Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ trong sáng tạo mô hình tham quan di tích

13:13 11-12-2023
Trình chiếu 3D Mapping trên nền kiến trúc di tích, phát triển ứng dụng tương tác thông tin đa phương tiện trên điện thoại thông minh và hệ thống thuyết minh tự động…đã cho thấy những nỗ lực trong việc đưa giá trị văn hóa của các di tích lịch sử tại Thủ đô tới gần hơn với du khách trong và ngoài nước nhờ sự trợ giúp của công nghệ.

Với hơn 5.900 di tích lịch sử, văn hóa, Hà Nội có tài nguyên di sản giàu có, đa dạng. Nếu được quan tâm đúng cách, đây là nguồn lực lớn để phát triển du lịch, thu hút du khách.

Khi nét độc đáo của kiến trúc Thủ đô kết hợp với sự phát triển của công nghệ

“Em định mua vé vào ngày thứ tư cho đỡ đông, ai ngờ Ban tổ chức vẫn báo chương trình hết vé chị ạ” là tình trạng thường xuyên diễn ra trong hơn một tháng khởi chạy Chương trình Trải nghiệm Tour đêm tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dưới mỗi bài đăng của Chương trình trên nền tảng mạng xã hội là dòng chữ “Quý du khách vui lòng sắp xếp liên hệ đặt vé sớm để được hỗ trợ, tránh tình trạng hết vé”. Ra mắt từ tối ngày 29/10, cho tới nay, Tour đêm Văn Miếu đã chứng minh được sức hút của mình tới với công chúng.

Là tour đêm thứ tư của Hà Nội, toàn bộ không gian di tích được biến hóa bởi công nghệ chiếu sáng tạo chuyển động 3D, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp, mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt so với việc tham quan di tích ban ngày. 

 Văn Miếu - Quốc Tử Giám rực rỡ về đêm.

Ông Fred, du khách người Pháp chia sẻ: “Ánh sáng huyền ảo của Khuê Văn Các phản chiếu xuống mặt nước khiến cho tôi nổi da gà. Có thể thấy, các bạn biết cách kết hợp khéo léo giữa yếu tố nhân tạo với nét độc đáo trong kiến trúc của khu di tích”.

Điểm khác biệt của tour trải nghiệm Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám là việc ứng dụng công nghệ một cách khéo léo trong từng không gian trải nghiệm khác nhau. Với công nghệ trình chiếu kết hợp với sử dụng ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo A.I, cụ rùa tại bia Tiến sĩ Thăng Long có thể tự động trả lời những câu hỏi của du khách liên quan tới các kỳ thi từng diễn ra tại đây.

 Người dân tham gia trải nghiệm kính thực tế ảo tại Văn Miếu. 

Anh Nguyễn Văn Điệp (TNV tại Khu di tích) cho biết: “Công việc của mình là hướng dẫn du khách sử dụng công nghệ A.I (Artificial Intelligence) tại khu bia đá Tiến sĩ. Người tham quan khi ghé qua đều tò mò dừng lại xem và tỏ ra hứng thú sau khi được giới thiệu về công nghệ mới này. Mặc dù đặc thù công việc yêu cầu mình phải đứng suốt ca làm nhưng sự thích thú của du khách, đặc biệt là các bạn trẻ khi tìm hiểu về lịch sử đã khiến mình cảm thấy bản thân đang làm việc hết sức ý nghĩa”.

Đến với lớp học thầy đồ, khách tham quan được trải nghiệm hệ thống thực tế ảo. Ở đó, qua chiếc kính VR, mỗi người sẽ tự do sáng tạo nên tác phẩm thư pháp của riêng mình trên nền trời sao.

 Các không gian triển lãm luôn tấp nập du khách tham quan.

“Mình thấy khá thú vị khi ngay giữa không gian truyền thống của khu Văn Miếu lại được trải nghiệm kính thực tế ảo. Chắc chắn không chỉ mình mà các bạn trẻ khác cũng sẽ hứng thú vì các món đồ công nghệ tại đây”, bạn Hà Vy (Hà Nội) cho hay.

“Tuyệt vời, rất tuyệt vời. Tôi chắc chắn sẽ dành những lời khen tốt đẹp nhất cho chương trình trải nghiệm tối nay. Không gian di tích thoáng đãng, được giữ gìn sạch sẽ. Con đường ánh sáng đi vào từ cổng chính rất gây ấn tượng” - Ông Fred chia sẻ.

Điểm cuối cùng của chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nội dung trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học sẽ biến thành một màn hình khổng lồ - nơi du khách sẽ được tận hưởng bữa tiệc của âm thanh, ánh sáng và cảm xúc.

 Show trình diễn ánh sáng 3D Mapping luôn trong tình trạng hết ghế.

Từ Hưng Yên tới Thủ đô để trải nghiệm đêm Văn Miếu, bạn Phương Lan hào hứng: “Điều gây ấn tượng với mình nhất là show trình diễn ánh sáng ở cuối chương trình. Việc dựng lại nếp học xưa trên nền nhà Tiền đường cổ bằng hiệu ứng ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp tạo cho mình cảm giác như được quay trở về thời điểm đó vậy. Không gian di tích trở nên sống động, như được thổi hồn trước mắt du khách”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những đơn vị khai thác du lịch đêm đầu tiên tại Hà Nội, tiên phong trong sử dụng công nghệ trình chiếu để làm nổi bật giá trị di sản. Bắt nhịp với đó, nhiều điểm đến khác của Hà Nội cũng đã áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch. 

Tối 24/11 mới đây, Sở Du lịch Hà Nội công bố 15 sản phẩm tour đêm và ra mắt không gian chiếu sáng tại phố cổ. Trong chuỗi 15 sản phẩm du lịch kể trên, có tới hơn một nửa xuất hiện sự trợ giúp của công nghệ. Một trong số đó là: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đưa công nghệ trình chiếu 3D mapping vào triển lãm “Báu vật hoàng cung” và triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”. Trung tâm Văn hóa nghệ thuật - 22 Hàng Buồm có không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”…

 Trình diễn 3D Mapping tại di tích Ô Quan Chưởng thuộc chuỗi hoạt động “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”.

Biến thách thức thành thời cơ

Không gian di sản bấy lâu nay vẫn nằm trong cảm nhận chung là buồn tẻ và khó khai thác, làm mới. Đặc biệt là khi về đêm, hạn chế về ánh sáng khiến cho các khu di tích khó có thể phát huy được hết tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, với việc nỗ lực tìm tòi giải pháp “đánh thức” không gian di sản, những hạn chế có thể trở thành lợi thế riêng có, mà nổi bật hơn cả là nhờ những giải pháp từ công nghệ. Công nghệ đang trở thành một tiềm năng, thế mạnh để phát huy giá trị di sản. 

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội, Hà Nội đã có 27 điểm đến, 322 địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. Kết quả, trong hơn 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đón gần 1,7 triệu lượt khách tham quan các di tích trọng điểm. Các di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội quản lý đạt doanh thu gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt thu 25% so với kế hoạch năm 2023. Đó là những con số biết nói, chứng minh hiệu quả và tính ưu việt trong việc khai thác tiềm năng di sản của Thủ đô Hà Nội nhờ vào công nghệ.

“So với một số quốc gia châu Âu cũng sử dụng mô hình tương tự, Hà Nội đang làm khá tốt trong việc hiện đại hóa một cách khéo léo các không gian truyền thống của khu di tích. Tôi thấy được nét văn hóa Á Đông trong giai điệu hào hùng của nhạc cụ dân gian kết hợp với show ánh sáng tại ngôi đền cổ. Tuy nhiên, số người hướng dẫn cho người nước ngoài còn khá ít và không được phân bổ đồng đều giữa các khu” - Ông George, du khách từ Hy Lạp cho biết.

Trước xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhiều di tích ở Hà Nội đã và đang tích cực nghiên cứu, khảo sát, khai thác di sản văn hóa nhằm mục tiêu đưa chúng tới gần hơn với cộng đồng. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong việc đổi mới tư duy quản lý về việc sáng tạo các phương thức tiếp cận mới với khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn tồn tại một số bài toán khó về vấn đề phân bố nhân lực triển khai, duy trì máy móc,...sẽ cần được Thủ đô giải đáp trong tương lai

Nguyễn Trang Anh - Truyền hình 41

Phản hồi