Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Bàn về “Bạo lực của cái hằng ngày - Nhìn từ văn học nữ”

23:08 10-12-2023
Sáng ngày 10/12, San Hô Books đã tổ chức tọa đàm “Bạo lực của cái hằng ngày - Nhìn từ văn học nữ” tại Hội trường tầng 1, Tòa nhà Devyt, 55 Trương Công Giai (Cầu Giấy, Hà Nội). Chương trình có nhiều chia sẻ bổ ích đến từ các khách mời

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của bốn diễn giả là Tiến sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu (Giảng viên bộ môn Lý luận văn học - Đại học Sư phạm Hà Nội), Nhà văn Hiền Trang - cây bút về văn hóa, nghệ thuật trên các tờ báo và tạp chí: Tuổi trẻ, Đẹp Magazine, An Ninh Thế Giới,... cùng Dịch giả Đinh Thu Thảo (Biên tập viên tại Tạp chí Phương Đông, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông) và người dẫn chương trình Võ Quỳnh Lan (Thạc sĩ Phụ nữ học). 

Các diễn giả lần lượt chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về vấn đề bạo lực trong văn học nữ. (Ảnh: Thanh Hà)

Đúng như khẩu hiệu “Cá nhân là chính trị” (The personal is political), buổi tọa đàm trao đổi về những vấn đề nan giải trong xã hội từ góc độ giới. Qua đó, buổi chia sẻ đã đưa ra cái nhìn sâu sắc về mức độ ảnh hưởng của vấn đề này cuộc sống hiện nay. Những vấn đề tưởng chừng như hiển nhiên, đơn giản nhưng vô tình khiến cho người phụ nữ bị áp lực. 

Diễn giả Đinh Thảo chia sẻ quan điểm về “Bạo lực của cái hằng ngày” (Ảnh: Thanh Hà) 

Giải thích định nghĩa về “Bạo lực của cái hằng ngày”, dịch giả Đinh Thảo chia sẻ: “Bạo lực là hành vi gây ra tổn thương về mặt thể chất và tinh thần cho người khác. Bạo lực của cái hằng ngày cũng vậy, nó diễn ra ngay trên cơ thể của người phụ nữ. Xã hội gia trưởng đã chiếm dụng và kiểm soát người phụ nữ bằng diễm ngôn, đẩy họ vào tình trạng khắc kỷ, dần dần trở thành những điều hiển nhiên diễn ra thường ngày. Bên cạnh đó, xã hội gia trưởng còn tạo ra diễn ngôn về thiên chức gây cho người phụ nữ ảo tưởng, ảo giác về việc thực hiện chức năng sinh sản, mang thai và làm mẹ”. 

Tọa đàm ra mắt hai cuốn sách là “Hôm nay một người đàn bà hóa điên trong siêu thị” của tác giả Hilma Wolitzer và “Người tình ác quỷ” của Shirley Jackson. (Ảnh: Thanh Hà)

Diễn giả Võ Quỳnh Lan chia sẻ về bối cảnh ra đời của hai cuốn sách: “Là người học và nghiên cứu về giới, tôi thấy chủ đề ‘Bạo lực của cái hằng ngày’ được nước Mỹ đặc biệt quan tâm vào những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Ở thời điểm đó, nước Mỹ đi qua nhiều biến đổi xã hội như phong trào dân quyền của người da màu, làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền và phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam”. 

Tại buổi tọa đàm, TS. Trần Ngọc Hiếu đã mang tới những góc nhìn mới mẻ về vấn đề nữ quyền trong văn học. Ông đã so sánh hai tác phẩm mới ra mắt của San Hô Books với một số sáng tác của các nữ nhà văn Việt Nam đương đại.

Từ chia sẻ của TS. Trần Ngọc Hiếu, người tham dự phần nào hiểu rõ được những suy tư, trăn trở của các nhà văn về vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa của hai tập truyện ngắn này trong việc góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề nữ quyền, đặc biệt là ở Việt Nam hiện nay.

Đông đảo bạn đọc, người hâm mộ đến tham gia buổi tọa đàm. (Ảnh: Thanh Hà) 

Qua các góc nhìn chuyên gia, buổi tọa đàm đã giúp người tham dự có thêm nhận thức và sự đồng cảm hơn đối với người phụ nữ. Điều này có thể là một bước quan trọng để thay đổi tư duy xã hội, góp phần giúp cho phụ nữ có cái nhìn tích cực về bản thân. 

Lê Thanh Hà - Báo in K41 

Phản hồi