Danh mục Thứ Tư, 23/10/2024

Tiêu điểm \

Tràn lan giết mổ gia cầm gây ô nhiễm môi trường ở các khu chợ cóc

20:00 08-11-2023
Chợ tự phát hay còn gọi là chợ cóc vẫn đang tồn tại ở những nơi đông dân cư, các tuyến đường nhiều người qua lại trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tình trạng giết mổ gia cầm tại các khu chợ này ngày càng nhiều, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các hộ dân xung quanh.

“Hô biến” vỉa hè thành nơi giết gà mổ ngan

Hà Nội là địa phương có dân số đông, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 732 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp, ngoài ra là các cơ sở giết mổ thủ công. Hiện mới chỉ kiểm soát được hơn 60% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn, số còn lại tại các điểm giết mổ tự phát đang bị thả lỏng. 

Tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội, thực trạng người dân họp chợ cóc diễn ra suốt nhiều năm nay. Ngay tại ngõ 70, đường Nguyễn Hoàng (Mai Dịch), chợ cóc ở đây họp đều đặn hàng ngày, bày bán nhiều loại mặt hàng khác nhau. Đáng nói, phần đường đi dành cho các phương tiện giao thông cũng bị các khu chợ này chiếm lấy để bán hàng. Còn trên vỉa hè, những người buôn bán gia cầm cũng “tiện” lấy luôn làm nơi mổ gà, ngan, vịt,...

Vỉa hè bị chiếm làm nơi bán hàng và giết mổ gia cầm tại ngõ 70, đường Nguyễn Hoàng. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Theo quan sát của phóng viên, tại mỗi điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ luôn có một nồi nước sôi dùng cả ngày để làm lông chung cho hàng trăm con gia cầm. Bên cạnh đó là một vài chiếc chậu khác để vặt lông, dao và kéo để lăn lóc trên đất. Nước thải do không có chỗ thoát nên tràn lênh láng từ trên vỉa hè ra đường, bốc mùi nồng nặc, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người xung quanh. Đặc biệt, ở khu vực gần chợ cóc này còn có nhiều hộ dân sinh sống, quán ăn, quán cà phê và cả trường mầm non. Việc “sống chung với lũ” dường như không còn xa lạ với nhiều người ở nơi đây. 

 Những bát tiết khi mổ gà, ngan được đặt ngay dưới nền đất, rất mất vệ sinh. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Đây cũng là tình trạng ở khu vực Pháo Đài Láng (Đống Đa). Nguyên một con phố gần như bị biến thành nơi họp chợ của riêng các tiểu thương, tấp nập và đông đúc người mua bán. Các tụ điểm giết mổ ngay tại chỗ luôn trong tình trạng bốc mùi, bẩn thỉu, nước thải không được xử lý đảm bảo vệ sinh.

Bu nhốt gà và chỗ mổ gà được để cạnh nhau ngay trên vỉa hè. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Chị N.T.H (tiểu thương tại chợ cóc) cho hay: “Chợ lớn thì xa nhà nên đành phải ngồi ở mấy cái chợ cóc như này. Khách mua gà thì họ hay muốn thuê mình mổ luôn để chỉ việc cầm về thôi. Mà bây giờ không tiện chỗ có nước để thay mới nên cũng đành chịu. Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo”. Vì “miếng cơm manh áo” mà người bán hàng vô tư giết mổ gia cầm ngay trên vỉa hè. Còn người mua dù biết ô nhiễm nhưng vẫn cho qua. Cứ thế, vòng tròn kẻ mua người bán và tình trạng mất vệ sinh do giết mổ gia cầm tự phát kéo dài suốt nhiều năm. 

Giải pháp nào cho các điểm mổ gia cầm ở chợ cóc?

Việc các tiểu thương giết, mổ gia cầm ngay trên vỉa hè trong suốt nhiều năm gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân xung quanh. Người đi bộ thì không có vỉa hè, giao thông thì bị ùn tắc do nhiều mặt hàng được bày bán tràn xuống lòng đường hay xe cộ của người mua chắn ngang lối đi. 

Do không có hệ thống thoát nước nên mỗi khi trời mưa là mặt đường lại lầy lội, kèm theo cả phân, lông gà, vịt đổ lênh láng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Sau mỗi buổi tan chợ, rác thải bị vứt ngổn ngang ngay tại khu họp chợ. Các tiểu thương ngang nhiên biến vỉa hè và cả lòng đường thành những bãi rác tự phát. “Họ họp chợ rồi giết mổ ngay trên vỉa hè, vì khu đấy nó là đường đi chứ nếu sát vách với cả nhà dân thì họ cũng làm ầm lên ngay. Nhưng mà nếu đi qua thì vẫn thấy mùi khó chịu lắm” - Chị Ngọc Mai (người dân sinh sống ở Dương Khuê, Cầu Giấy) bày tỏ.

Những bãi rác ngổn ngang sau buổi tan chợ. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Chị Hoàng Lan (Nguyễn Hoàng, Mai Dịch) chia sẻ: “Bây giờ cả gia đình đi làm bận rộn nên không có nhiều thời gian, chỉ xuống chợ ngay đây để mua đồ vì ở đây cái gì người ta cũng bán, lại gần nhà nên khá tiện”. Chính vì cái “tiện” trong suy nghĩ của nhiều người mà các chợ cóc vẫn đều đặn xuất hiện hàng ngày. Lực lượng an ninh trật tự đã tiến hàng kiểm soát, phạt hành chính các trường hợp vi phạm nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. 

Để giải quyết vấn đề này một cách dứt điểm, UBND thành phố Hà Nội cần đầu tư, quy hoạch, cải tạo, nâng cấp và phát triển các chợ trong khu vực nội thành để tiểu thương có đủ chỗ kinh doanh, buôn bán. Mặt khác, người tiêu dùng cũng nên thay đổi nhận thức và thói quen mua hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh trường hợp chỉ vì cái tiện lợi trước mắt, dẫn đến mua phải hàng hóa không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình ở cả hiện tại và sau này. 

Điều 18, Điều 19 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.
Nguyễn Ánh Ngọc - Báo in K41

Phản hồi