Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Thanh Xuân: Bế tắc trong việc tập kết rác thải

17:20 11-12-2023
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tình trạng xả rác thải sinh hoạt tại các khu phố thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội vẫn ngang nhiên tiếp diễn dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc.

Vi phạm còn tái diễn

Điểm thường xuyên xảy ra tình trạng này phải kể đến khu vực ngõ 43, phố Tô Vĩnh Diện. Đầu giờ sáng ngày 1-12 đã xuất hiện đống chất thải cồng kềnh ngay tại đầu ngõ với khối lượng không nhỏ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị. Gần đó, khu vực trước cửa số 69B phố Hoàng Văn Thái, số 34 phố Vương Thừa Vũ,… cũng là những điểm người dân thường xuyên đổ trộm phế thải ra nơi công cộng.

Ngổn ngang nhiều loại chất thải rắn ở khu vực đầu ngõ 43, phố Tô Vĩnh Diện gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. (Ảnh: Ngọc Trường) 

Anh Trần Minh Quang (số 12 ngõ 43 Phố Tô Vĩnh Diện) chia sẻ: “Mỗi lần đi ngang qua là lại thấy nồng nặc mùi khó ngửi lắm. Quanh đây chủ yếu là khu nhà ở sát nhau nên một người thiếu ý thức thì cả khu phố mất vệ sinh. Cứ hàng tháng lại họp tổ dân phố một lần và nhắc nhở về vấn đề này. Song vi phạm vẫn liên tục tái diễn”.

Còn tại phường Khương Đình, nhiều tuyến đường phố như Vũ Tông Phan, Bùi Xương Trạch, Khương Hạ,… cũng liên tục xảy ra tình trạng bốc mùi do chất thải. Đầu cầu Khương Hạ, theo quan sát của phóng viên, có rất nhiều những phế liệu, nước thải chảy lênh láng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

 Rác thải chất thành núi tại cầu Khương Hạ với hàng tá bao tải, phế liệu ném ở thành cầu. (Ảnh: Ngọc Trường)

Gần khu vực đó, trên vỉa hè, dọc đường bờ sông Tô Lịch, nhiều loại rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng từ các hộ gia đình, khu dân cư lân cận bị đổ la liệt, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị.

Chị Lê Thị Thảo, 27 tuổi (người bán hàng tại cửa hàng tự chọn) số 344, đường Khương Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) bức xúc: “Rác thải cứ chất đống đối diện cửa nhà mình, mỗi khi ngày mưa là mùi hôi bốc lên ghê lắm, khách họ đến mà không dám nán lại để mua hàng, họ phải đi chỗ khác”.

 Trên vỉa hè dọc đường bơ sông Tô Lịch ngổn ngang phế thải, trạc thải xây dựng. (Ảnh: Ngọc Trường)

Khu vực gần trường Tiểu học Kim Giang, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) là nơi có lượng phương tiện giao thông qua lại đông và đã sử dụng biển báo cấm nhưng rác thải vẫn chất đầy những nơi công cộng. Người dân sinh sống tại đây cho biết, ngoài việc hằng ngày hít khói bụi giao thông còn phải sống chung với lượng chất thải tồn tại rất lâu không được xử lý, gây ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe của họ.

Nhiều rác thải ngang nhiên xuất hiện trên một vỉa hè thuộc phường Kim Giang bất chấp đã có biển báo cấm. (Ảnh: Ngọc Trường) 

Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn Bạc, 45 tuổi (công nhân môi trường trên địa bản phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân) cho biết: "Tôi đi làm công việc này được 15 năm và khá vất vả. Chủ yếu là làm việc vào ban đêm, đôi khi gặp những người trung niên, ý thức của họ còn kém hơn nhiều so với các bạn trẻ, có những lúc còn gây khó dễ với những người làm công nhân vệ sinh như tôi".

Kiểm tra, xử phạt còn nhiều bất cập

Theo Quy ước xây dựng đời sống văn hóa của Ủy ban nhân dân phường Khương Trung, Tổ dân phố số 14 được lập vào ngày 19-12-2022, Ông Ngô Minh Thiện (dãy trưởng mặt ngõ 43, phố Tô Vĩnh Diện, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học) cho hay: “Phường đã xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước này để mọi người tuân theo. Trong đó có cả việc giữ gìn vệ sinh chung là vấn đề vô cùng quan trọng. Cứ mỗi ngày sẽ phân công một hộ dân trực tại những nơi tụ tập điểm xả rác để ghi tên khiển trách. Tuy nhiên, việc phân công trực chỉ mang tính hình thức và người dân vẫn đổ rác ở nơi khác. Theo cá nhân tôi nghĩ, Chính quyền địa phương nên nhanh chóng thực hiện một số phương pháp đầu tư đồng bộ vệ sinh môi trường của toàn thành phố mới có thể cải thiện được tình trạng này”.

Tuy nhiên, do ý thức của người dân còn hạn chế; việc kiểm tra, xử lý vi phạm của chính quyền các cấp chưa được thực hiện nghiêm nên trên địa bàn Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng đổ trộm chất thải rắn cồng kềnh ra môi trường.

Sự thiếu hiểu biết và nhận thức về việc giữ gìn môi trường chung cho cộng đồng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xả rác không kiểm soát. Không chỉ vậy, sự thiếu minh bạch và quyết liệt trong công tác quản lý đã tạo điều kiện cho tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục tồn tại.

Điểm d, Khoản 2, Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nêu rõ: Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường…
Ngọc Trường - Báo in K41

Phản hồi