Danh mục Thứ Bảy, 09/11/2024

Tiêu điểm \

Người giữ lửa nghề gốm cổ truyền

23:16 27-12-2023
Đứng trước sự thay đổi của nền công nghiệp làm gốm, nghệ nhân trẻ Phạm Anh Đạo đã lặng lẽ lựa chọn cho mình một lối đi riêng, gắn bó với nghề làm gốm thủ công truyền thống. Với tình yêu và niềm đam mê với nghề, anh Đạo đã có được vị thế riêng khi được ghi nhận là Nghệ nhân thủ đô và có tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam.

“Đôi tay vàng” của người nghệ nhân trẻ 

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội), cùng với truyền thống gia đình làm gốm nên từ nhỏ anh Phạm Anh Đạo đã thừa hưởng tố chất khéo léo và đam mê kỹ thuật làm gốm thủ công truyền thống của dòng tộc. Từ thấu hiểu đến cảm nhận được nét đẹp riêng, anh Đạo đã lựa chọn gắn bó với nghề gốm truyền thống. Ngay cả khi thời gian chuyển đổi giữa thủ công sang công nghiệp, tất cả mọi người đều bỏ cách làm thủ công và chuyển sang làm gốm công nghiệp thì người nghệ nhân ấy vẫn nhất quyết giữ nguyên cách làm theo phương pháp truyền thống.

 Anh Đạo cần mẫn bên bàn xoay sáng tạo ra các tác phẩm gốm “độc bản”.

Để sống và gắn bó được với nghề gốm, anh Đạo đã phải trải qua rất nhiều khó khăn.. Bởi lẽ anh là một nghệ nhân khiếm thính. Từ khi sinh ra, anh Đạo vốn nhỏ con nên thường xuyên ốm yếu, chậm chạp. Sau một trận ốm nặng phải dùng nhiều kháng sinh liều cao, anh gần như mất đi thính giác và giọng nói. Kể từ đó anh cũng thường ngại giao tiếp và chỉ tập trung vào công việc làm gốm. 

Khó khăn là thế nhưng duyên số đã giúp anh gặp chị Mỹ Trinh - một người vợ, người bạn đồng hành trong công việc của anh. Kể về lần đầu gặp gỡ và nên duyên của hai vợ chồng, chị Trinh chia sẻ: “Tôi gặp anh Đạo vào năm 2002. Gia đình tôi cũng sản xuất gốm nhưng làm gốm công nghiệp chứ không phải gốm thủ công. Về đến đây, khi gặp và biết đến anh Đạo, tôi đã ấn tượng bởi người đàn ông khéo léo, điêu luyện tạo ra các đồ gốm bằng tay”. Nên duyên vợ chồng, chị Trinh lui về làm hậu phương hỗ trợ, giúp đỡ anh Đạo rất nhiều trong công việc và cuộc sống. 

 Chị Nguyễn Mỹ Trinh - vợ anh Đạo thường xuyên phụ giúp chồng các công đoạn tráng men, trang trí và quảng bá tác phẩm đến với khách hàng. 

Kể về thời gian đầu làm gốm còn nhiều khó khăn, chị Trinh không khỏi xúc động: “Khoảng 5-7 năm đầu là thời gian cảm giác như mình không thể sống được!”. Nghề làm gốm thủ công vừa đòi hỏi niềm say mê với nghề vừa cần kỹ thuật cao. Việc tiếp cận với khách hàng có khu cầu thời kỳ đó vô cùng gian nan. Đứng giữa lựa chọn thay đổi theo lối công nghiệp hay tiếp tục, anh Đạo vẫn luôn giữ quan điểm tiếp tục theo nghề gốm truyền thống lưu giữ những nét đẹp đáng trân trọng của sản phẩm thủ công. 

 Các tác phẩm được anh Đạo sản xuất thủ công mang nét đặc trưng riêng biệt.

 

Các sản phẩm thủ công được làm bằng chính đôi bàn tay của người nghệ nhân mà không cần một loại máy móc nào hỗ trợ. Với đôi tay và chính cảm xúc của người nghệ nhân sẽ tạo ra được những tác phẩm “độc bản” mang ý nghĩa riêng. Với giá trị nghệ thuật cao cả, các tác phẩm của Anh Đạo đã dần tiếp cận được với nhiều khách hàng, tham gia các cuộc triển lãm được nhiều người biết đến. Đến bây giờ các tác phẩm của anh đều được mọi người biết đến và trân trọng những các cái sản phẩm mang nét đẹp riêng. 

Cặp chóe Tứ Linh kỷ lục- 6 ngày đêm không ngủ 

Nhắc đến các sản phẩm vuốt tay của nghệ nhân Phạm Anh Đạo không thể không nhắc đến cặp chóe Tứ Linh “khổng lồ” với kích thước gần 2 người ôm và kỹ thuật chế tác đặc biệt khi được gia công hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật vuốt gốm cổ truyền.  Năm 2010, khi tham gia dự thi Nghệ nhân và chào đón sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội , anh Đạo đã lên ý tưởng thực hiện một tác phẩm mới lạ, riêng biệt và đáng để ghi nhận. Cho đến khi anh trình bày ý tưởng muốn làm một sản phẩm kích thước hai mét rưỡi thì tất cả mọi người đều sửng sốt và không tán thành. Đặc biệt, hiểu được xác suất thành công là rất thấp, chị Trinh hết mực khuyên ngăn phản đối và cho đó là việc làm “điên khùng”. Vượt qua mọi khó khăn, với tinh thần quyết tâm, anh Đạo đã thuyết phục chị Trinh vay tiền, thuê xưởng và tập trung thời gian gần 1 năm để hoàn thiện. Quả thực ông trời không phụ lòng người, sau gần một năm chuẩn bị, với chi phí hơn 250 triệu đồng và  6 ngày đêm thức trắng để canh lò nung , tác phẩm của anh Đạo đã thành công để kịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. 

 Hình ảnh Cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất.

Cặp chóe Tứ linh cao 2,5m rộng 1,3m nặng 500kg nổi bật với kích thước hai người ôm lớn nhất từ trước đến nay. Các hoạt tiết vẽ tứ linh (long, lân, quy, phượng) trên chóe được nghệ nhân vẽ cùng với và nước men rạn cổ mang nét đặc trưng của gốm truyền thống. Đến năm 2016 tác phẩm được trao bằng kỷ lục Việt Nam và công nhận là: “Cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất”. 

“Thổi hồn” cho những tác phẩm gốm riêng biệt 

Cho đến ngày nay, nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng với nghề gốm và cũng đã vực dậy được nghề vuốt gốm truyền thống đang dần bị lãng quên. Dần dần, đã có rất nhiều các bạn trẻ lựa chọn theo nghề gốm thủ công cổ truyền. Chị Mỹ Trinh tâm sự: “Tôi thấy rất vui vì bây giờ Anh Đạo không chỉ có một mình mà đã có những thế hệ trẻ kế cận hiểu về giá trị và muốn giữ nghề. Thế nhưng, tôi cũng cảm thấy buồn vì các bạn tuy trẻ nhưng lại không có sự sáng tạo, dập khuôn, sao chép các tác phẩm của Anh Đạo. Người làm nghệ thuật thì phải có sự sáng tạo và luôn luôn sáng tạo”.

 Từ những cục đất vô tri, vô giác qua bàn tay "phù phép" của anh, trở thành những chiếc bình, thạp, những lọ hoa… nghệ thuật độc đáo.

Mỗi tác phẩm của người nghệ nhân luôn được sáng tạo dựa trên cảm hứng và cảm xúc, mang trên mình một câu chuyện và thể hiện nét riêng của từng người. Nghệ nhân Phạm Anh đạo luôn tự tin và khẳng định nét riêng các sản phẩm của anh khi đặt giữa các tác phẩm giống nhau thì khách hàng nhất định sẽ nhận ra. 

Trước kia, khi được vợ khuyên thuê thêm thợ vuốt để đỡ vất vả và phát triển kinh tế nhưng anh Đạo tuyệt nhiên không đồng ý. Anh luôn muốn mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, “độc bảng” mang thương hiệu Phạm Anh Đạo. Với tài năng thiên bẩm cùng sự rung cảm với nghệ thuật anh Phạm Anh Đạo lĩnh hội được những tinh tuý mà cha ông ngàn năm đúc kết. Để rồi giờ đây người nghệ nhân ấy đã “truyền lửa” cho các thế hệ sau, đưa nghề gốm vuốt tay trở lại với làng gốm Bát Tràng sau một thời gian bị quên lãng.

 Trong một góc showroom anh Đạo đã đặc biệt trưng bày Danh  hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” là sự ghi nhận những đóng góp và cống hiến của anh với  nghề gốm vuốt tay. 

 Showroom trước nhà liền kề với lò gốm của nghệ nhân Phạm Anh Đạo là nơi hội tụ những tác phẩm gốm mà anh tâm đắc nhất. 

 

Thu Mai - Báo in K40

Phản hồi