Danh mục Thứ Sáu, 26/04/2024

NEWS \

Nhận diện thách thức để tìm kiếm cơ hội trong ngành báo chí - truyền thông

23:55 10-02-2023
Báo chí – truyền thông luôn là nhóm ngành có chất lượng đầu vào cao của các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí - truyền thông trên toàn quốc nói chung và của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (HVBCVT) nói riêng. Với sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng của nhân sự trong ngành, sinh viên học viện cần chuẩn bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết.

Tránh hiện tượng “cầm tay chỉ việc”

Ngành báo chí – truyền thông sở hữu thị trường lao động hấp dẫn với nhiều cơ hội rộng mở cho sinh viên mới ra trường. Song, không thể phủ nhận sự cạnh tranh trong ngành rất khốc liệt. Đặc biệt, đối với các vị trí trong cơ quan báo chí chính thống, các tòa soạn thường đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm cộng tác viên, có thể bắt đầu làm việc bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, không ít sinh viên tỏ ra lúng túng trong tác nghiệp dù kỹ năng và kiến thức cần thiết đều có trong chương trình đào tạo. 

Ảnh: Google 

Nguyên nhân cần bàn đến là sự thiếu chủ động trong việc học hỏi từ đồng nghiệp và tâm lý e dè, ngại sai, ngại sửa của tân cử nhân. Kém linh hoạt khi làm việc cũng là yếu tố phải khắc phục. Những kiến thức thu nhận trong quá trình học tập hay bị các sinh viên áp dụng máy móc, rập khuôn mà không có sự sáng tạo, biến hoá cho phù hợp tình hình thực tế. Vì vậy mới xuất hiện hiện tượng những sinh viên có thành tích tốt trên giảng đường nhưng vẫn gặp khó khi đi làm.

Để tránh những “cú sốc về chuyên môn” như trên, sinh viên không nên chờ đợi giảng viên cung cấp tất cả các kiến thức cần thiết, càng không nên chờ đợi cơ quan “cầm tay chỉ việc” mà cần chủ động nâng cao năng lực bản thân qua các tài nguyên sẵn có như tài liệu, internet,…Tất nhiên cũng cần chuẩn bị tinh thần tự tin, cầu tiến, chấp nhận sai sót trong quá trình làm việc, không ngần ngại tiếp thu cái mới, cái tốt.

Sinh viên Viện Báo chí, học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hành tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc (Ảnh: CLB Báo chí Truyền thông - CJC).

Không có “việc nhẹ lương cao”

“Vỡ mộng” là tình trạng chung của một số sinh viên khi tham gia vào thị trường lao động. Thượng tá Lê Xuân Đức, báo Quân đội Nhân dân, chia sẻ trong buổi gặp mặt với các sinh viên HVBCVT “Có rất nhiều sinh viên, trong đó có cả các bạn sinh viên HVBCVT đã đến và thử sức tại vị trí thư ký toà soạn, nhưng hầu hết các bạn không tiếp tục ở lại công tác mà rời đi trong vài tháng đầu”. Bên cạnh việc các cơ quan báo chí thiếu nhân lực, một hiện tượng đáng lưu tâm là nhiều sinh viên không thể tiếp cận các vị trí thích hợp với khả năng của mình.

Thượng tá Lê Xuân Đức chia sẻ tại phòng thư ký tòa soạn báo Quân đội nhân dân.

Làm báo là công việc vất vả, áp lực và đòi hỏi sự đam mê cùng nỗ lực bền bỉ. Sinh viên không nên coi tầm bằng đại học là chiếc vé thông hành có thể dễ dàng đáp ứng được mong muốn, đòi hỏi của bản thân trong công việc. Đây là bài học không chỉ sinh viên năm cuối mà các học sinh trung học phổ thông có nguyện vọng thi tuyển ngành học này phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định theo đuổi sự nghiệp báo chí – truyền thông. 

Bên cạnh thực tập tại các cơ quan báo chí, một số lượng không nhỏ sinh viên chọn làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn. Với mức lương tương đối hấp dẫn, sinh viên báo chí thường sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ sinh viên các chuyên ngành khác sở hữu những thế mạnh vượt trội. Thậm chí, một số tập đoàn lớn không ngần ngại tuyển dụng những nhân sự không có bằng đại học, miễn là đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. 

Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) thường đến các trường đại học để tìm nhân sự tiềm năng, cụ thể là các trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia. Đồng thời, người đại diện tập đoàn cũng khẳng định những trường hợp chưa tốt nghiệp đại học, trung học phổ thông vẫn có thể làm việc tại Viettel nếu đủ năng lực. Nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra đãi ngộ xứng đáng khi ứng viên có khả năng làm việc. Sinh viên cần xem xét kỹ mức lương và đối chiếu với khối lượng công việc đã hợp lý chưa, sau đó mới đưa ra quyết định thử việc.

Làm chủ công nghệ

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ tới quy cách hoạt động của các cơ quan báo chí – truyền thông. Những loại hình truyền thống như báo in, phát thanh cũng được số hoá để theo kịp với xu hướng toàn cầu. Công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng dẫn đến chương trình đào tạo của các trường đại học đôi lúc không thể bắt kịp. Điều này đòi hỏi sinh viên cần liên tục cập nhật kiến thức, chủ động học hỏi nâng cao trình độ cá nhân nếu muốn đạt được vị trí mong muốn trong công việc.

Bên cạnh đó, việc tổ chức chương trình thực tế giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm công nghệ mới cũng được một số cơ sở đào tạo áp dụng nhằm khắc phục vấn đề nêu trên. Tất nhiên với thời gian có hạn, các hoạt động thực tế chỉ đảm bảo ở mức tiếp cận, nhận diện công nghệ chứ không thể làm chủ ngay lập tức. Tuy vậy, những trải nghiệm bổ ích cũng phần nào giảm bớt sự bỡ ngỡ, choáng ngợp của sinh viên khi tham gia vào thị trường lao động.

Sinh viên lớp Truyền thông đa phương tiện K41, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trải nghiệm màn hình cảm ứng không chạm tại trụ sở Viettel.

Năng động, sáng tạo và hiện đại luôn là bản sắc của sinh viên HVBCTT trong thời đại mới. Đứng trước những thách thức đặt ra của thị trường lao động, sinh viên cần tiếp tục phát huy bản sắc ấy để tiến xa hơn trong sự nghiệp, góp phần khẳng định uy tín cũng như vị thế hàng đầu trong công tác đào tạo ngành báo chí - truyền thông của Học viện.

Đài Trang - CJC

Phản hồi