Danh mục Chủ Nhật, 10/11/2024

Tiêu điểm \

Trăn trở chuyện truyền nghề rối nước Hồng Phong

18:48 10-12-2023
Rối nước Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) là một trong số ít những phường rối nghiệp dư vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên trong những năm gần đây, múa rối nước dân gian Việt Nam nói chung đang phải đứng trước nhiều thách thức lớn, cần có định hướng và giải pháp phát triển lâu dài cho loại hình nghệ thuật dưới nước này. 

Tích trò “Vinh quy bái tổ” được biểu diễn tại thủy đình của Phường rối nước Hồng Phong. (Ảnh: Nguyễn Nhài) 

 Nơi các nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật múa rối nước. (Ảnh: Nguyễn Nhài) 

Ngày càng mai một 

Múa rối nước Hồng Phong được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 17 thời kỳ Hậu Lê, nhằm ghi chép lại những phong tục, tập quán, và tín ngưỡng để người nông dân mua vui trong những lúc nông nhàn. Ngày nay, múa rối nước chủ yếu phục vụ cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu văn hóa. 

Vấn đề thực sự đáng lo ngại của các phường múa rối nước hiện nay là nguồn nhân lực: Vừa không có lực lượng nghệ sĩ với chuyên môn bài bản, đào tạo qua trường lớp mà còn tồn tại tình trạng già hóa lứa tuổi kế cận. Việc không có đủ lực lượng nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng như tình trạng khan hiếm lớp trẻ đẻ tiếp nối truyền thống múa rối nước dân gian là vấn đề đáng lo ngại của nghệ thuật này trong tương lai.

Theo ông Phạm Văn Tòng, trưởng phường múa rối nước Hồng Phong cho biết: “Vấn đề về thu nhập thấp đối với nghệ sĩ là một rào cản lớn. Vì vậy mà lớp trẻ không có, chủ yếu là cao niên, thế hệ ‘trẻ’ nhất là U50”. Thu nhập của Múa rối nước không được Nhà nước hay xã, huyện tài trợ mà chủ yếu là do phường ‘thực thanh thực chi’. Điều này gây ra những hạn chế trong hoạt động và ảnh hưởng đến thu nhập của những người làm nghề múa rối nước". 

Ông Nguyễn Đức Thiện - một trong những nghệ nhân múa rối nước đã có 25 năm gắn bó với phường Múa rối nước Hồng Phong. Trước những trăn trở về việc “giữ nghề”, ông bày tỏ: “Nhiều khi, việc theo đuổi nghệ thuật truyền thống không chỉ là việc làm để kiếm sống mà còn là việc gìn giữ và kế thừa giá trị văn hóa từ thế hệ trước. Tư tưởng cũng như tâm trí gắn bó với nghề và yêu nghề là nguồn động viên lớn, đặc biệt khi đối mặt với những khó khăn như thu nhập thấp và bận rộn với công việc gia đình”. 

Ông Tòng ngày đêm nghiên cứu về giá trị văn hóa dân gian truyền thống. (Ảnh: Nguyễn Nhài)  

“Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu phương tiện âm thanh và ánh sáng chất lượng có thể làm giảm hiệu suất và sự tương tác với khán giả. Đặc biệt, vấn đề về kỷ luật và việc áp dụng các quy định và quy chế cần thiết từ nhà nước còn hạn chế”, ông Tòng nói thêm. 

Nỗ lực bảo tồn và phát triển

Sự phát triển hiện đại của khoa học công nghệ và nhu cầu giải trí mới trong xã hội đương thời luôn đặt ra những vấn đề lớn trong việc bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống. Vai trò của các bộ môn nghệ thuật này đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa là vô cùng quan trọng.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thiện chia sẻ đầy tự hào khi múa rối nước quê nhà được nhiều du khách biết đến: “Sự nỗ lực và kiên trì của phường múa rối nước Hồng Phong trong việc khổ luyện và quảng bá nghệ thuật đã mang lại kết quả tích cực. Việc thu hút và giữ chân một lượng lớn khách quốc tế là một thành tựu đáng kể, không chỉ đối với phường múa rối nước Hồng Phong mà còn là niềm tự hào của toàn bộ nghệ sĩ trong ngành”.

Ông Nguyễn Văn Không tích cực trong công tác Văn hóa của xã Hồng Phong. (Ảnh: Nguyễn Nhài) 

Ông Nguyễn Văn Không (50 tuổi), Đảng ủy viên, công chức văn hóa - xã hội phụ trách văn hóa thông tin thể thao xã Hồng Phong cho hay: “Gần đây, Huyện cũng có tiêu chí bảo tồn văn hóa đối với giáo dục. Bằng việc khuyến khích các trường mầm non, tiểu học đến trung học tham gia trải nghiệm, tham quan nét văn hóa tại địa phương”. 

Tuy nhiên, ông Không cho rằng, quan trọng nhất là công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và giá trị của múa rối nước trong cộng đồng là chưa tới tầm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ để tạo ra một kế hoạch tuyên truyền dài hạn, kênh truyền thông để lan tỏa thông điệp chưa đa dạng. 

Là người phụ trách mảng văn hóa của xã Hồng Phong, ông Không bày tỏ quan điểm: “Để nghệ thuật múa rối nước có thể tồn tại và phát triển, cần phải có sự tập trung, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Thiết lập các chính sách hỗ trợ tài chính để khuyến khích sự phát triển của nghệ thuật múa rối nước. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh con người, loại hình múa rối nước trên các kênh thông tin đại chúng”.  

Ngoài ra, ông Không cho biết rằng, cần giữ nguyên bản sắc của nghệ thuật múa rối nước nhưng cũng không ngừng đổi mới để thu hút và gần gũi hơn với đông đảo khán giả. Bên cạnh đó, việc liên kết quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và tạo ra cơ hội biểu diễn chung để mở rộng tầm ảnh hưởng của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Nguyễn Nhài - Báo in K41 

Phản hồi