Danh mục Thứ Sáu, 26/04/2024

NEWS \

Sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái - áp lực hay bệ phóng?

21:00 06-04-2023
Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ 1 đến 2 con, vì vậy, sự kỳ vọng lớn lao vào con cái trở thành một xu hướng tâm lý phổ biến. Cha mẹ đã dành tất cả sự kỳ vọng cho những đứa con của mình. Sự kỳ vọng đó có thể là động lực để con phát triển, cũng có thể là gánh nặng áp lực dẫn đến những hậu quả khôn lường…

Một mặt, sự kỳ vọng của cha mẹ xuất phát từ tình yêu thương vô hạn, mong muốn con cái có một cuộc sống tốt đẹp; mặt khác, các bậc cha mẹ còn chịu ảnh hưởng của quan niệm cũ coi sự thành công của con cái là thước đo cho vinh quang của gia đình hay dòng họ. Một trong những biểu hiện của sự kỳ vọng là việc đầu tư lớn cho con cái học hành, đưa con vào trường chuyên, lớp chọn hay du học nước ngoài. Thậm chí, mức đầu tư vượt mức điều kiện kinh tế của nhiều gia đình. Kỳ vọng giống như một con dao hai lưỡi. Sự kỳ vọng tích cực sẽ trở thành bệ phóng giúp con chinh phục ước mơ của mình; và ngược lại, sự kỳ vọng quá mức sẽ dẫn đến những tác động tâm lý tiêu cực.

Áp lực của cha mẹ dành cho con cái. (Nguồn ảnh: Phạm Tùng Chi lớp TTĐPT K42) 

Kỳ vọng - bệ phóng thành công

Ngay từ nhỏ đã có năng khiếu đặc biệt về môn Tiếng Anh, Nguyễn Đức Anh (18 tuổi, sống tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nhận được sự kỳ vọng lớn lao từ gia đình. Không phụ sự kỳ vọng đó, em đã đạt 7.5 IELTS ngay lần thi đầu tiên, trong điều kiện học tập hạn chế tại một tỉnh miền núi. Ấn tượng hơn, thành tích đó có được phần lớn nhờ việc tự học của bản thân. Đức Anh chia sẻ: “Trên hành trình đạt được số điểm 7.5 IELTS, em đã trải qua rất nhiều những khó khăn, thử thách, đôi khi muốn chùn bước, nhưng em biết rằng gia đình đặt rất nhiều kỳ vọng vào bản thân mình. Chính vì vậy, em lại quyết tâm, miệt mài cố gắng để đạt được kết quả như mong muốn”

 Nguyễn Đức Anh (18 tuổi, sống tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La) 
(Nguồn ảnh: do nhân vật cung cấp)

Đức Anh luôn tự tin vào năng lực của bản thân và luôn biết ơn gia đình - những người thân yêu của mình. Chính vì vậy, em không coi kỳ vọng là áp lực, mà coi đó là động lực để vươn lên, vượt qua thách thức bằng lối suy nghĩ tích cực và tinh thần lạc quan. Trò chuyện với chúng tôi, cô Lê Thị Phượng - mẹ của Đức Anh nói: “Chúng tôi hiểu niềm đam mê, năng lực và cả những khó khăn của con nên luôn ủng hộ con trên chặng đường học tập. Cho dù kết quả có thế nào, tôi cũng động viên con hướng về phía trước”. Đó không phải chỉ là câu chuyện của một mình Đức Anh mà còn là của rất nhiều người đã tìm thấy ý nghĩa tích cực của sự kỳ vọng. 

Hoàng Thị Ngọc Hà, sinh viên lớp Quan hệ công chúng chuyên nghiệp K41, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tâm sự: “Cha mẹ có kỳ vọng ở mình tuy nhiên luôn ở mức độ vừa đủ. Mình luôn cảm thấy biết ơn vì điều đó. Bởi vì, kỳ vọng quá nhiều sẽ tạo nên áp lực và ngược lại, kỳ vọng vừa đủ sẽ tạo nên động lực. Sự kỳ vọng, đồng hành của cha mẹ đã tạo cho mình rất nhiều động lực, đáng nói nhất là thay đổi và hoàn thiện bản thân mình theo hướng tích cực hơn. Mình dám bứt phá khỏi vùng an toàn, mình dám thử thách bản thân, gần đây nhất là dám thử sức với cuộc thi Press Beauty 2023.

 Hoàng Thị Ngọc Hà (sinh viên năm 2 lớp Quan hệ công chúng chuyên nghiệp K41, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) (Nguồn ảnh: do nhân vật cung cấp)

Hay như đạo diễn Jordan Peele (đạo diễn đoạt giải Oscar với hai bộ phim tâm lý Get out và Us) đã từng nói: “Đối với tôi, sự kỳ vọng là món quà, không phải áp lực”. Có thể nói, rất nhiều người đã tìm thấy ý nghĩa tích cực của sự kỳ vọng. Đối với họ, đó là liều thuốc tinh thần tạo nên sức bật giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách để vươn tới thành công. 

Kỳ vọng - gánh nặng tâm lý

Thế nhưng, trong thực tế, khi sự kỳ vọng của cha mẹ không đặt trên một cơ sở thực tế, không dựa trên sự thấu hiểu,  năng lực, sở trường của con dễ dẫn đến “tham vọng” quá lớn về thành tích của con cái. Từ đó, cha mẹ tạo ra những áp lực, để lại gánh nặng tâm lý và những tổn thương về mặt tinh thần cho con trẻ. Khi chưa thành công, thế hệ trẻ rất dễ rơi vào tình trạng hoài nghi về năng lực và mục tiêu của mình. Sự áp lực từ kỳ vọng từ gia đình và xã hội càng lớn càng khiến những người trẻ phải chạy đua trên chặng đường đi đến thành công mà quên đi việc khám phá và thấu hiểu bản thân mình. Để rồi cuối cùng, họ lại tự bị mắc bẫy trong những hình mẫu “tiêu chuẩn” do chính mình đặt ra. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng ám ảnh về áp lực tâm lý của sự kỳ vọng quá mức từ cha mẹ.
 
Rạng sáng 1/4/2022, một nam sinh lớp 10 trường chuyên Amsterdam - Hà Nội đã trèo qua ban công tầng 28 ở một chung cư rồi nhảy xuống tự tử. Sự việc trên đã được camera ghi lại và khiến cho cộng đồng mạng không khỏi thương xót. Đoạn clip ghi lại hình ảnh, vào khoảng 3 rưỡi sáng nhưng nam sinh N vẫn còn đang thức đêm học trong phòng khách, dưới sự giám sát của bố. Nam sinh đã đi lại rất nhiều ra hành lang rất nhiều lần trước khi lao ra khỏi lan can và nhảy xuống. Trước khi nhảy lầu, nam sinh đã để lại những dòng thư tuyệt mệnh cuối cùng: "Con rất xin lỗi vì hành vi bồng bột của con sẽ và đã làm.Thực sự thì cuộc sống cũng quá mệt mỏi rồi..."

 Chung cư nơi xảy ra vụ việc đau lòng. (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)

Theo thống kê của tổ chức UNICEF, 8% - 29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó có đến 2 - 3% trẻ vị thành niên tự tử và 10% - 15% học sinh có ý định tự tử đều liên quan đến áp lực như: trầm cảm, rối loạn tâm thần, rối loạn nhân cách, chứng mất ngủ kéo dài… Chưa dừng lại ở đó, con số này dự báo vẫn đang tiếp tục tăng dẫn theo các năm, cho thấy mức độ nghiêm trọng về vấn đề sức khỏe tâm thần đến từ những áp lực tâm lý mà các em học sinh gặp phải. Cũng phải thừa nhận, một tỉ lệ không nhỏ trong số đó là các bệnh tâm lý do tác động do áp lực thi cử cũng như sự kỳ vọng quá mức từ phía gia đình. 

Kỳ vọng gắn liền với sự thấu hiểu - chìa khóa của hạnh phúc, thành công

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng viện Báo chí, tác giả của giáo trình Tâm lý học báo chí - Truyền thông khẳng định rằng: “Ai là cha mẹ cũng sẽ có những kỳ vọng với con cái mình. Yêu là kỳ vọng”. Tuy nhiên, cô cũng cho rằng: “Mức độ và cách biểu đạt kỳ vọng của các cha mẹ rất khác nhau. Kỳ vọng cao tới mức như đòi hỏi bắt buộc sẽ gây áp lực lớn với con cái. Nếu kỳ vọng kèm theo sự chỉ dẫn, chấp nhận khi con cái không đạt được kỳ vọng, an ủi động viên con, khuyến khích và cùng con vượt qua những lần thất bại, luôn tôn trọng, tin tưởng và cổ vũ con trong mọi tình huống. Có như vậy thì cha mẹ mới trở thành bệ phóng cho những bậc thang trên đường đời của con.”

Còn Hoàng Minh Thùy (sinh viên năm nhất lớp Truyền thông Đa phương tiện K42, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Sự kỳ vọng của bố mẹ luôn là nguồn cổ vũ, động viên mình cố gắng. Trong mỗi chặng đường đời, thành tích mình đạt được mình đều nghĩ đến công lao của bố mẹ đầu tiên. Bố mẹ mình cũng rất vui khi thấy mình trưởng thành hơn mỗi ngày.”

Tình yêu thương của cha mẹ đối với những đứa con luôn song hành với sự kỳ vọng như một lẽ tất nhiên. Đó là sự mong đợi, tin tưởng con sẽ phấn đấu, trưởng thành và có một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa. Để kỳ vọng của cha mẹ luôn là động lực giúp con tự tin vào bản thân, phát huy tiềm năng và vươn tới thành công, cha mẹ cần thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng con trong mỗi chặng đường. Cùng với đó, cha mẹ cần biết chấp nhận những thất bại, động viên, giúp con có cái nhìn tích cực trong mọi hoàn cảnh. Khi đó, sự kỳ vọng sẽ mang lại niềm hạnh phúc cho cả cha mẹ và những đứa trẻ.

Nguyễn Thục Uyên Nhi TTĐPT K42

Phản hồi