Danh mục Thứ Tư, 23/10/2024

Tiêu điểm \

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết đối với người từng mắc COVID- 19

01:24 08-11-2023
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết trên nền hậu COVID-19 rất đáng lo ngại. Người từng mắc COVID-19 nếu bị sốt xuất huyết thì khả năng gặp sốc phản vệ cao hơn khoảng 2 lần so với nhóm chưa từng nhiễm COVID-19. 

Cẩn trọng từ những triệu chứng đơn giản

Bạn Mỹ Giang (20 tuổi, Hà Nội) đã từng mắc COVID-19 vào đầu năm 2022 và bị sốt xuất huyết đầu năm 2023. Vào thời gian đầu mắc bệnh, gia đình Giang không hề nghĩ bạn đang sốt xuất huyết vì không xuất hiện những triệu chứng của bệnh.

“Những triệu chứng đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết như sốt cao, phát ban đỏ, chảy máu,... không diễn ra trên cơ thể mình trong tuần đầu. Điều ấy khiến hầu như mọi người đoán mình chỉ cúm mùa thông thường vì nhiệt độ của mình chỉ dao động quanh 38 độ. Trong tuần đầu ấy, mình thường xuyên ngủ thậm chí có những ngày mình ngủ hơn 21 tiếng. Vì lo lắng khả năng mình mắc chứng ngủ rũ nên gia đình đưa mình đi xét nghiệm tổng quát. Sau khi có kết quả, mọi người sốc trước thông tin mình bị sốt xuất huyết. Bác mình hiện đang làm bác sĩ ở bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nói có thể mình từng bị COVID-19 nên triệu chứng khác so với người bình thường" - Bạn Giang chia sẻ.

Bạn Đặng Mỹ Giang chia sẻ những dấu hiệu khác thường khi bị sốt xuất huyết. (Ảnh: NVCC) 

Vì phát hiện bệnh tương đối muộn, bạn Giang bị kéo dài thời gian điều trị lên tới hơn 20 ngày, gấp đôi số ngày của người bình thường (giao động 7-10 ngày nếu được điều trị kịp thời).

Một trường hợp khác, bạn Lê Thanh Vân (20 tuổi, Hà Nội) cũng từng mắc COVID-19 vào đầu năm 2021. Đến tháng 6 năm 2023, Vân bắt đầu có một vài triệu chứng cơ bản của bệnh sốt xuất huyết. Thanh Vân kể lại: “Mình đo nhiệt độ thấy lên tới 39 độ, mình và mẹ chỉ nghĩ đó là ốm, sốt virus bình thường. Thậm chí, mẹ mình đi ra hiệu thuốc hỏi thì họ cũng chỉ nói là do mình bị viêm họng, hoàn toàn không nghĩ bản thân bị sốt xuất huyết. Sau đó mình sốt dai dẳng, cứ ăn gì là nôn đó và bị mất vị giác. Đến ngày cuối cùng của tuần đầu tiên mắc bệnh, mình đỡ hơn nên trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên ngay trong ngày đầu tiên của tuần thứ 2, mình bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu, nôn mửa, phát ban. Sáng ngày thứ hai của tuần thứ hai, mình buộc phải xin nghỉ học để đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy mình bị sốt xuất huyết. Mình nằm viện 5 ngày, ngày nào cũng phải truyền dịch. Nhưng kể từ lúc nhập viện thì mình không bị sốt nữa, ngoại trừ men gan rất cao, nếu không cẩn thận có thể bị viêm gan".

Sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn khi từng nhiễm COVID-19

Hiện nay, trên thế giới chưa có nghiên cứu cụ thể liên quan mối quan hệ sốt xuất huyết và bệnh COVID-19. Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh phát biểu với tạp chí Đời sống và Sức khỏe vào tháng 6/2023 rằng: “Thông qua các trường hợp bệnh nhân đang chữa trị ở bệnh viện, chúng ta thấy số trẻ có nền bệnh COVID-19 có phản ứng viêm tăng rất nhiều so với những trẻ chưa từng nhiễm COVID-19”.

Bà Tạ Lan Phương - cựu bác sĩ trạm y tế quận Hoàn Kiếm, nay làm điều dưỡng tại nhà cho biết: “Nhiều người có tiền sử mắc COVID-19 khi gặp các triệu chứng sốt, mệt thì đa phần chủ quan không đi khám. Nếu người bệnh đi khám trễ hoặc điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến sốc kéo dài, tổn thương các cơ quan, suy đa tạng và có thể tử vong".

Bà Phương cho biết thêm, viêm đa hệ thống hậu COVID-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Vì những loại thuốc này có có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi virus Dengue và muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là động vật trung gian truyền bệnh. (Ảnh: Internet)

Tại Hà Nội, theo thống kê, vào đầu tháng 10, trên địa bàn thành phố tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với đầu tháng 9/2023). Như vậy, cộng dồn 9 tháng năm 2023, thành phố đã ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài. Các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (1.141 ca), Phú Xuyên (951 ca), Thanh Trì (928 ca), Thạch Thất (924 ca), Hà Đông (904 ca), Đống Đa (852 ca), Cầu Giấy (846 ca), Nam Từ Liêm (754 ca), Đan Phượng (744 ca), Thanh Oai (723 ca). Ngoài ra, Hà Nội có những đặc thù làm cho sốt xuất huyết có yếu tố tăng nhanh hơn so với các tỉnh khác thuộc khu vực miền Bắc, đó là giao thương đi lại nhiều, mật độ dân cư đông đúc làm cho muỗi dễ phát tán virus Dengue hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách phòng ngừa sốt xuất huyết là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy (thay nước bình hoa, cọ rửa dụng cụ chứa nước, thả cá bể chứa nước,…), giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng tránh muỗi đốt, tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy thông báo cho trạm y tế và đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế, không tự chữa bệnh.

Lê Hằng Giang - Báo in K41

Phản hồi