Danh mục Thứ Sáu, 22/11/2024

NEWS \

“Vạ miệng” trên mạng xã hội chỉ vì “tay nhanh hơn não”

20:30 23-10-2023
Dường như chuẩn mực văn hóa trên mạng xã hội đang ngày một xấu đi vì phát ngôn bừa bãi của một số bộ phận người thiếu ý thức. Dẫu biết, ai cũng có quyền được tự do bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của mình trên mạng xã hội nhưng không đồng nghĩa với việc ta được xúc phạm, soi mói đời tư của người khác. 

Đăng tin “giật gân”, “a dua” theo số đông không màng hậu quả

Hiện nay, mạng xã hội đang trở thành công cụ phổ biến cho việc chia sẻ thông tin và tương tác xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là có một số bộ phận người vì muốn nổi tiếng đã thông qua việc "câu view" bằng cách lan truyền những thông tin giật gân hoặc sử dụng ngôn từ thiếu tôn trọng các nguyên tắc văn hóa chung. 

Sự gia tăng của hiện tượng này đã khiến cho nhiều người phải quan ngại. Một số cá nhân trong trường hợp không kiểm soát cảm xúc đã thể hiện sự thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, thậm chí phát ngôn những lời xúc phạm và miệt thị người khác. 

  Người dùng mạng xã hội không ngại buông lời cay đắng, không phân biệt đúng sai. (Ảnh: Chụp màn hình)

Vụ việc liên quan đến doanh nhân Nguyễn Phương Hằng, Hoa hậu Ý Nhi, vụ việc 2 cô giáo có phát ngôn sai lệch trên mạng xã hội ở Đắk Lắk đã làm dấy lên hồi chuông báo động về ý thức sử dụng mạng xã hội.

Nhắc đến vấn nạn phát ngôn bừa bãi, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận) đã đăng bài trên trang cá nhân Facebook nhằm tố cáo hiện tượng sử dụng ngôn từ mất kiểm soát trên mạng xã hội: “Sự thô tục trên mạng xã hội dường như không có điểm dừng, nó luôn đem ta tới những kinh ngạc mới”. 

Bày tỏ suy nghĩ của mình về hành động hùa theo nhau của cư dân mạng về bài thơ “Con chào mào”, Tiến sĩ Giang cho hay: “Người ta miệt thị nhau vì khác quan điểm về Trung Đông thì không lạ. Người ta cũng có thể thích hay không thích một bài thơ, đồng tình hay phản đối việc bài đó được đưa vào sách giáo khoa. 

Nhưng đáng buồn thay khi cư dân mạng nhanh chóng tập hợp thành một đám đông hỗn tạp, thích thú và khoái trá vì được bật đèn xanh để văng tục và miệt thị người khác, trong trường hợp này là Mai Văn Phấn, tác giả bài thơ “Con chào mào”. Ông gần 70 tuổi”. 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trải lòng về nỗi buồn của mình khi thấy cư dân mạng “a dua” miệt thị người khác. (Ảnh: Chụp màn hình) 

Dường như mạng xã hội đang phát triển theo hướng tiêu cực và những hành động thiếu văn hoá được sử dụng trên các nền tảng xã hội ngày càng phổ biến. Khi chưa phân biệt đúng sai, phải trái, người ta đã “a dua” theo số đông mà không màng đến sự thật đằng sau hay hậu quả. 

Sự phát triển mạng xã hội đi kèm ý thức xuống cấp của người dùng

Chia sẻ về vấn nạn người trẻ sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, Bà Nguyễn Thị Anh (50 tuổi, Nghệ An) tâm sự: “Là người của thế hệ trước, tôi cảm thấy giới trẻ ngày nay khác thời đại của chúng tôi nhiều lắm. Tôi không còn thấy được khung cảnh những đứa trẻ thơ rủ nhau đi thả diều, bắt dế nữa. 

Thay vào đó là hình ảnh những đứa trẻ trên tay cầm “smartphone” để chơi game, lướt web. Không chỉ vậy, khi vào Facebook, tôi thấy buồn bởi người trẻ ngày nay sử dụng từ ngữ quá bừa bãi, không phù hợp với văn hoá thuần phong mỹ tục, thậm chí là văng tục, chửi bậy để bày tỏ thái độ bức xúc của họ”.

Phát ngôn thiếu văn minh, cụ thể là văng tục trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình). 

 

Đứng dưới góc nhìn của người trẻ, Lê Vân (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tâm sự: “Mình sử dụng mạng xã hội 5 tiếng/1 ngày bởi tính chất nghiệp vụ. Theo quan sát của mình, mạng xã hội ngày càng phát triển đi kèm với ý thức ngày càng xuống cấp của một số bộ phận người dùng. 

Một số bộ phận bạn trẻ vì muốn “câu like” đã sử dụng những tin tức sai sự thật, giật gân để khơi gợi sự hứng thú, tò mò của cư dân mạng. Từ đó, tạo ra những tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến người khác. Vì vậy, mình hy vọng các bạn trẻ sẽ có sự lựa chọn tin tức để đọc thay vì “ a dua” và chạy theo số đông”.

Phương Trang (20 tuổi, Hà Đông) cho biết, mỗi ngày cô chỉ dành ra 3 tiếng cho mạng xã hội. Theo Trang, nếu muốn cập nhật được tin tức nhanh chóng, cô sẽ truy cập những trang báo hoặc trang thông tin uy tín thay vì chạy theo tin đồn thất thiệt của một số cá nhân.

 Một số bộ phận bạn trẻ vì muốn “câu like” đã sử dụng những tin tức sai sự thật. (Ảnh minh hoạ: Canva).


Bàn về vấn đề tự do ngôn luận trên mạng xã hội, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay: “Luật pháp Việt Nam cho phép mọi người dân tự do ngôn luận, đó là điều được thế giới thừa nhận. 

Trong thực tế, tự do ngôn luận có thể hiểu là đàm luận những nội dung được luật pháp cho phép và đúng với văn hoá, phong tục truyền thống, đạo đức của người Việt. Tuy nhiên, phong cách, hình thức ngôn luận phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện”. 

"Mỗi người cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội"

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết, mỗi người tham gia mạng xã hội đều có thể tự lựa chọn một vấn đề riêng để họ trao đổi, đề cập những vấn đề của cá nhân. Bên cạnh những bài viết mang đến thông điệp cho cộng đồng, mạng xã hội hiện đang còn tồn tại những bài đăng thiếu chuẩn mực như xúc phạm, soi mói đời tư. Thậm chí, có những người còn xuyên tạc do kém hiểu biết về mặt pháp luật.

 Thầy Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Cổng thông tin HVBC&TT). 

Để giữ được môi trường mạng trong sạch góp phần duy trì văn hóa trên mạng xã hội, sinh viên cần trang bị cho mình kiến thức về mặt luật pháp, không tham gia đàm luận những vấn đề đời tư của người khác. Không vội vàng lắng nghe, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó cần biết lựa chọn, sàng lọc thông tin để chia sẻ, PGS.TS Trung nói.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung: “Ở nước ta hiện có những vấn đề phát ngôn trên mạng xã hội trong đó có cả doanh nhân, giáo viên, thanh niên. Nếu chia sẻ, ủng hộ những phát ngôn không đúng, chúng ta đã vô tình tiếp tay, cổ vũ cho những cái sai. Bởi vậy, mỗi người cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội.

Các bạn sinh viên hãy tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình thay vì để ý chuyện đời tư của người khác. Cái gì mình hiểu sâu, biết rộng thì hãy tham gia. Các bạn chớ có nên vội vàng, hấp tấp rồi dẫn đến mắc phải sai lầm không đáng có”.

Đặng Thu Hoài

Phản hồi