Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Sắc màu “tịch liêu” trong tác phẩm của Yasushi Inoue

23:03 10-12-2023
Sáng ngày 10/12, Thư viện Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã diễn ra sự kiện “Màu của buồn thương trong tác phẩm của Yasushi Inoue - Giao lưu với nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu”.

Buổi giao lưu có sự tham gia của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, Tiến sĩ Văn học Nguyễn Quyên (Chủ biên tạp chí Zzz Review) và Tiến sĩ Văn học Trần Thị Thục (Giảng viên Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ và được tán tụng là xuất chúng của Yasushi Inoue, “Súng săn” và “Bọ tuyết” là hai tác phẩm mang phong cách viết hoàn toàn khác biệt. Tiểu thuyết của Yasushi Inoue chủ yếu viết về lịch sử, hai tác phẩm này là sắc màu của buồn thương và tịch liêu về những câu chuyện thường nhật. Đây cũng là đặc trưng không thể nhầm lẫn trong các sáng tác của Yasushi Inoue. 

Đông đảo bạn đọc, người hâm mộ nhà văn Yasushi Inoue tới buổi giao lưu. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Lý giải về sắc màu chủ đạo trong tác phẩm, nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ: “Cái buồn thương này không phải là cái buồn bi lụy. Nỗi buồn tuy là cá nhân nhưng có cái gì đó lớn hơn cá nhân, để lại một cái ấn tượng trong cái không gian và thời gian của con người.”

Chia sẻ cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm “Súng săn”, Tiến sĩ Văn học Trần Thị Thục cho biết: “Trong rất nhiều giai đoạn cuộc đời mình, các bạn sẽ tìm thấy mình ở trong đó, bằng những lời của nhân vật làm chúng ta tự vấn lại chính mình”.

Tại buổi giao lưu, độc giả đã được lắng nghe 3 khách mời chia sẻ và phân tích về các tiểu tiết trong 2 tác phẩm “Súng săn” và “Bọ tuyết”. (Ảnh: Ngọc Ánh) 

Trong không gian thư viện Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam các khách mời đã chia sẻ với độc giả ý nghĩa nhân sinh ẩn sau câu chuyện của nhân vật trong tác phẩm. Tâm sự của nhà văn Yasushi Inoue đã chạm đến trái tim của mỗi độc giả qua tác phẩm “Bọ tuyết”. Lời văn trong tác phẩm của Yasushi Inoue đã miêu tả sâu sắc khung cảnh thiên nhiên, môi trường để nói lên tâm trạng con người.    

Phân tích về bối cảnh sắc màu buồn thương xuyên suốt 2 tác phẩm, Tiến sĩ Nguyễn Quyên nêu rõ đây không chỉ là nỗi chiến tranh đem đến cho con người mà còn là nỗi đau tự khủng hoảng của mỗi cá nhân. Nhà văn Nhật Bản đã đặt vấn đề con người kiếm tìm bản thể, băn khoăn, trăn trở giữa hiện đại và truyền thống, giữa phương Đông và phương Tây mâu thuẫn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đã đẩy nhân vật tới trạng thái khác biệt nhau.    

Qua buổi giao lưu, khách mời mong muốn sẽ được dịch và giới thiệu nhiều các tác phẩm của tác giả ở Việt Nam hơn trong thời gian tới.

Đặng Thị Ngọc Ánh - Báo in K41

Phản hồi