Danh mục Thứ Năm, 19/09/2024

Tiêu điểm \

Xây dựng văn hóa giao thông ở người trẻ

22:50 28-12-2023
Hạ tầng giao thông nước ta ngày càng được quan tâm, xây dựng đổi mới, song song với vấn đề đó thì ý thức, văn hóa giao thông càng được quan tâm, chú trọng nhiều hơn.

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia giao thông - Tiến sĩ Phan Lê Bình đã đưa ra góc nhìn, nêu quan điểm của mình về vấn đề trên. Theo vị chuyên gia, khi nói về một vấn đề ta phải hiểu từ cái đơn giản nhất, cốt lõi nhất của vấn đề đó.

 Tiến sĩ Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông .(Ảnh: NVCC)

PV: Theo Tiến sĩ, văn hóa tham gia giao thông là gì?

Tiến sĩ Phan Lê Bình: Bản thân tôi cũng khá băn khoăn về khái niệm “Văn hóa giao thông”. Tôi nghĩ, tuân thủ các điều luật giao thông như dừng đèn đỏ, không dàn hàng khi đi xe,…cũng chưa hẳn là văn hóa giao thông. Làm sai là phạm luật chứ không phải là văn hóa. Còn văn hóa giao thông có thể được thể hiện qua câu chuyện “bấm còi”. Ví dụ, quy định là được bấm còi bao nhiêu lần, nhưng thói quen của nhiều người là bấm còi vô tội vạ. Rõ ràng, bấm còi thường chỉ một lần là đủ  nhưng có những người bấm năm mười lần, điều ấy thể hiện cái mức độ văn hóa khi tham gia giao thông.  

PV: Tiến sĩ đánh giá như thế nào về thực trạng văn hoá giao thông của người Việt Nam hiện nay, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Phan Lê Bình: Như tôi đã nói, văn hóa giao thông chủ yếu thể hiện ở câu chuyện “bấm còi”. Có thể thấy, nhiều người đang sử dụng còi “theo sở thích”, bấm cho “đã tay”. Ngoài ra, câu chuyện văn hóa giao thông ở giới trẻ cũng rất đáng bàn tới. Người trẻ hiện nay nhiều bạn đi xe dàn hàng ngang, vừa đi vừa nói cười, lạng lách đánh võng. Hoặc thậm chí cả khi đi bộ, không tuân theo đèn tín hiệu, qua đường ngay dưới lòng đường trong khi cầu bộ hành ở “ngay trên đầu”.

Chúng ta có thể lấy ví dụ cụ thể ngay cổng trường Đại học quốc gia, các bạn sinh viên nói riêng, người qua đường nói chung thường xuyên bỏ qua cây cầu đi bộ mà chọn cách băng thẳng qua đường, chen qua các làn xe chạy.

PV: Bàn về văn hóa giao thông của sinh viên, có thể thấy hiện nay, nhiều sinh viên vi phạm văn hóa giao thông. Có ý kiến cho rằng: “Sinh viên không có văn hóa giao thông sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp và mất đi ý nghĩa cao cả của từ sinh viên, đó là những người trẻ có học thức, được đào tạo đầy đủ để trở thành tương lai đất nước”. Tiến sĩ có quan điểm như thế nào về ý kiến này? 

Tiến sĩ Phan Lê Bình: Thực ra cái này cũng có một phần là nâng quan điểm một chút. Ai sẽ là những người mang cái suy nghĩ đó? Người nước ngoài mà đến Việt Nam chúng ta, họ đi du lịch thì cũng chẳng có suy nghĩ đấy. Họ đến họ du lịch thì họ cũng chỉ biết là người Việt Nam có thế hệ trẻ, nhiều người không tuân thủ đúng theo Luật giao thông. 

Còn người dân trong nước khi thấy những hình ảnh đó cũng có phần khó chịu, không hài lòng khi giới trẻ không tuân thủ Luật giao thông. Tôi nghĩ trong thực tế cũng không nhiều ý kiến như vậy. Sinh viên là những người được ăn học đàng hoàng, có điều kiện để tham gia, học tập ở trình độ cao trong xã hội mà không tuân thủ luật giao thông sẽ tạo ra hình ảnh rất phản phản cảm đối với người chứng kiến nhưng cũng chỉ là cảm xúc nhất thời. Việc có văn hóa giao thông, hay đơn giản là chấp hành Luật giao thông sẽ góp phần tạo nên hình ảnh xã hội có trật tự và văn minh.

 Người dân chen lên vỉa hè như làn đường mở rộng giờ cao điểm.

PV: Tiến sĩ Phan Lê Bình hãy đưa ra một vài lời khuyên, góp ý cho các bạn trẻ nói chung và các bạn sinh viên nói riêng trong việc xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông. 

Tiến sĩ Phan Lê Bình: Những bài báo như thế này sẽ có tác dụng truyền thông và các bạn sinh viên không phải là không biết những quy định tối thiểu về giao thông. Điều đó các bạn đã được dạy từ khi học phổ thông chứ không đợi đến khi trở thành sinh viên mới được học. 

Trong xã hội, chúng ta vẫn còn dễ dãi. Với những vi phạm tương đối nhẹ thì cũng mong qua những phản ánh của bài báo, chúng ta nêu rõ được cái nhìn phê phán đối với việc vi phạm cho dù là rất nhỏ. Những vi phạm nhỏ đó mà phổ biến sẽ tạo ra cái liên tưởng là xã hội Việt Nam chúng ta vẫn ở mức phát triển tương đối thấp, chưa đủ trật tự, chưa có văn minh. Bởi vậy, mong các bạn sinh viên đọc được những bài báo này, tự nhìn lại mình xem trong quá trình tham gia giao thông, có những lỗi mình cho là nhỏ thôi, ví dụ như là gần trường cho nên không đội mũ bảo hiểm, băng qua đường thì bỏ mặc vạch kẻ qua đường hoặc bỏ mặc cầu đi bộ thì nên chấn chỉnh lại. Từ đó mới tạo nên một xã hội Việt Nam có trật tự, có văn minh.

Dương Đạt - Báo In K40

Phản hồi