Danh mục Thứ Sáu, 22/11/2024

NEWS \

Người trẻ loay hoay với hội chứng “Overthinking”

19:05 26-10-2023
Overthinking hay còn được gọi là “hội chứng rối loạn lo âu” đang thực sự trở thành một vấn đề nghiêm trọng với nhiều người trẻ. Hội chứng này khiến cho không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, kiệt sức và ảnh hưởng tới nhiều mặt trong cuộc sống.

“Mắc kẹt” trong suy nghĩ của chính mình

Over thinking là một dạng rối loạn lo âu, lo lắng và suy diễn quá mức một sự việc đơn giản hoặc chưa hề xảy ra. (Ảnh minh hoạ). 

Trong cuộc sống hiện đại, áp lực về học tập, thi cử, cơm áo gạo tiền khiến nhiều bạn trẻ mắc kẹt trong vòng xoáy của những suy nghĩ, đặc biệt là những áp lực về tâm lý. Mỗi khi gặp phải những chuyện không như mong muốn, nhiều người trẻ có xu hướng nghĩ nhiều về vấn đề đó tới mức mất ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống. Đó chính là những biểu hiện của một hội chứng có tên overthinking. Mọi vấn đề lớn, nhỏ qua cách nhìn của người mắc “bệnh” overthinking đều trở nên nghiêm trọng.

Thường hay lo lắng thái quá về kết quả học tập, định hướng tương lai và các mối quan hệ xung quanh, Trần Khánh Linh (sinh viên năm nhất Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho biết bản thân thường xuyên bị cuốn vào trạng thái tiêu cực. Linh bị áp lực vì chuyện học tập ở trường đại học. Đợt thi học kỳ vừa qua, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Thay vì tìm cách giải quyết, Linh lại tự dằn vặt bản thân, gần như bỏ bữa và luôn có suy nghĩ rằng mình thua kém mọi người.

“Mình kỳ vọng rằng sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi lần này cũng như đặt niềm tin vào bản thân quá nhiều nhưng khi nhận được kết quả thấp, mình rất buồn. Mấy ngày nay, mình luôn trong trạng thái hồi hộp, lo lắng và hoài nghi năng lực của bản thân”, Khánh Linh chia sẻ.

Tương tự như Khánh Linh, bạn Việt Anh (20 tuổi, sinh viên năm 2 trường Đại học Sư  phạm Hà Nội 2) chia sẻ, sau 1 năm học Sư phạm văn và cho rằng lựa chọn này là sai, Việt Anh quyết định bỏ dở và chuyển sang ngành học khác. Suốt 2 tháng từ sau quyết định đó, chàng trai liên tục ở trong trạng thái lo lắng về tương lai và mất ngủ. Nhiều tuần liền, Việt Anh dành hầu hết thời gian trong ngày để nằm lướt mạng xã hội.

“Mình cứ chìm trong cảm giác tiêu cực suốt vài tuần liền. Đến nỗi bạn bè còn bảo nỗi buồn là một phần của mình rồi. Những suy nghĩ linh tinh về cuộc sống làm cho mình nhiều lúc muốn phát điên. Đôi khi chỉ ngồi nghĩ thôi mà nước mắt mình trào ra như thế sự việc nó đang diễn ra thật vậy. Tự biết là mình đã suy nghĩ tiêu cực nhưng mình không làm thế nào để ngắt nó ra khỏi đầu”, Việt Anh chia sẻ.

 Những người mắc chứng “Overthinking” thường chìm đắm trong mớ suy nghĩ tiêu cực. (Ảnh minh hoạ).

Những người bị overthinking họ ý thức được “căn bệnh” này đang khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn nhưng không biết cách nào để thoát ra.

Overthinking - Bệnh của người hiện đại?

Theo ThS.Chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà - Giám đốc trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam  chia sẻ: "Thực tế căn bệnh overthinking này là do các bạn quá cầu toàn, quá kỳ vọng vào bản thân của mình. Áp lực cho giới trẻ hiện nay là bạn phải đạt được cái này, đạt được cái kia. Khi mà bạn suy nghĩ quá nhiều về quá khứ thì bạn ảnh hưởng đến tâm lý, không thoát được ra dẫn đến trầm cảm. Khi lo lắng thái quá về tương lai thì có thể mắc chứng rối loạn lo âu". 

ThS.Chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà - Giám đốc trung tâm tâm lý trị liệu NHC Việt Nam. (Ảnh: NVCC). 

Cũng theo chuyên gia tâm lý Dương Thị Thu Hà, hội chứng này có thể đi kèm với những vấn đề sức khỏe tâm thần khác, làm cho quá trình chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn. Một số rối loạn thường đi kèm với rối loạn lo âu tổng quát bao gồm: Rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, lạm dụng thuốc, rối loạn stress sau chấn thương.

Còn theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam: “Hội chứng overthinking còn được coi là một phản ứng tự nhiên của mỗi con người khi đối diện với một tình huống khó khăn trong cuộc sống. Để có đánh giá độ tuổi nào mắc nhiều hay ít hơn, cần có những số liệu được đánh giá một cách khoa học. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là với sự xuất hiện của internet, những người bị overthinking chia sẻ nhiều hơn, từ đó dẫn đến cảm giác như tình trạng này đang nghiêm trọng hơn so với các thế hệ trước.”

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến overthinking: áp lực công việc, học tập; mệt mỏi trong chuyện tình cảm, gia đình; quá cầu toàn trong mọi việc; quá để tâm đến những tiểu tiết... Hay thậm chí có những bạn trẻ dễ trở nên bực bội, cáu bẳn chỉ vì suy nghĩ quá nhiều để xem bản thân mình thực sự muốn gì.

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. (Ảnh: NVCC). 

“Bên cạnh đó, sự phát triển internet và mạng xã hội khiến giới trẻ trở nên ít vận động hơn. Cuộc sống được bao bọc và đầy đủ vật chất cũng khiến người trẻ ít rèn luyện kỹ năng hơn, dễ nảy sinh lo âu khi va chạm với khó khăn của cuộc sống” - Bác sĩ Sơn cho biết.

Để thoát khỏi "căn bệnh" này, theo TS.BS Trương Hồng Sơn, điều quan trọng nhất người mắc overthinking cần phải học cách thích nghi với cuộc sống hiện tại. Mỗi người đều cần học cách tự cân bằng các mục tiêu trong từng giai đoạn của cuộc đời, chấp nhận những khó khăn, thử thách, rèn luyện tư duy tích cực, quan sát đa chiều, đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau để nhận định chính xác về bản thân.

“Những hoạt động như đi bộ, chạy, bơi, yoga giúp khởi tạo hoạt động của các nhóm cơ, giúp tiêu hao năng lượng dẫn đến nhu cầu ngủ một cách tự nhiên. Thực hiện các hoạt động giúp phát triển bản thân như học các kỹ năng mới sẽ tạo ra cảm giác yên tâm về năng lực của mình, từ đó giảm bớt việc nghĩ nhiều” - Bác sĩ Sơn chia sẻ.

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Michigan của Mỹ cho thấy 73% người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 - 35 suy nghĩ quá nhiều. Đáng ngạc nhiên, con số này ở mức thấp hơn, 52% đối với những người trong độ tuổi từ 45-55. Điều đó cho thấy, nhiều người trẻ hiện nay đang có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn so với người già.

Bùi Phương Trang

Phản hồi