránh cuộc sống hiện tại?”

Xu hướng cần được “chữa lành”.

Hai năm sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã gọi năm 2021 là “năm để chữa lành” (Year of healing). Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hồi phục mối quan hệ giữa con người với con người cũng như con người và thiên nhiên. Những vấn đề về sức khỏe tâm lý cũng được đặc biệt quan tâm, khi những vận động viên thi đấu thể thao đỉnh cao như Simone Biles hay Naomi Osaka bày tỏ mong muốn nghỉ thi đấu do căng thẳng tâm lý.

Xu hướng cần “chữa lành” được nhiều người quan tâm (Ảnh: Internet).

Nhìn nhận về xu hướng “chữa lành” của giới trẻ hiện nay, Th.S Lê Thị Vũ Huyền, giảng viên Tâm lý học xã hội tại Đại học Y Hà Nội, cho rằng “Cho dù có tích cực đến đâu, vẫn có lúc chúng ta cảm thấy đau buồn và nản lòng bởi những thử thách mà cuộc đời mang đến. Khi đó, sự chữa lành sẽ là thứ xoa dịu bạn và giúp bạn bước tiếp. Nó là thứ thôi thúc ta đứng dậy và tiếp tục hành trình sống mỗi khi gặp khó khăn”. 

“Tự chữa lành” - cụm từ gây tranh cãi.

Trong cuộc sống, mỗi người đều gặp phải những vấn đề riêng, đặc biệt là ở xã hội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội như Việt Nam. Những vấn đề này có thể là các mối quan hệ không lành mạnh, sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào bản thân hoặc một số trạng thái như căng thẳng sau sinh, khủng hoảng giai đoạn chuyển giao lứa tuổi hay mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. 

Theo bài viết “Chữa lành, hiểu sao cho đúng” của tác giả Minh Khôi đăng tải ngày 19/4/2023 trên báo Sài Gòn giải phóng, “Tự chữa lành” được hiểu là sự tự xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, cảm giác bị tổn thương để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện. Từ đó giúp mỗi người tiếp tục tìm được những niềm vui, ý nghĩa sống lạc quan. Tuy nhiên, cụm từ đã gây ra rất nhiều tranh cãi và sự hoài nghi về mức độ hiệu quả của phương pháp này.
Nhiều người cho rằng việc “tự chữa lành” của giới trẻ bây giờ là không cần thiết.

Bình luận cho rằng giới trẻ yếu đuối, không cần được chữa lành dưới bài báo “Người trẻ tìm cách tự chữa lành, vượt kiệt sức” của tác giả Kim Ngân - Bảo Trân đăng tải trên VnExpress nhận được nhiều lượt thích (Ảnh: Chụp màn hình). 

Bên cạnh đó cũng có nhiều người ủng hộ và đồng cảm với những áp lực của giới trẻ hiện nay. 

Ngược lại, nhiều bình luận khác lên tiếng bênh vực giới trẻ và tỏ thái độ bất ngờ với những bình luận chê bai việc “tự chữa lành” (Ảnh: Chụp màn hình). 

“Tự chữa lành” sao cho “đúng” và “trúng”?

Giới trẻ hiện nay chọn cách kết nối với thiên nhiên, thay đổi môi trường làm việc hay tìm lại cảm giác sống chậm giữa cuộc sống đầy bộn bề… để xóa bỏ những áp lực và tự chữa lành những vết thương tâm lý.

Sợ hãi và không thể tập trung trong những ngày ôn thi đại học, sức khỏe tinh thần giảm sút, bạn Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Sinh viên năm nhất, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã tìm đến và học làm đồ handmade như 1 cách tự chữa lành tâm hồn.
“Mình đã bắt đầu đan len, làm đồ handmade ngay sau khoảng thời gian đó khi mình nhận ra mình cần chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân. Làm đồ handmade khiến mình tập trung, kiên nhẫn hơn, vì món đồ mình làm cần sự cẩn thận. Và khi nghĩ đến việc mình sẽ tặng những món đồ do tự tay mình làm cho bạn bè người thân của mình thì mình sẽ vui vẻ hơn rất nhiều”, Ngọc Ánh chia sẻ.

 Sản phẩm handmade chính tay Ngọc Ánh tạo ra (Ảnh: NVCC).

Cũng tìm đến việc đan móc len để tự chữa lành, bạn Nguyễn Ngọc Hoàn (sinh viên năm nhất, Học viện Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ “Thời điểm năm 2020 gia đình mình gặp biến cố rất lớn, ngay sau đó dịch Covid bùng phát, mình bị khủng hoảng tinh thần, không thể chia sẻ với ai, cứ thế tự thu mình lại và gần như không thể thoát ra”.
Việc móc len handmade đến với Hoàn theo cách rất tình cờ. “Cũng không hẳn là mình chọn móc len để tự chữa lành mà chúng mình  tìm đến nhau một cách tự nhiên. Thực tế tính đến thời điểm hiện tại, với mình thì móc len như một thói quen, một người bạn cho tâm hồn mình”, Hoàn nói.

 Sản phẩm handmade được Ngọc Hoàn coi là một người bạn cho tâm hồn mình (Ảnh: NVCC).

Chị Nguyễn Thị Bảo Yến (22 tuổi, giáo viên dạy trẻ đặc biệt, làm việc tại Autism Edu – Thái Thịnh, Hà Nội) là một người yêu thích việc đi du lịch và lựa chọn việc kết nối với thiên nhiên để “tự chữa lành” tâm hồn. Chị chia sẻ: “Có một thời gian, mình chỉ luôn ở trong nhà không đi đâu vì bị stress trong mối quan hệ gia đình, học tập. Lúc đấy, mình luôn trong trạng thái thiếu năng lượng, suy nghĩ tiêu cực, ghét tiếng ồn xung quanh như tiếng xe cộ, tiếng còi, ngay cả người thân trong gia đình…”
Theo chị Bảo Yến, khi được kết nối với thiên nhiên, tâm trạng của chị rất thoải mái. Thiên nhiên giúp chị xoá tan mệt mỏi và những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, tận hưởng không khí trong lành. Vậy nên, những lúc có căng thẳng, việc đầu tiên chị Bảo Yến nghĩ trong đầu là tìm đến thiên nhiên.

 Được hoà mình với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành giúp chị Bảo Yến cảm thấy thoải mái hơn  (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ về vấn đề này, Th.S Lê Thị Vũ Huyền cho rằng: “Không phải đến khi tâm lý con người bị tổn thương mới cần được “chữa lành” hoặc “tự chữa lành”. Chúng ta nên có những bước chuẩn bị tâm lý ngay cả trong cuộc sống hằng ngày”. Cũng theo cô Huyền, những tiết học trên giảng đường liên quan đến vấn đề “tâm lý sinh viên” sẽ góp phần giúp các bạn trẻ tránh những tổn thương về mặt tâm lý.

Phạm Thị Thanh Trúc

Phản hồi