Khi chúng tôi ngỏ ý muốn gia công sản phẩm serum và kem chống nắng, T. nhiệt tình mang ra hàng loạt mẫu thử từ nội địa cho đến ngoại nhập như Hàn Quốc.
Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu xem bảng thành phần và sự khác biệt giữa các dòng sản phẩm, đối tượng tỏ ra lúng túng: “Các sản phẩm cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau ở màu sắc và độ sáng khi lên da. Hôm nay bên sản xuất không có mặt, nên em chưa thể báo chi tiết được”.
T. hào phóng mời chúng tôi lấy mẫu về để kiểm chứng chất lượng sản phẩm. Sau khi chúng tôi đồng ý, D. lập tức tiến hành chiết mẫu từ chai lớn sang chai nhỏ, bằng tay trần. Khi kem tràn ra ngoài, thay vì xử lý cẩn thận, D. chỉ đơn giản dùng tay vét lại vào lọ rồi nhanh tay lau vào quần.
Trong quá trình thử sản phẩm, nhóm PV bày tỏ sự hoang mang về việc kem chống nắng có dấu hiệu bị tách nước và thắc mắc về chất lượng của sản phẩm, T. vội vàng phủ nhận: “Không phải đâu, mẫu này dạng lotion (kem lỏng) nên nhìn nó thế!” và nhanh chóng chuyển chủ đề, cố tình lảng tránh câu hỏi của chúng tôi.
Nhận thấy chúng tôi vẫn còn băn khoăn, T. ngỏ ý dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh xưởng. Khi đi ngang qua phòng chiết xuất, đập vào mắt nhóm PV là một không gian bừa bộn, thiếu vệ sinh. Ngồi giữa căn phòng ngập tràn các chai lọ lớn nhỏ là bà D. đang dùng tay trần chiết kem.
Không có bất kỳ một biện pháp kiểm soát vệ sinh nào trong suốt quá trình này như khẩu trang, găng tay hay đồ bảo hộ, và càng không có bất kỳ thiết bị đo lường chuyên dụng nào. Tất cả đều được làm hoàn toàn thủ công, với sự "đo đạc" chủ yếu dựa vào cảm tính của nhân viên.
Thấy chúng tôi sắp bước vào bên trong, T. vội vàng tiến đến đóng cửa và ngăn cản với lý do: “Để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất, phòng nghiên cứu và chiết xuất bên em không cho khách hàng tham quan được”.
T. dẫn chúng tôi đến tham quan khu đóng gói - nơi duy nhất có thể “công khai” với khách hàng. Khác với hình ảnh những dây chuyền hiện đại, nhân công được trang bị đồ bảo hộ kỹ càng mà T. chia sẻ trên mạng xã hội, trước mắt chúng tôi là cảnh nhân viên ngồi la liệt trên sàn, quy trình đóng gói diễn ra một cách tùy tiện, thiếu sự kiểm soát.
Các thùng giấy, chai lọ không nhãn mác nằm rải rác khắp phòng, từ trên kệ, trên bàn xuống dưới sàn nhà. Những chiếc lọ không có bất kỳ thông tin hay hạn sử dụng nào, thậm chí có những chai lọ vỡ nứt, bụi bẩn bám đầy như những món hàng tồn kho lâu ngày.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc bao bì của 2 dòng serum mụn này khác nhau như thế nào, T. khẳng định: “Cả hai loại này đều có bao bì giống nhau, đều đóng gói như này hết”.
Thấy chúng tôi có vẻ hài lòng và muốn nhập hàng, T. tiếp tục chào mời: “Bên em có thể ship hàng đi khắp cả nước. Nếu muốn xuất khẩu, bên em sẽ cấp đầy đủ giấy tờ, từ giấy test kiểm định đến giấy công bố của Sở Y tế với giá 10 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên điều kiện là anh chị phải nhập từ 200 chai trở lên”. Còn nếu khách hàng chỉ nhập số lượng nhỏ, xưởng sẽ không cung cấp giấy kiểm nghiệm”, T. cho biết.
Khi chúng tôi yêu cầu xem giấy tờ đăng ký kinh doanh của xưởng, T. có vẻ lúng túng và trả lời mập mờ: “Bên công an vẫn kiểm tra thường xuyên nên xưởng em có giấy tờ đầy đủ. Chị chủ xưởng là dược sĩ tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội.”
Trong một cuộc trò chuyện khi đến xưởng lần 2 với chị H., chủ xưởng gia công, chúng tôi phát hiện thông tin hoàn toàn trái ngược. Thực tế, chị H. không hề có bằng cử nhân Đại học Dược như T. đã nói, mà chỉ có bằng ngành PR - Quảng cáo. “Hiện tại, xưởng chỉ có một dược sĩ và người này cũng đang là đại diện công ty về mặt pháp lý”, chị H. cho biết.
Tình trạng mỹ phẩm thật giả lẫn lộn tràn lan trên thị trường khiến nhiều người tiêu dùng ham rẻ mà “rước họa vào thân”.
Chị N.H.A. (31 tuổi, Hòa Bình) chia sẻ về trải nghiệm với serum làm đẹp được người quen giới thiệu. Sau 3-4 ngày sử dụng, làn da chị cải thiện rõ rệt, nhưng sau đó xuất hiện kích ứng, mẩn đỏ và mụn quay lại. Dù ngừng sử dụng sản phẩm, tình trạng châm chích, ngứa ngáy vẫn kéo dài. "Mất gần một năm để da phục hồi, nhưng vẫn không thể như trước, những vết rỗ và lỗ chân lông to vẫn còn", chị A. kể.
Đánh trúng tâm lý chuộng hàng ngoại của khách hàng, nhiều sản phẩm có bao bì đẹp, giá cả hấp dẫn, được giao đến tận nhà, người tiêu dùng đã mắc bẫy của những hàng mỹ phẩm gia công kém chất lượng.
Chị N.T.L. (23 tuổi, Hà Nội) tâm sự sau khi mua kem dưỡng trắng da giảm giá trên Shopee, da chị bị mẩn đỏ, kích ứng. "Bác sĩ nói da tôi bị bào mòn và lộ mạch máu do dùng mỹ phẩm kém chất lượng", chị L. cho biết.
Phản hồi