Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Chuyên đề \

“Giữ lửa” tinh thần người lính

00:00 27-04-2024
“Giữ lửa” tinh thần người lính -0
  

15 tuổi gia nhập quân ngũ, trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Bắc 1952, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954… Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh (92 tuổi) luôn trân quý những đóng góp của mình cho đất nước. Đến thời điểm hiện tại, ông còn có thêm niềm tự hào khi con cháu đều một lòng ghi nhớ công lao của thế hệ ông cha.

Trưởng thành trong gia đình có 2 thế hệ theo nghiệp nhà binh, anh Phùng Tiến Đạt (29 tuổi) - cháu Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, được giáo dục về tinh thần yêu nước qua những cuộc chiến mà ông kể lại. Đối với anh Đạt, trận chiến đầu tiên của ông tại Bản Pùm, Bắc Kạn là câu chuyện khiến anh có ấn tượng sâu sắc nhất.

“Trong trận đánh ở Bản Pùm, Bắc Kạn, khi tiểu đội của ông mình bị tập kích bất ngờ, ông đã nấp vào bụi cỏ và thoát nạn, nhưng một số đồng chí lại không may mắn như vậy. Ông đã trải qua cuộc chiến sinh tử đó vào năm 17 tuổi, độ tuổi còn rất trẻ. So sánh với mình, năm 17 tuổi vẫn tìm chỗ ăn, chỗ chơi, thì ông đã phải trải qua những phút giây bom đạn và có thể đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào. Điều ấy làm mình cảm thấy rất trân trọng những gì mà ông cũng như những người lính cụ Hồ đã làm và mang đến độc lập hoà bình ngày nay”, anh Đạt chia sẻ.

 

Nhận được sự giáo dục từ gia đình có truyền thống cách mạng, anh Đạt được nuôi dưỡng và rèn giũa lối sống kỷ luật. Theo anh Đạt, tinh thần người lính Bộ đội Cụ Hồ đã ăn sâu vào máu thịt của 2 thế hệ đi trước và điều đó giúp chàng trai 29 tuổi trưởng thành, vững bước trong cuộc sống cũng như công việc.

“Việc sống trong thời chiến khiến ông mình có lối sống rất quy củ. Ví dụ như trong bữa cơm, ông thường ông ăn rất nhanh, trong các cuộc hẹn, ông thường đến sớm hơn đến cả tiếng đồng hồ, hay như việc ông sẽ có một thời gian cố định để tập thể dục hàng ngày. Ảnh hưởng từ lối sống của ông, cũng như gia đình, mình đã hình thành tính tự lập, luôn cố gắng tự làm tất cả những gì mình có thể”, cháu Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.

 

Anh Đạt cũng cho biết thêm, việc “làm nên đất nước” có ý nghĩa rất lớn đối với ông, niềm tự hào ấy càng trở nên lớn hơn khi ông được trao huân chương độc lập hạng 3. 

“Đối với mình, ông là gia đình, là người dẫn dắt, chỉ dẫn mình bước đi trong cuộc sống. Nhưng ở một góc độ khác, mình nhìn nhận ông trong hình ảnh của một người lính cụ Hồ, ông và đồng đội là những người đi trước là nền móng, là viên gạch đã xây dựng lên một thời kỳ hòa bình như hiện tại”, anh Đạt chia sẻ.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Những ngày tháng Tư lịch sử, trong bồi hồi tưởng nhớ những hy sinh của thế hệ cha ông, Bùi Vân Chi (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) không giấu khỏi cảm xúc nghẹn ngào khi nhắc về ông nội - người anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong chiến dịch Tết Mậu thân năm 1968.

“Năm 1968, để tăng cường lực lượng cho chiến dịch giải phóng miền Nam, ông nội đã quyết định tái ngũ. Năm 1975 khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bộ đội trong làng ai đi cùng đợt với ông mình đều trở về… trừ ông. Lúc đó bà mình mới lên xã tìm thông tin và nhận được giấy báo tử” - Vân Chi tâm sự.

 

Dù chưa từng gặp ông, nhưng những ký ức về ông qua lời kể của bà vẫn mãi nằm sâu trong trái tim Vân Chi. Bên cạnh đó, Vân Chi luôn tự hào khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tự hứa với bản thân sẽ cố gắng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Vân Chi cũng chia sẻ rằng, chiến tranh qua đi, thứ còn lại đến ngày nay là chiến thắng, nhưng cũng còn là những mảnh đời bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, là những gia đình mãi thiếu vắng đi hình bóng người thân. Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn cả những nỗi đau về tinh thần. 

“Những ngày này, người ta thường nói về chiến thắng, nhưng mình mong rằng, mỗi người hãy luôn ghi nhớ, có hàng ngàn cựu chiến binh đang phải sống một cuộc đời bị ảnh hưởng nặng nề bởi những vết thương chiến tranh, có hàng triệu gia đình vẫn còn đau đáu nỗi mất mát không thể nào quên…” - Vân Chi nói.

Với Vân Chi, những người lính luôn có vị trí thật đặc biệt. Vì sự nghiệp giải phóng đất nước và lý tưởng cách mạng, những chiến sĩ đã nhường lại phía sau cuộc sống cá nhân, gia đình để “đi không tiếc đời mình”. Nhắc nhở không chỉ riêng Vân Chi mà thế hệ trẻ hôm nay, phải làm sao để xứng đáng với những gì mình nhận được, xứng đáng với những gì mà “đất nước” đã đánh đổi bằng xương máu.

Ngọc Mai, Thảo Phương - Báo mạng K41

Phản hồi