Chuyến đi thực tế chính trị - xã hội hai ngày tại Quảng Ninh, lớp Truyền thông Đa phương tiện K38 – Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã làm việc hết sức tích cực, tìm hiểu về thực tế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… tại địa phương tỉnh Quảng Ninh. Trong chuyến đi, đoàn đã làm việc tại Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (viết tắt là QMG), tham quan và tìm hiểu về khu di tích lịch sử & danh thắng Yên Tử. Từ đó, đã giúp các bạn sinh viên cơ bản hình dung được công việc và nghề nghiệp tương lai. Đây được xem là chuyến đi vào nghề đầu tiên đầy bổ ích của các bạn sinh viên Truyền thông Đa phương tiện K38.
Vào 8h00 sáng ngày 26/10, đoàn sinh viên lớp Truyền thông Đa phương tiện K38 bắt đầu di chuyển hành trình từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền tới Quảng Ninh. Đến 14h30, ba thầy cô dẫn đoàn cùng 41 sinh viên đã làm việc tại Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh – nơi đi đầu trong việc chuyển đổi số và xây dựng các thiết chế truyền thông theo mô hình hội tụ và đa phương tiện. Đoàn nhận được sự đón tiếp nồng hậu với những thông tin chia sẻ sát sườn từ phía Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, các bạn sinh viên được lắng nghe những chia sẻ về mô hình tổ chức của một tòa soạn hội tụ, được tìm hiểu về tình hình chính trị - xã hội tại địa phương, đặc biệt được tham quan tiếp cận các phòng ban nằm trong mô hình tổ chức tòa soạn hội tụ và được lắng nghe những chia sẻ từ các anh chị đang phụ trách thực hiện các sản phẩm đa phương tiện (infographic, e-magazine, longform, megastory,…).
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được thành lập theo Quyết định số 1276- QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan thông tin báo chí gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ninh, Báo Hạ Long, Cổng thông tin điện tử tỉnh. Đây là cơ quan báo chí cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước hợp nhất theo mô hình mới. Hiện nay, Trung tâm Truyền thông tỉnh có hai cơ sở, trong đó cơ sở hoạt động chính nằm: Tầng 2, Liên cơ quan số 4, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Theo nhà báo Nguyễn Văn Trường – Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh: “Việc hợp nhất 4 cơ quan thông tin báo chí tạo tính thống nhất, hội tụ về cùng một cơ sở chính trị, kinh tế, dữ liệu và kỹ thuật nhằm tối ưu hóa mô hình tổ chức, từ đó đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất các chủ trương, chính sách của Đảng. Tổ chức theo mô hình tòa soạn hội tụ, đòi hỏi các phóng viên phải làm sản phẩm trên nhiều loại hình báo chí cùng lúc, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho các phóng viên, nhà báo và mở rộng đón nhận nguồn nhân lực mới chất lượng”.
Các bạn sinh viên đi tham quan các phòng ban và trò chuyện cùng các anh chị phụ trách mảng về đa phương tiện. Anh Bùi Tất Đạt – chịu trách nhiệm về mảng thiết kế đồ họa (Phòng biên tập Báo Quảng Ninh điện tử và Cổng thông tin) chia sẻ quy trình tạo ra một sản phẩm đa phương tiện (e-magazine, longform,…): “Đầu tiên, các bạn sẽ được nhận kế hoạch từ Phòng, sau đó các phóng viên sẽ đi chụp ảnh và phỏng vấn lấy thông tin dữ liệu để viết bào. Bài viết sẽ được đưa về phòng Biên tập để biên tập lại về mặt nội dung và hình ảnh. Sau khi hoàn chỉnh và thống nhất về phần nội dung, bài viết sẽ được đưa về phòng đồ họa để thiết kế và làm sản phẩm đa phương tiện. Sản phẩm cuối cùng sẽ được đưa lên Phó phòng biên tập Báo Quảng Ninh điện tử và Cổng thông tin duyệt lần 1. Trưởng phòng sẽ là người phê duyệt về hình ảnh, nội dung cuối cùng và quyết định cho xuất bản sản phẩm hay cần sửa chữa gì về mặt nội dung, hình ảnh, thiết kế trước khi đăng tải”. Theo anh Đạt, bên cạnh việc phải tuân theo đầy đủ các bước trong quy trình, đôi khi làm việc cũng gặp phải những khó khăn: một số phóng viên ảnh thì chụp chưa đúng ý đồ nên phải đi tìm thêm nguồn ảnh ở bên ngoài hoặc yêu cầu họ đi chụp lại, khiến chậm kế hoạch lên bài,… Để khắc phục được những khó khăn này, đầu tiên trước khi đi tìm nguồn dữ liệu thông tin, ảnh thì phóng viên và bên thiết kế đồ họa cần thảo luận và thống nhất ý tưởng với nhau trước là tốt nhất.
Bên cạnh đó các bạn được tiếp cận với các phòng quay dựng của chương trình truyền hình QTV1 và QTV2, làm quen với phòng thu của kênh phát thanh QNR1 và QNR2, trường quay chương trình Dự báo thời tiết tỉnh Quảng Ninh,… Cùng với tinh thần làm việc tích cực, đây cũng là cơ hội để tập thể lớp Truyền thông Đa phương tiện có những hoạt động vui chơi gắn kết các thành viên. Kết thúc buổi làm việc hiệu quả, tất cả các thành viên đã có một buổi tối đầy thú vị ở Bảo tàng Quảng Ninh. Ban cán sự lên kế hoạch tổ chức các trò chơi và nhận được sự háo hức tham gia của mọi người.
Sáng ngày 27/10, đoàn tiếp tục di chuyển về tham quan và tìm hiểu khu di tích lịch sử & danh thắng Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Tại Yên Tử, thầy cô cùng các bạn sinh viên được giới thiệu về lịch sử và tham quan quần thể khu di tích danh thắng Yên Tử. Sau hai chặng cáp treo và hành trình đi bộ, cả đoàn đã chinh phục và lên được đến chùa Đồng. Yên Tử lưu giữ những giá trị cao quý về lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Đây là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tu khổ hạnh và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa, một dòng Thiền nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc.
Cùng thời điểm này, các lớp K38 – Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức đi thực tế tìm hiểu tình hình chính trị xã hội ở các địa phương khác: Báo In K38 đi tới tỉnh Hòa Bình, Báo Ảnh K38 tìm hiểu địa phương tỉnh Thái Nguyên, Truyền thông Đại chúng K38 tìm hiểu thực tế tại Lạng Sơn và thu được nhiều kết quả tốt.
Phản hồi