Tiếng bom đạn đã tắt, khói lửa chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng trong tâm khảm người Việt, ký ức về một thời khói lửa vẫn còn vẹn nguyên. Ký ức ấy sống dậy mãnh liệt qua từng trang nhật ký, nơi lưu giữ những tâm tư, tình cảm chân thật nhất của người lính. Những dòng tự sự tưởng chừng riêng tư lại chứa đựng tinh thần của cả một dân tộc, hơi thở của thời đại, trở thành nguồn cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay.
Những người con ưu tú của đất nước
Hai cuộc kháng chiến cứu nước đã chứng kiến sự hy sinh của biết bao thanh niên tuổi đôi mươi. Mặc dù đã ra đi nhưng thế hệ ấy để lại những giá trị tinh thần cao đẹp, sống mãi trong những dòng tự sự được viết vội trên những chặng đường gian khổ. Nhật ký thời chiến tái hiện một cách chân thực bức tranh về cuộc chiến tàn khốc, tình yêu nước mãnh liệt, những mối tình lãng mạn nhưng đầy trắc trở, giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về một giai đoạn lịch sử đã qua.
Đi giữa những trang sử vàng, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm là hai cuốn nhật ký nổi tiếng được phát hành hàng triệu bản, được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội (1966), bác sĩ Đặng Thùy Trâm xung phong vào Nam, nơi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là cuốn nhật ký ghi lại những dòng tự sự chân thực của chị, hé lộ chân dung một người con gái Hà Nội dũng cảm, sẵn sàng dấn thân vào nơi khói lửa chiến tranh, quyết tâm sống một cuộc đời ý nghĩa, không hoài phí tuổi thanh xuân.
Là tấm gương sáng cho sự hy sinh của tuổi trẻ, trong nhật ký, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết: “Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con luôn tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc”. Tuy ngòi bút của chị đã dừng lại nhưng những trang nhật ký bỏ trống ấy như lời nhắc nhở cho thế hệ hôm nay về sự hy sinh cao cả và trách nhiệm tiếp nối.
Giống như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc là bức chân dung sống động về một thế hệ anh hùng không sợ gian khổ hy sinh. Đối với anh, tình yêu nước không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà còn là một phần máu thịt, gắn liền với những cảm xúc cá nhân sâu sắc của người thanh niên lần đầu mặc áo lính.
Trong vai trò người lính trẻ, Nguyễn Văn Thạc thể hiện lòng dũng cảm và ý chí kiên cường trước quân thù, không hề nao núng trước hiểm nguy, luôn tiên phong nhận lãnh những nhiệm vụ gian khó. Anh từng khẳng định: “Dù phải hy sinh, tôi cũng không bao giờ ân hận. Tôi tin rằng, mỗi giọt máu đổ xuống sẽ góp phần gìn giữ quê hương, bảo vệ cuộc sống thanh bình cho thế hệ sau”.
Không chỉ dừng lại ở hai tác phẩm, với chiều dài lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc còn lưu giữ vô vàn những dòng tự sự khác, được viết bởi những người lính từ mọi mặt trận, trên khắp mọi miền đất nước.
Có thể kể đến “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Minh Sơn) cùng với những ghi chép quý báu của các văn nghệ sĩ: “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường” của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của TS. Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn.
Như vậy, giữa bom đạn mịt mù của chiến trường, nhật ký thời chiến ra đời, chất chứa những lời tâm sự thầm kín nhất của người lính - những người luôn tự hiểu rằng có thể họ sẽ không bao giờ trở về. Mỗi cuốn nhật ký là một góc nhìn riêng nhưng tất cả đều tái hiện chân thực sự khốc liệt của chiến tranh, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đến nghẹt thở.
Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại
Nhật ký thời chiến, hơn cả những trang giấy ghi chép sự kiện mang trong mình một sức mạnh đặc biệt: đó là cầu nối vô hình nhưng bền chặt giữa các thế hệ. Dù chiến tranh đã chấm dứt, những trang tự sự nhuốm màu thời gian ấy vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật, là nhịp cầu kết nối các thế hệ qua những ký ức chung về một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Theo bài viết “Nhật ký thời chiến Việt Nam” đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 20/04/2020, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương.
Quả thực, những trang nhật ký đã trở thành chứng nhân sống động của lịch sử, giúp thế hệ sau hình dung chân thực về cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của cha ông. Chính những cảm xúc chân thực, những trải nghiệm sống động được ghi lại trong nhật ký đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc giữa các thế hệ. Song hành với ý nghĩa ấy, nhật ký thời chiến cũng là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình và sự hy sinh cao cả, tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ theo sau.
Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Xuân trong cuốn nhật ký của mình luôn là một Vũ Xuân nhiệt huyết, sống có lý tưởng, mục đích, luôn nhắc nhở đồng đội và cũng là tự nhắc mình: “Thế hệ thanh niên chúng ta, những người đang sống và chiến đấu chống Mỹ, có trách nhiệm bàn giao nguyên vẹn giang sơn gấm vóc này cho con cháu mai sau”. Đồng thời, ông cũng gửi gắm kỳ vọng vào thế hệ kế tiếp: “Hãy chăm chỉ học hành, rèn luyện đạo đức, sẵn sàng đón nhận di sản vô giá được đánh đổi bằng máu xương của các anh”.
Ngày nay, các triển lãm đóng vai trò như một cầu nối, đưa thế hệ trẻ đến gần hơn với quá khứ. Thông qua việc trưng bày và giới thiệu các hiện vật, nhật ký chiến trường, triển lãm tạo ra một không gian tương tác, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của độc lập, tự do và hòa bình. Được đọc và cảm nhận những trang tự sự thời chiến, thế hệ trẻ từ đó hiểu rõ hơn về những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, được khơi dậy lòng biết ơn, trân trọng những giá trị hiện tại và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Không thể phủ nhận, những trang nhật ký thời chiến đã và đang làm tốt vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người đã ngã xuống và những người đang sống. Trân trọng và gìn giữ những trang viết này chính là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với lịch sử và tương lai của đất nước.
Phản hồi