Danh mục Thứ Ba, 17/09/2024

NEWS \

Những điểm tham quan tại làng Diềm - cái nôi Quan họ Bắc Ninh

23:27 27-10-2023
Làng Diềm là một ngôi làng cổ mang đậm nét lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng quê Kinh Bắc. Đây còn là quê hương của những làn điệu dân ca quan họ - một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận.

Cổng làng Diềm được xây dựng theo lối tam môn cổ (còn gọi là tam quan) gồm 3 lối đi, một lối đi chính giữa to nhất và hai lối đi phụ hai bên. (Nguồn: Internet)

Các khu di tích lịch sử văn hóa làng Diềm có địa thế hài hòa, bao gồm: Đền Cùng - Giếng Ngọc, nhà chòi cổ, Đền Vua Bà Thủy Tổ và nhà chứa Quan họ.

Đền Cùng - Giếng Ngọc, điểm đến tâm linh thu hút du khách từ nhiều nơi đổ về những dịp ngày Rằm, đầu Xuân. Về ý nghĩa của hai di tích, một liền chị chia sẻ: “Ngôi đền thờ hai bà Thủy Tiên và Ngọc Dung công chúa, còn Giếng Ngọc là nơi chứa kho quân lương của hai bà. Ở trong giếng có tồn tại một cái hang ở sâu bên trong. Từ mấy chục bậc thang xuống ở bên dưới giếng là một cây cầu lim, từ cầu lim xuống đến đáy giếng là khoảng 2m, và ở dưới đều được làm bằng đá ong”.

 Khu di tích Đền Cùng - Giếng Ngọc với sự tích từ ngàn đời. (Nguồn: Cao Thảo)

Người làng Diềm thường lấy nước giếng Ngọc về để pha trà đãi khách, nấu rượu dùng trong các dịp trọng đại của gia đình và dòng họ.

 Nguồn nước Giếng được chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên vị ngọt, mát hiếm có. (Nguồn: Phương Mai)

Đối với du khách đến tham quan và cúng lễ Đền Cùng, nước Giếng Ngọc không chỉ đơn thuần là giải khát, mà nó còn giúp khỏe mạnh và minh mẫn. 

 Liền chị chia sẻ về nguồn gốc của Giếng Ngọc với các bạn trẻ. (Nguồn: Phương Mai)

Đền thờ Đức Vua Bà - Thuỷ tổ Quan họ là nơi duy nhất trong 49 làng Quan họ gốc của Bắc Ninh, Bắc Giang thờ vị Thủy tổ Quan họ. Đền được cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994. Đền nằm trong một quần thể kiến trúc đẹp nổi tiếng: gần chùa Hương Sơn, Nghè Đô Thống Đại Vương, Đền Cùng, Đình Diềm bốn mùa nghi ngút khói hương và tấp nập khách về thăm viếng Đức Vua Bà. 

Ngôi đền được xây dựng rất quy mô với 2 tòa nhà cổ kính tạo thành hình chữ nhật. Tòa tiền điện gồm 5 gian khung gỗ lim kiến trúc kiểu dòng thuyền chạm khắc hình ảnh tứ linh, tứ quý, cây cỏ hoa lá. Trên các bức cuốn vân mây cách điệu. Đây là nơi gặp gỡ giữa các liền anh, liền chị trong các làng Quan họ.

Công trình được làm bằng các chất liệu truyền thống, bền vững mang đậm phong cách của Việt Nam. (Nguồn: Cao Thảo)

Tòa hậu cung 3 gian là nơi thiêng liêng và tôn nghiêm. Trên thượng điện bài trí: ngai thờ, bàn thờ ba mươi đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, hoành phi, câu đối. Thượng điện có bức tượng Thủy tổ Quan họ Vua Bà lộng lẫy trẻ trung, phúc hậu - biểu tượng của vẻ đẹp cao sang của mỹ nhân xứ Bắc.

Các ban thờ trong Đền thờ Đức Vua Bà - Thủy tổ Quan họ. (Nguồn: Cao Thảo) 

Ngoài ra, nhà chứa Quan họ - một không gian sinh hoạt văn hóa độc đáo tại thôn Viêm Xá cũng là một trong những khu di tích nổi tiếng tại làng Diềm. Chia sẻ về điểm tham quan đặc biệt này, các liền anh liền chị tại đây bộc bạch: “Theo Quan họ cổ, nhà chứa này được gọi là nhà chứa của bọn Quan họ. Nhà chứa là nơi tập trung, sinh hoạt và đón khách của câu lạc bộ Quan họ.Vì vậy, các ngôi nhà kiểu này thường khá rộng rãi, thoáng mát, khang trang để có thể tạo điều kiện cho các liền anh, liền chị sinh hoạt văn hóa một cách tốt nhất. Do đó muốn làm được nhà chứa, phải có kinh tế thì mới có thể tiếp đón được các bọn Quan họ mỗi khi đến chơi”.

Nhà chứa Quan họ làng Diềm - không gian sinh hoạt, giao lưu của người Quan họ. (Nguồn: Cao Thảo)

Tại đây, các du khách được trải nghiệm một canh hát quan họ được thể hiện bởi các liền anh, liền chị. Chặng mở đầu khi mới vào canh hát là những bài thuộc hệ thống giọng Lề lối (có nơi gọi là giọng cổ). Chặng thứ hai ca những bài thuộc hệ thống giọng vặt (có nơi gọi là giọng vụn). Chặng thứ ba ca những bài thuộc hệ thống giọng giã bạn, gọi tắt là giọng giã.  

Các liền anh, liền chị tại làng Diềm biểu diễn những làn điệu dân ca tại nhà chứa. (Nguồn: Cao Thảo) 

 Các bạn sinh viên chăm chú khi thưởng thức dân ca quan họ. (Nguồn: Cao Thảo)

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghệ sĩ hát quan họ, cô Nguyễn Thị Hải tâm sự: “Cô rất vinh dự, tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại quê hương làng Diềm. Từ khi còn trong nôi, cô đã được nghe các cụ ca những làn điệu dân ca quan họ, vậy nên quan họ đã ngấm vào trong tâm hồn của cô từ ngày còn bé. Thời còn măng non, cô đã tham gia ca các làn điệu dân ca quan họ, và cũng được các liền anh, liền chị đi trước truyền dạy.”

Liền chị Nguyễn Thị Hải chia sẻ về nghề hát quan họ tại nhà chứa. (Nguồn: Cao Thảo) 

Việt Hà - CJC

Phản hồi