Tham dự hội thảo có ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới; bà Trần Thị Bích Loan – phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới; các chuyên gia đến từ UNWomen; cùng hơn 40 đại biểu đại diện đến từ các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Trần Thị Bích Loan nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc vận động chính sách. Vấn đề này nhằm xây dựng cơ chế để đảm bảo tài chính cho các cam kết bình đẳng giới sẽ được thực thi với nguyên tắc "Không ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Đại diện cho nhóm chuyên gia, bà Phạm Thu Hiền chia sẻ những tồn tại, khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020; từ đó đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược bình đẳng giới trong các giai đoạn 2021-2030. Cụ thể là vai trò của người đứng đầu và trách nhiệm giải trình; đầu tư nguồn lực; công tác thẩm định, đánh giá, giám sát và báo cáo về bình đẳng giới; sự phối hợp giữa liên ngành và trong ngành; việc xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp nhằm tiếp tục giải quyết những mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được trong giai đoạn này.
Với quan điểm: “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công tác bình đẳng giới là một nội dung xuyên suốt trong các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân Việt Nam”, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận đóng góp ý kiến cho mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của dự thảo Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030:
Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Minh – đại diện cho nhóm chuyên gia cũng đã đưa ra những vấn đề về bất bình đẳng giới cần ưu tiên giải quyết trong giai đoạn 2021-2030, cụ thể: Định kiến giới còn nặng nề, là rào cản chủ yếu đối với những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới; Phụ nữ chưa được tham gia một cách bình đẳng vào quá trình ra quyết định những vấn đề lớn ở tất cả các cấp; Bất bình đẳng giới trong kinh tế, lao động, việc làm hạn chế cơ hội phát triển và đóng góp của phụ nữ; Bất bình đẳng trong giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực làm hạn chế cơ hội việc làm có chất lượng; Bất bình đẳng giới trong sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số làm gia tăng bất bình đẳng xã hội; Bất bình đẳng trong gia đình, đặc biệt là trong phân công lao động gia đình và các tập quán bất bình đẳng đang hạn chế sự phát triển toàn diện của phụ nữ; Bạo lực giới diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng ở một số dạng, vi phạm quyền của phụ nữ và tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của phụ nữ; Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường còn chưa quan tâm đầy đủ đến nhu cầu và lợi ích của mỗi giới; Năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới chưa đồng đều và còn mang tính hình thức.
Trên tinh thần tham vấn, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được xây dựng trên cơ sở: Xác định các vấn đề bình đẳng giới là trọng tâm và các giải pháp mang tính chiến lược trong giai đoạn 2021-2030. Từ đó đảm bảo phù hợp với pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và của Việt Nam, Công ước CEDAW và các cam kết quốc tế khác có liên quan.
Phản hồi