Danh mục Thứ Năm, 21/11/2024

NEWS \

Hạn chế kiểm tra bất chợt, nhiều giáo viên gặp khó

15:17 23-10-2023
Theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, hình thức trả bài bất chợt đầu giờ sẽ được hạn chế và thay thế bằng các hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều thầy cô vẫn loay hoay trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo cách “mới”.

Loay hoay vì tác nhân khách quan
Chương trình GDPT 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn có nhiều điểm mới so với Chương trình 2006. Trong đó, 2 mục tiêu “học sinh làm chủ kiến thức” và “giáo viên phải chuyển từ “người dạy” sang người “tổ chức, kiểm tra, định hướng” được coi là hai yếu tố tất yếu trong việc phát triển giáo dục. 

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, muốn giúp học trò tự chủ động, việc hạn chế kiểm tra bài bất chợt và thay thế bằng các hình thức đánh giá thông qua điểm số và nhận xét như Chương trình GDPT 2018 định hướng là chưa đủ. 

Theo cô Ngô Tố Uyên, giáo viên trường THPT A Phủ Lý, Hà Nam: “Việc kiểm tra kiến thức của học sinh không thể chỉ bằng các trò chơi hay hoạt động ngoại khóa. Cô cho biết mình vẫn luôn song hành trả bài bất chợt và đa dạng các hình thức khác để có những đánh giá chân thực về năng lực học sinh. Do vẫn còn tồn đọng hai hạn chế lớn trong việc sử dụng các hình thức kiểm tra mới là cơ sở vật chất và ý thức của học trò”.

Trong khi giáo viên mất thời gian để thiết kế bài giảng trên Kahoot! hoặc Quizzi, nhiều học sinh lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí chỉ làm bài cho có hoặc đôi khi chính hệ thống mạng Internet của nhà trường không ổn định, gây ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra, cô Uyên tâm sự. 

   Nhiều giáo viên gặp khó vì ý thức học sinh và cơ sở vật chất. (Ảnh minh họa: TTXVN).  

Đồng tình với cô Uyên, cô giáo Trần Huyền, giáo viên bộ môn Hóa, trường THCS Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam chia sẻ: “Phương pháp giảng và dạy học mới đòi hỏi học sinh phải là người chủ động. Giáo viên là người hướng dẫn. Đây cũng là một điểm mới và hay trong chương trình. Do đó, học sinh cần có ý thức học tập, thay vì trông chờ vào thầy cô”. 

Bên cạnh đó, cô Huyền cho biết, nếu muốn đa dạng thử nghiệm các hình thức kiểm tra mới, thời gian dạy học phải được đảm bảo. Cô cho biết chỉ với 45 phút/tiết dạy và tổ chức các hình thức kiểm tra thay kiểm tra miệng, rất khó để có thể hoàn thành bài mới với phần thời gian còn lại. 

“Với các lớp học ở mức giỏi, khá thì có thể đẩy nhanh tiến độ chương trình và xong bài học trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng ở những lớp có học sinh học yếu, nếu không có nhiều thời gian để hỗ trợ từng bạn, sẽ rất khó để biết liệu các bạn có hiểu bài hay không”, cô Huyền bộc bạch. 

Cô Thanh Minh, giáo viên tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Gia Lai cho biết mặc dù bản thân đã và đang sáng tạo các hình thức đánh giá học sinh mới, thay vì chỉ sử dụng hình thức gọi bài bất chợt. Tuy nhiên, cô vẫn gặp khó vì phương pháp này vẫn không thể đánh giá đúng khả năng hiểu bài của học sinh. 

“Khó khăn nhất là ý thức học tập của một số em chưa tốt, dẫn tới việc áp dụng hình thức kiểm tra nào cũng không có hiệu quả”, cô Minh cho hay.

Kiểm tra bài cũ, không thiếu cách "mới"

Nhắc đến những bất cập trong chương trình GDPT 2018, tác giả Thái Hạo - chuyên gia với nhiều bài viết về lĩnh vực giáo dục chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng: "Chương trình giáo dục mới đang trao cơ hội vào tay mỗi giáo viên và cũng là cơ hội cho cả xã hội, khước từ và quay lưng thì dễ, bắt tay vào với từng chút vôi vữa, gạch ngói, đó mới là việc khó làm. Nhưng phải làm, nếu muốn những đổi thay trong giá trị làm người, làm nghề.”

Tác giả Thái Hạo chia sẻ quan điểm về những khó khăn trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. (Ảnh chụp màn hình). 

Trước những bất cập từ chương trình mới, anh Vũ Minh Hiếu – Chuyên viên tại Trung tâm kiểm định giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Không quan trọng nội dung kiểm tra thế nào, mà cách thức thực hiện nó ra sao. Nếu người giáo viên muốn học sinh hiểu bài của mình, mà không cần kiểm tra bài cũ thì có rất nhiều cách như: vẽ tranh, làm thơ, tổ chức các hoạt động cạnh tranh lành mạnh,...”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo học sinh tự chủ động trong việc nắm vững và vận dụng lý thuyết vào cuộc sống, các giáo viên cần cụ thể hóa chương trình dạy học của mình. Đồng thời, thầy cô có thể ưu tiên đánh giá thông qua các trò chơi kích thích tư duy của học sinh trong suốt tiết dạy thay vì chỉ chú trọng vào hình thức kiểm tra bài cũ đầu giờ, anh Hiếu nói. 

Chuyên viên giáo dục Vũ Minh Hiếu. (Ảnh: NVCC).  

Theo anh Vũ Minh Hiếu: "Các giáo viên cần cùng học sinh giải quyết các vấn đề liên quan đến bài học bằng cách cho học sinh chủ động trong việc nắm vững và vận dụng bài học. Ngoài ra, giáo viên phải là người định hướng, tạo động lực cho chính học trò của mình. 

Việc thầy cô trở thành người đồng hành với học sinh là một trong những cách hiệu quả giúp đánh giá được thực chất năng lực của học sinh. Từ đó, người học dễ dàng bày tỏ được những quan điểm, suy nghĩ về bài học, đồng thời hình thành cho các em những kỹ năng mềm quan trọng, cần thiết trong cuộc sống". 

 

Lê Thanh Vân

Phản hồi