Danh mục Thứ Tư, 08/01/2025

Chuyên đề \

Những chuyến bay đầu tiên trong hành trình bảo vệ bầu trời Tổ quốc

20:16 05-01-2025
Trung đoàn Không quân 920 (trực thuộc Trường Sĩ quan Không quân) là “cái nôi” duy nhất tại Đông Nam Á chuyên đào tạo phi công quân sự. Phát huy truyền thống“nắm vững khoa học kỹ thuật bay lên làm chủ bầu trời”, nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nơi chắp cánh ước mơ bay cao

Hiện nay, trung đoàn Không quân 920 đã đóng quân và hoạt động trên nhiều sân bay thuộc các địa phương khác nhau như: Biên Hòa (Đồng Nai), Phan Rang (Ninh Thuận), Phù Cát (Bình Định), Nha Trang, Cam Ranh (Khánh Hòa). Đặc biệt, Trung đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ cơ động chuyển quân từ sân bay Cam Ranh đến đóng quân và triển khai thực hiện nhiệm vụ tại sân bay Phan Thiết (Bình Thuận). Từ năm 2003, Trung đoàn tiếp nhận nhiệm vụ huấn luyện phi công trên máy bay IAK-52. Đến nay, Trung đoàn đã đào tạo được hàng trăm chỉ huy bay, chỉ huy cất, hạ cánh và trên 36 khóa học với gần 1.000 phi công quân sự, góp phần tăng cường lực lượng, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trường Sĩ quan Không quân đã hoàn thành kế hoạch thả bay đơn cho học viên phi công quân sự Khóa 49 trên máy bay IAK-52. (Ảnh: NVCC)

Trong quá trình huấn luyện, đơn vị thường xuyên theo sát để đảm bảo chất lượng học viên, đánh giá đúng xu hướng phát triển toàn diện của học viên cả về thể lực, kỷ luật, tâm lý, sức khoẻ, kiến thức và kỹ thuật bay. Đơn vị cũng bám sát vào các tiêu chí, tiêu chuẩn khi kiểm tra bay, không châm chước, hạ thấp tiêu chuẩn; không gượng ép, chạy theo số lượng; thực hiện đúng các quy định trong tổ chức điều hành bay, duy trì nghiêm việc học tập lý thuyết, ôn tập về xử lý bất trắc.

Sau thời gian học lý thuyết và luyện tập dưới mặt đất, học viên phải bước vào giai đoạn thực hành “chuyển bài” đầy thử thách. Trong giai đoạn này, giảng viên hướng dẫn sẽ ngồi ghế sau để kiểm tra khả năng hạ cánh an toàn của học viên trước khi cho phép tham gia huấn luyện bay đơn. Nếu không hoàn thành, học viên sẽ bị dừng bay, chuyển sang học ngành khác, không được tiếp tục điều khiển máy bay. Để đảm bảo quá trình bay thành công, việc chuẩn bị kiến thức vững chắc là điều kiện tiên quyết. 

Năm 2020, Thượng sĩ Trần Nguyên Vũ ( sinh năm 2002, Cao Bằng) sau khi xuất sắc vượt qua 3 vòng kiểm tra gắt gao của Viện Y học Phòng không - Không quân và đủ điều kiện học tập tại trường đã chia sẻ: “Tôi luôn nỗ lực nghiên cứu và tích cực tập luyện dưới mặt đất để chuẩn bị cho tất cả các tình huống có thể xảy ra. Hơn nữa, tôi cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ điều kiện khí tượng để luyện tập sát với thực tế, đảm bảo khi lên máy bay thực hành có thể làm tốt, thực hiện an toàn, đảm bảo chất lượng cao nhất”.

Thượng sĩ Trần Nguyên Vũ nuôi dưỡng niềm ngưỡng mộ đối với những chiến sĩ không quân quả cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khát vọng được ngắm nhìn đất nước từ trên cao càng thôi thúc anh nỗ lực hơn mỗi ngày. (Ảnh: NVCC) 

Trong quá trình kiểm tra an toàn bay, tâm lý là yếu tố quan trọng, phải thật vững vàng để điều khiển máy bay theo đúng ý muốn, kiểm soát số liệu, kiểm tra đường bay, linh hoạt trong mọi cử động để đảm bảo mỗi khi thay đổi trạng thái máy bay đều ổn định. “Trong quá trình thực hiện, tôi khá căng thẳng nhưng luôn tự dặn dò bản thân phải bình tĩnh, không được để sự căng thẳng khiến mình trở nên lúng túng, sợ hãi. Căng thẳng sẽ khiến thực hiện động tác bị thô, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng bay” thượng sĩ Trần Nguyên Vũ tâm sự.

Hành trình chinh phục bầu trời

Tại Trường Sĩ quan Không quân, ngày làm việc bắt đầu trước 4 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ. Lịch trình dày đặc bao gồm 2 giờ rèn luyện thể lực mỗi buổi chiều, tập trung phát triển sức mạnh, sức bền và phản xạ qua các bài tập như lên xà, chạy bộ, bơi lội, cử tạ, bóng chuyền, bóng rổ. Đặc biệt, các học viên còn được huấn luyện các kỹ năng đặc thù như đu quay xuôi, ngược, thang quay, vòng quay trụ, vòng lăn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thể chất khắt khe của phi công quân sự.

Trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường, để công tác huấn luyện đạt hiệu quả cao, học viên phải luôn duy trì thể lực và tinh thần tốt nhất. Trạng thái máy bay thường xuyên thay đổi theo ba trục của không gian, tốc độ thay đổi đột ngột. Những chuyển động của máy bay tạo ra các quá tải dọc, ngang, đứng tác động lên máy bay và phi công. Đặc biệt là những cơ quan liên quan đến điều khiển máy bay như tai, mắt, độ nhạy cảm của thần kinh, tâm lý, cơ bắp. 

Trong mọi hoàn cảnh đòi hỏi phi công phải tỉnh táo, phối hợp mọi giác quan, bộ phận để điều khiển máy bay theo đúng ý định, đồng thời cần có sự tương tác giữa phi công buồng trước, buồng sau, với các phi công trong biên đội, các máy bay khác và chỉ huy. Ngoài ra, phi công phải sẵn sàng đối mặt các trường hợp xấu khác như va chạm với các vật thể bay, công trình nhân tạo, thiên tạo (khi bay thấp), thời tiết, hỏng hóc phát sinh và giữ vững trạng thái sức khỏe, tâm lý. 

Trước ngày thực hành bay, các học viên sẽ phải chuẩn bị tài liệu giao nhiệm vụ từ cấp trung đoàn đến phi đội, thầy tổ đội, thầy hướng dẫn. Trong quá trình đó giáo viên sẽ hỏi về kiến thức đã học, nhắc nhở những động tác khiến máy bay rơi vào trạng thái phức tạp, cách kiểm tra số liệu khi bay, các động tác cần thực hiện và xử lý khi có sai lệch. Sau khi giao nhiệm vụ thực hành trong buồng lái, học viên sẽ được học cách nhìn đồng hồ sao cho hợp lý. Thời gian buổi tối sẽ luyện tập thêm bằng kính chắn gió cùng thầy hướng dẫn để kiểm tra và đưa ra cách sửa chữa sai lệch để học viên thực hành. Những học viên chưa được bay sẽ tiếp tục luyện tập, những người có kế hoạch bay sau khi hoàn thành sẽ tự nhận xét cùng với giảng viên để rút kinh nghiệm, giảng bình về chuyến bay đó.

Trải qua những ngày rèn luyện khó khăn, cảm giác hạnh phúc nhất là khi bản thân đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra, đủ điều kiện bay đơn, làm chủ máy bay, chinh phục bầu trời. “Khi đó, tôi rất hồi hộp, lo lắng, thầy giáo đã động viên tôi, hỗ trợ kiểm tra máy bay, đeo trang thiết bị và đứng cạnh ra kí hiệu khi tôi chuẩn bị bay. Đấy là sự động viên lớn nhất với tôi trong suốt quá trình bay, sau khi hoàn thành xong chuyến bay đơn, thầy đã đến, đội mũ bay của thầy cho tôi và nói: “chúc mừng em”, đây là dấu mốc cực kì quan trọng mà tôi không thể nào quên, trong quá trình phấn đấu và trưởng thành” thượng sĩ Trần Nguyên Vũ xúc động chia sẻ.

Niềm vui của Thượng sĩ Trần Nguyên Vũ (giữa) và các đồng đội sau khi hoàn thành chuyến bay đơn đầu tiên. (Ảnh: NVCC) 

Phòng không - không quân là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Trong quá trình phát triển của khoa học quân sự hiện nay lực lượng Phòng không - Không quân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ và giữ gìn bầu trời Tổ quốc. Hiện nay, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ bầu trời Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao, tính chất đa dạng, phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi phải có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, chính xác các tình huống tác chiến trên không, tuyệt đối không rơi vào thế bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ, nhất là trên hướng biển, đảo.

Khánh Linh, Hương Giang - Báo in K42

Phản hồi