Trong phần chia sẻ, các nhà báo đưa ra những quan điểm khác nhau về tình huống lấy tin và đều thống nhất ở nguyên tắc đạo đức và pháp luật. Trong một trường hợp cụ thể, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) đã kể lại câu chuyện hoàn thành tác phẩm về tình trạng lạm dụng tình dục bé trai ở nước ta.
“Về pháp luật, khi đã làm mờ hình ảnh cháu và những thông tin, chúng tôi không sai khi đăng tải. Nhưng sau đó, cháu có lo lắng bị nhận ra vì một chi tiết trên tay áo, chúng tôi nhận lỗi thuộc về mình và ngay lập tức thay thế bằng hình ảnh khác” - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Tiếp nối buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Hồ Trí (Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết, trong khi quay một tác phẩm về ổ mại dâm trá hình, đội sản xuất nội dung đã ghi lại được hết những quá trình, thủ đoạn, hành vi đánh đập của các đối tượng. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ thông tin nạn nhân, ekip đã không đăng tải.
Nhớ lại quyết định của mình, nhà báo bày tỏ: “Mục đích cuối cùng để phản ánh là quyền lợi của nhân vật. Khi nhân vật đã được giải cứu, chúng tôi thấy việc không đăng tải là một quyết định đúng đắn. Đôi khi người làm báo có cho lên sóng tác phẩm không chỉ phụ thuộc ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải để bản thân thấy nhẹ nhõm”.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thị Thu Hà - Nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã mang đến thông tin về một số hậu quả mà nhà báo phải đối mặt khi vi phạm quyền riêng tư nhân vật.
Luật sư khuyên các nhà báo trẻ cần trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm và đặc biệt là đạo đức. “Ranh giới trong quyền riêng tư rất mong manh. Các nhà báo cần phải có đạo đức, kỹ năng làm nghề và trên hết là am hiểu pháp luật để tránh các vụ kiện không đáng có” - luật sư Thu Hà nói thêm.
Đưa ra lưu ý cho sinh viên, các khách mời đều thống nhất, trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhân vật, báo chí phải làm vì lương tâm. Trước khi tác nghiệp, nhà báo phải đặt mình trong bối cảnh của người được phản ánh. Bởi vì thông tin khi đăng tải sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một người mà còn nhiều người liên quan.
Tọa đàm còn mở ra cơ hội tương tác giữa sinh viên và các khách mời. Với câu hỏi về ưu tiên bảo vệ quyền riêng tư nhân vật hay quyền được thông tin của công chúng trong báo chí, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng với kinh nghiệm 30 năm làm nghề cho biết, báo chí nên đặt giá trị cộng đồng lên hàng đầu.
Nhà báo tâm sự về những lần nhập vai của mình: “Có nhiều đối tượng vi phạm dùng tình nghĩa để mong tôi không tiết lộ sự việc. Tuy nhiên, để bảo vệ an toàn cộng đồng, tôi quyết đưa vụ việc ra ánh sáng”.
Bên cạnh số lượng công chúng tại hội trường, buổi tọa đàm được lan tỏa sâu rộng thông qua trang web Sóng trẻ. Trong phần phát sóng trực tuyến, sinh viên được đặt câu hỏi và dễ dàng lưu lại những chia sẻ hữu ích của khách mời.
Buổi tọa đàm khép lại với những bài học sâu sắc về việc cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư và thực hiện sứ mệnh báo chí, góp phần đào tạo thế hệ nhà báo có tâm và có tầm.
Phản hồi