Danh mục Chủ Nhật, 08/09/2024

NEWS \

Áp lực và nguy cơ tìm kiếm việc làm của gen Z

13:27 30-10-2023
Trước làn sóng sa thải công nghệ, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có chi phí về nhân lực. Các nhà tuyển dụng tuyển người mới nhưng sẽ nâng cao tiêu chí, chọn lọc khắt khe hơn. Do đó, gen Z (thế hệ sinh ra trong khoảng từ 1997 - 2010) đang đối diện với áp lực tìm việc làm ngày một lớn.

Nỗi lo tìm việc làm 

“Bằng có trong tay, nhưng vận may có tới?” là câu hỏi lớn của nhiều bạn trẻ đang chật vật để tìm kiếm công việc hiện nay. 

“Trước đó mình có đi làm thêm ở các quán cà phê. Tuy không hợp với ngành học của mình nhưng cũng gọi là có chút kinh tế trang trải đối với sinh viên tỉnh lẻ. Bây giờ mình năm cuối, cũng đã nghỉ các việc làm thêm để tập trung vào thực tập. Nhưng tới hiện tại, kỳ thực tập sắp tới, mình càng hoang mang hơn, chưa biết được mình có tìm được việc làm sau khi ra trường không.” - Bạn Phạm Thùy Linh, sinh viên năm cuối Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ.

Theo báo cáo nhân sự nửa đầu năm 2023 của Anphabe - Mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lí lớn nhất Việt Nam công bố ngày 26/7. Được biết, từ tháng 09/2022 đến tháng 05/2023, tiếp tục là một năm đầy thách thức cho doanh nghiệp khi làn sóng sa thải khiến thị trường nguồn nhân lực Việt Nam có nhiều biến động chưa từng có tiền lệ. Trung bình, cứ 10 doanh nghiệp Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự với quy mô khác nhau. 

Cũng theo báo cáo, các doanh nghiệp cắt giảm “mạnh” thuộc các ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử (đã cắt giảm trung bình khoảng 25% nguồn nhân lực); ngành Bất động sản (22%); ngành bảo hiểm (18%); điện tử, công nghệ cao (16%) và du lịch/ẩm thực/nghỉ dưỡng (16%)… Điều này khiến 13% lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão sa thải. 

“Trước đó mình có đi làm thêm ở một số nơi, 1 lần làm ở quán cafe, 1 lần đi thực tập ở một hội thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Công việc ở hội thứ 2 thì có liên quan một chút chút tới content, hơi liên quan một chút đến chuyên ngành học. Còn công việc bây giờ của mình là content marketing. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại mình chỉ mong muốn được làm các công việc liên quan đến Báo chí nhiều hơn. Mình rất lo sau này làm trái ngành, hoặc thậm chí là có việc nhưng không ổn định.” - Bạn Phan Minh Ánh, sinh viên năm 3 khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ. 

 Phan Minh Ánh với mong muốn bắt đầu những việc làm liên quan tới báo chí nhiều hơn. - Ảnh: NVCC

Rủi ro khi tìm kiếm việc làm

Chị Đặng Thảo - HR tại Odin Land - một công ty về cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại có 8 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết: “Mỗi ngày mình nhận khoảng từ 5 - 7 CV qua các web tìm kiếm việc làm, chủ yếu là của các bạn sinh viên. Điểm chung là các bạn đều chưa có nhiều kinh nghiệm, bởi các bạn đang là sinh viên muốn kiếm việc làm thêm. Do đó, tình trạng đào thải nhân lực khá cao, tuy nhiên, cơ hội dành cho những bạn thực sự có năng lực không thiếu.” 

Trên mạng xã hội, những hội nhóm tìm việc làm ngày càng nhiều với số lượng thành viên lên đến hàng trăm nghìn người, nhưng đi kèm với nó là sự cạnh tranh và rủi ro rất lớn. 

Hàng loạt hội nhóm tìm kiếm việc làm xuất hiện trên facebook với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn (Ảnh chụp màn hình). 

Bên cạnh đó, nổi lên giữa những nhu cầu tìm việc, rất nhiều kẻ gian cũng lợi dụng môi trường này để lừa đảo. Đặc biệt là liên quan tới các việc làm online, part-time, remote (việc làm từ xa),... Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường việc làm trở nên khó khăn đối với các bạn.

“Mới đây, mình đi xin việc trên mấy group tìm kiếm việc làm. Mình được giới thiệu vào một group có vẻ uy tín. Có đăng các bài tuyển viết content, rồi mình tham gia nộp hồ sơ. Sau đó mình nhắn qua Zalo theo hướng dẫn, họ nói chỉ cần mang căn cước lên là được. Mình lưỡng lự, rồi mấy hôm sau, mình đọc thấy bài phốt. Đúng là lừa đảo thì đâu cũng có.” - Bạn Nguyễn Thị Phụng Lý - sinh viên năm 3 ngành Báo chí, Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ.

 Bài viết có nội dung cảnh báo các công việc lừa đảo. - Ảnh chụp màn hình
 Bài viết chia sẻ nỗi cay đắng khi bị lừa bởi các công việc online - Ảnh chụp màn hình

 

Có thể thấy, nhu cầu tìm việc khá lớn, các bạn cạnh tranh không chỉ với lứa tuổi ra trường cùng với mình, mà còn cạnh tranh với những anh chị đã có một hai, thậm chí là ba năm kinh nghiệm. Vì thế, đây không chỉ là cạnh tranh gay gắt mà trở thành cuộc đua tìm kiếm việc làm. 

 Cạnh tranh nộp CV tìm việc của các bạn trẻ. - Ảnh chụp màn hình

Với nhiều nhà tuyển dụng, kinh nghiệm làm việc chính là yêu cầu đầu tiên trong CV ứng viên họ tìm đọc, từ đó cân nhắc vào vị trí đang tuyển dụng hay không. Đây cũng là điểm yếu của nhiều sinh viên mới ra trường. Bởi kinh nghiệm chủ yếu của các bạn là những hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học. Nhưng thực tế cho thấy, những trải nghiệm đó vẫn chưa đủ để đáp ứng các nhà tuyển dụng. 

“Các công việc mình ứng tuyển, thường là yêu cầu kinh nghiệm 6 tháng. Nếu chưa có kinh nghiệm thì cũng phải trình bày những hoạt động ngoại khóa liên quan đến vị trí mình ứng tuyển. Lúc apply làm thực tập sinh cũng vậy, đều yêu cầu kinh nghiệm hết. Và điều quan trọng mình rút ra được là cần phải rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, trau dồi bản thân, dám đương đầu với thử thách, không ngại khó ngại khổ, thì ước mơ kiếm được việc làm như mong muốn không còn xa nữa” - Minh Ánh nói. 

Lúc này, giải pháp của nhiều người trẻ là tự trau dồi bản thân thật tốt, qua các kiến thức được giảng dạy trên trường, lớp. Sinh viên cũng cần đi làm thêm các công việc liên quan đến chuyên ngành học để tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhất có thể. 

Lê Thảo

Phản hồi