Từng được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong số 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam trong năm 2017, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), đã trở thành “nữ anh hùng” trong lòng những người yếu thế, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ bị tổn thương bởi sự kỳ thị và bạo lực giới.
Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được quan tâm từ rất lâu. Thực tế cho thấy phụ nữ và trẻ em vẫn là những người chịu nhiều tổn thương bởi bạo lực nhiều nhất, trong đó bao gồm cả bảo lực tinh thần, bạo lực cơ thể và bạo lực tình dục. Là người đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng cho những người yếu thế trong xã hội, bà Nguyễn Vân Anh đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA). Cho tới bây giờ, CSAGA luôn được mọi người nhắc đến với một tinh thần nhân văn: giúp mọi người được sống là chính mình với khát khao xây dựng xã hội tốt đẹp.
Chia sẻ về những trăn trở của mình, bà Nguyễn Vân Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em. Bà cho biết: Theo số liệu nghiên cứu, có đến 87% phụ nữ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị quấy rối tình dục ít nhất một lần trong đời. Vấn nạn quấy rối tình dục đã tồn tại từ rất lâu thế nhưng thật may mắn khi hiện nay các phong trào xã hội và các phương tiện truyền thông luôn sẵn sàng để lên tiếng phê phán.
Cụ thể, theo bà, truyền thông đã giúp mọi người nhận ra sự phi lý, tồi tệ của vấn nạn quấy rối tình dục. Tiêu biểu là vụ quấy rối tình dục trong thang máy bị phạt 200.000 đồng khiến dư luận hết sức bất bình. Đáng mừng hơn là nạn nhân bị quấy rối cũng dám lên tiếng tố cáo. Đó chính là bước tiến lớn trong việc nâng cao nhận thức toàn xã hội về vấn đề quấy rối tình dục.
Bàn luận sâu hơn về vấn đề này, bà khẳng định: Không thể biện luận cho kẻ quấy rối tình dục rằng lỗi do nạn nhân ăn mặc hở hang. Một người dù mặc trang phục như thế nào cũng không ai có quyền quấy rối tình dục họ.
CSAGA đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ vì một xã hội văn minh, bình đẳng, nơi mà người yếu thế không bị bỏ rơi. Thế nhưng, để tạo lập được một thế giới lý tưởng như vậy cần sự chung tay của cả cộng đồng và thật đáng mừng khi đã có những tín hiệu lạc quan cho thấy sự thay đổi tích cực trong xã hội này. Một trong những điều tuyệt vời ấy là việc các trường đại học đã ra thông qua các quy định, quy chế cho sinh viên về việc không chấp nhận các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại tình dục, … Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong hai trường đại học đầu tiên của cả nước thông qua quyết định này và đã có những hoạt động thiết thực nhằm đẩy lùi vấn nạn quấy rối tình dục, thúc đẩy bình đẳng giới.
CSAGA có rất nhiều các chương trình phối hợp với các đơn vị truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, giúp mọi người hiểu bản chất của xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó, CSAGA cũng tạo ra các chương trình, sự kiện cho cả nam giới và nữ giới nhằm cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, các hành vi quấy rối tình dục, bạo lực tình dục và đặc biệt là khích lệ những nạn nhân không nên im lặng.
“Tình dục vẫn luôn là một vấn đề được giấu kín nhưng nếu im lặng thì sẽ dẫn đến một kết quả xấu vì kẻ tấn công tình dục có thể sẽ tiếp tục hành vi của mình. Do đó, hãy lên tiếng, cùng nhau góp sức để giảm thiểu các vụ việc quấy rối tình dục. Tôi tin tưởng vào những điều tốt đẹp” - Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).
Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền cho nhóm phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi kỳ thị và bạo lực tại Việt Nam.
Phản hồi