Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Thực trạng công nhận quyền của người chuyển giới

05:40 10-06-2023
Dù được công nhận là một nhóm đối tượng của xã hội nhưng việc đảm bảo quyền cho người chuyển giới hiện nay ở các quốc gia lại có sự khác biệt. Thể hiện ở ba nhóm đó là quốc gia công nhận quyền của người chuyển giới, phủ nhận quyền của người chuyển giới và hạn chế quyền của người chuyển giới. Vấn đề này đang để lại những hệ quả vô cùng nghiêm trọng và tác động trực tiếp tới cộng đồng người chuyển giới toàn cầu.

Vấn đề đảm bảo quyền của người chuyển giới tại các quốc gia

Khái niệm người chuyển giới (transgender) (NCG) là một khái niệm rộng, dùng để chỉ tất cả những người có bản dạng giới (cảm nhận bên trong của một người về việc họ là nam hay nữ, hay là một giới nào khác), thể hiện giới (cách một người cho thấy bản dạng giới của mình thông qua hành vi, quần áo, kiểu tóc, giọng nói, hay các đặc điểm trên cơ thể người đó) không giống với những chuẩn mực tương ứng với giới tính sinh học của họ. Khái niệm NCG có thể dùng để chỉ những người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học của họ. Có NCG nam (nữ sang nam) và NCG nữ (nam sang nữ).

 Người chuyển giới nên được công nhận quyền của họ một cách toàn diện. (Nguồn: Internet)

Hiện nay, mức độ thừa nhận quyền của nhóm LGBTQ+ nói chung và người chuyển giới nói riêng có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Dựa trên mức độ bảo đảm quyền của người chuyển giới tại các quốc gia, có thể chia thành các nhóm như: Nhóm các quốc gia công nhận đầy đủ quyền của NCG; Nhóm các quốc gia phủ nhận quyền của NCG và Nhóm các quốc gia công nhận hạn chế quyền của NCG. Ở một số quốc gia như Saudia, Arabia, Yemen, Nigeria,..quyền chuyển đổi giới tính không được ghi nhận, hay quan hệ đồng tính được coi là bất hợp pháp, thậm chí được quy định là tội phạm trong pháp luật hình sự của quốc gia đó như Saudi Arabia, Yemen, Nigeria. Ngược lại, “phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục là hành vi vi phạm” được quy định trong Hiến pháp của các quốc gia Thuỵ Điển, Mexico, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Nepal. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia như Châu Âu, quyền của NCG lại được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật riêng hoặc lồng ghép vào các luật hiện hành. NCG được tham gia quân đội như ở Ca-na-đa, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Đan Mạc, được tham gia vào bộ máy hành chính nhà nước một cách bình đẳng như tại Thái Lan.

 Tại Châu Âu, Thụy Điển được coi là quốc gia đi đầu trong phong trào đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người chuyển giới. Thụy Điển là một trong những quốc gia ghi nhận quyền của nhóm LGBTQ+ nói chung và quyền của NCG nói riêng ở mức độ cao nhất thế giới. Các quy định và pháp luật của nước này đã góp phần thay đổi nhận thức của thế giới về sự hợp thức hóa luật để người chuyển giới có một hành lang pháp lý thực sự phù hợp

Sự khác nhau về pháp luật của các quốc gia về bảo đảm quyền của NCG có thể xuất phát từ rất nhiều yếu tố, như: phong tục tập quán, các quan niệm truyền thống, tôn giáo, điều kiện kinh tế xã hội, hay nhận thức xã hội…Điều này dẫn đến sự khác nhau về góc nhìn đối với NCG. Mặc dù ở một số quốc gia như Malayxia, tỷ lệ NCG khá đông nhưng họ lại thuộc nhóm quốc gia phủ nhận quyền của NCG. Trong các bộ luật hay quy định hiện hành của nước này đều không đề cập đến quyền và những vấn đề liên quan tới NCG.

Hệ quả của việc chưa đảm bảo quyền cho người chuyển giới

Dù được công nhận hay không công nhận, NCG vẫn phải sống và làm việc, lao động và cống hiến. Điều này vô hình chung gây ra áp lực cho cộng đồng NCG tại các quốc gia không chấp nhận. Khi họ không được thừa hưởng những quyền lợi cơ bản và được sống một cách hợp pháp với tư cách công dân trên tự do giới tính của bản thân. Vấn đề trên có thể khiến chính bản thân những NCG thêm tự ti, mặc cảm, mất đi cơ hội việc làm cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể.

Đấu tranh cho quyền lợi của mình và cộng đồng luôn là hành trình bền bỉ và dài lâu của NCG. (Nguồn: Internet)

Trước tiên là ảnh hưởng đến tâm lý của những NCG. Cộng đồng NCG luôn cảm thấy tự ti và mệt mỏi trên hành trình nỗ lực đi tìm và kêu gọi pháp lý cho bản thân. Với sự khó khăn về luật pháp, NCG ở nhiều quốc gia như Châu Phi và Châu Á không chỉ chịu thiệt thòi về hưởng thụ chính sách, chế độ, quyền lợi mà còn chịu thiệt thòi cả về mặt tinh thần khi bị lăng mạ, cấm đoán, sỉ nhục, thậm chí là tử hình khi có xu hướng tính dục khác biệt.

Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm. Ngoài sự kì thị và rào cản hình thể, việc chưa thống nhất và danh chính về mặt giấy tờ là vấn đề ngăn cản người chuyển giới chạm tay đến ước mơ. “Cuộc sống của những NCG công khai có công việc ổn định cũng vất vả tương tự. Họ luôn phải chịu nhiều áp lực và có thể thiệt thòi hơn đồng nghiệp không phải chuyển giới có cùng năng lực. Số NCG làm việc ở các lĩnh vực tự do và phi chính thức như cửa hàng ăn uống, quán cà phê, bar…nhiều hơn số người làm ở các công ty, văn phòng chính thống. Những NCG gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng do chứng minh thư nhân dân hay tên không phù hợp với ngoại hình. Áp lực đối với việc tuyển dụng NCG có thể đến từ khách hàng, hay các đối tác của cơ quan tuyển dụng” - Anh Đặng Nguyễn Ngọc Anh, người chuyển giới nam tại Việt Nam chia sẻ.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho thấy người chuyển giới có những nhu cầu cần được đáp ứng, quan trọng nhất là y tế và pháp lý. Anh Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho biết: “Khi người chuyển giới không được sống đúng với giới tính thì họ sẽ gặp rất nhiều cản trở và khó khăn. Vì sự không trùng khớp giữa ngoại hình và giấy tờ khiến họ không những gặp khó khăn trong công việc mà còn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế”. Y tế là nhu cầu thiết yếu của người chuyển giới trong việc tiêm hooc-môn, phẫu thuật chuyển giới hoặc khám tâm lý. Hiện nay ở Việt Nam không có nên người chuyển giới phải sang Thái Lan để làm dịch vụ này.

Cần có hành lang pháp lý cho người chuyển giới

Hàng trăm nghìn người chuyển giới tại khắp các quốc gia vẫn gặp nhiều khó khăn với thủ tục đổi tên. Nhiều người chuyển giới phải làm các công việc bất hợp pháp hoặc có nhiều rủi ro về sức khỏe do khó khăn trong tìm kiếm việc làm do chưa có hành lang pháp lý bảo vệ họ.  

 Việc gấp rút hoàn thiện những công việc về mặt pháp lý đang là vấn đề cấp thiết đặt ra để đảm bảo công bằng cho cộng đồng người chuyển giới ở nhiều quốc gia. (Nguồn Internet)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh - TS, Giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người hoạt động bình đẳng giới cho rằng: “Để giải quyết tình trạng định kiến giới, chúng ta cần chính thức hoá và thừa nhận, tạo nên một xã hội bình đẳng và tôn trọng sự đa dạng khác biệt. Các giải pháp sẽ ở nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ như các thể chế xã hội như các căn cứ về luật. Chẳng hạn như luật lao động nếu có những đề cập cụ thể hơn về việc chống phân biệt đối xử hỗ trợ cộng đồng LGBT có căn cứ đảm bảo quyền lợi của mình”.

Hiện nay đã có khoảng 72/204 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp. Việt Nam và một số quốc gia cũng đang xem xét hợp thức hóa luật dành riêng cho NCG. Đây là một bước tiến tích cực dành cho cộng đồng NCG và cả các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực có sự hợp tác cấu thành của người chuyển giới các quốc gia. Cần đẩy mạnh tiến độ việc hợp thức hóa hành lang pháp lý cho người chuyển giới để đảm bảo công bằng cũng như quyền lợi vốn có và cơ hội phát triển bản thân của cộng đồng NCG toàn cầu.

Ngọc Tân

Phản hồi