Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Phía sau loạt phóng sự “Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên” - Tác phẩm đạt giải trong Giải Báo chí - Truyền thông Thắp Sáng (Fire Up)

00:08 31-10-2023
Khai thác một góc nhìn hoàn toàn mới về đề tài sinh viên, loạt phóng sự “Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên” của tác giả Lê Văn Vượng đã nhận được sự quan tâm lớn từ bạn đọc, là tác phẩm đạt giải B hạng mục 1: Tác phẩm báo chí đa nền tảng trong Lễ Trao Giải Báo chí - Truyền thông Thắp Sáng (Fire Up) diễn ra vào tối ngày 29/10 vừa qua, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Qua 2 mùa tổ chức thành công rực rỡ, giải Báo chí - Truyền thông Thắp Sáng (Fire Up) đã chứng minh vị trí của mình khi là một sân chơi bổ ích dành cho học sinh, sinh viên có đam mê trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông. Thông qua “sân chơi Thắp Sáng”, học sinh, sinh viên trên cả nước có cơ hội thể hiện khả năng của mình trong việc sáng tạo các tác phẩm Báo chí - Truyền thông nhằm học hỏi, tích lũy những kinh nghiệm thực tế cho sự nghiệp sau này. Trở lại mạnh mẽ với mùa 3, BTC Thắp Sáng đã nhận được đông đảo sự quan tâm từ mọi miền, với tổng số lượng bài dự thi lên tới 350 bài. 

Khai thác một góc nhìn mới lạ trong một đề tài vốn quen thuộc, loạt phóng sự “Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên” của tác giả Lê Văn Vượng đã xuất sắc giành giải B, hạng mục 1: Tác phẩm báo chí đa nền tảng. 

Phóng viên (PV): Thân chào anh Vượng, đầu tiên xin gửi lời chúc mừng với thành công của loạt phóng sự “Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên”. Hiện tại, cảm xúc của anh sau khi đạt giải như thế nào?

Lời đầu tiên, mình xin được gửi lời cảm ơn đến BTC Giải Báo chí Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2022 - 2023. Nhìn các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo có những bài viết rất sâu, có những phóng sự dài kỳ khai thác và phản ánh vấn đề độc đáo, mình không nghĩ rằng loạt phóng sự của mình sẽ đạt giải. Mình thấy rất vui vì đứa con tinh thần của mình đã được ghi nhận và lan toả rộng hơn. 

PV: Anh có thể chia sẻ với độc giả về ý tưởng từ đâu khiến anh muốn thực hiện loạt phóng sự này?

Mình và biết bao bạn bè đồng trang lứa cũng từng là tân sinh viên chập chững bước chân tới thủ đô nhập học. Sự non nớt, bỡ ngỡ đã khiến nhiều tân sinh viên trở thành miếng mồi ngon của tội phạm lừa đảo và đã có nhiều bạn bè, người quen của mình trở thành nạn nhân. Nhiều người gục ngã trước những cám dỗ của đô thị, sa chân vào tệ nạn xã hội, đánh mất tuổi trẻ. Chứng kiến điều đó, mình nghĩ ngay tới việc thực hiện phóng sự để giúp các em tân sinh viên có thêm những kiến thức thực tế để tránh rơi vào những “cạm bẫy” đầu đời. 

 Tác giả Lê Văn Vượng trong Lễ trao giải Báo chí - Truyền thông Thắp Sáng (Fire Up). (Nguồn ảnh: BTC Thắp Sáng)

PV: Là tác phẩm thiên về chủ đề điều tra, thâm nhập, anh đã phải đối mặt với những khó khăn gì trong quá trình thực hiện phóng sự “Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên? Đứng trước những khó khăn ấy, anh đã giải quyết như thế nào?

Trong phóng sự “Những cạm bẫy đang đón chờ sinh viên”, khó khăn đầu tiên mình gặp phải chính là lựa chọn vấn đề nào để khai thác. Có rất nhiều vấn đề liên quan đến sinh viên đã được báo chí phản ánh rồi, nếu như phản ánh lại những vấn đề tương tự thì bài báo của mình sẽ không có nhiều giá trị. Do đó, mình cần có những phát hiện mới để cảnh báo kịp thời. Và để làm được điều đó, mình phải thực sự đi sâu và tìm hiểu đời sống làm việc của nhiều sinh viên.Mình trò chuyện và tương tác với nhiều nhân vật để nắm rõ tính chất công việc đồng thời tìm hiểu và quan sát với cả những người sử dụng lao động để có góc nhìn đa chiều. 

Sau một thời gian theo đuổi đề tài, mình đã phát hiện ra có rất nhiều công ty tuyển dụng các bạn sinh viên với tiêu chí “không cần kinh nghiệm” để vào làm sale các sản phẩm theo cách lừa đảo người tiêu dùng. Và khi phát hiện ra vấn đề rồi thì khó khăn tiếp theo là làm sao để khéo léo khai thác những bạn sinh viên đang là lao động trong công ty này, thu thập những bằng chứng cụ thể để đảm bảo tính chính xác. Những bằng chứng thuyết phục là điều cực kỳ cần thiết bởi nếu chỉ ngồi nhà và viết hời hợt, không có minh chứng thì bạn có thể bị kiện bất cứ lúc nào. 

Mình đã thuyết phục được những nhân vật trả lời phỏng vấn sâu để khai thác chi tiết mọi góc cạnh, đồng thời phải liên hệ, tham vấn chuyên gia để kiểm định bằng chứng. 

PV: Trong bài kỳ 2, anh có viết “Vì quen biết từ trước, chúng tôi tìm đến nhà của cô B.T.H tại Thái Bình để nghe cô chia sẻ câu chuyện về cậu “quý tử”. Vậy, nếu không quen nhân vật này thì liệu rằng kỳ 2 của loạt bài có thể sẽ không được xuất bản?

Loạt phóng sự này mình thực hiện theo sự chỉ đạo của toà soạn nên mình đã chuẩn bị kỹ càng các tư liệu thực tế, đã tìm và liên hệ với các nhân vật, các chuyên gia, hoàn thiện nội dung để cho ra đời một tác phẩm phản ánh thực trạng giới trẻ sa vào tệ nạn xã hội. Tức là trước khi có phóng sự kỳ 2 chính thức trên báo, mình đã có đủ tư liệu để hoàn thiện phóng sự này theo một góc nhìn khác.
 
Thế nhưng, mình chưa vội vàng xuất bản kỳ 2. Nhìn lại phản hồi của kỳ  1, bài viết của mình nhận được phản hồi và đánh giá tốt từ tòa soạn và độc giả. Một trong những điều làm nên sự thành công của kỳ 1 (theo đánh giá từ nhà báo Quỳnh Hoa – người trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo mình) là do mình phát hiện và khai thác một vấn đề mới, hầu như chưa có báo nào phản ánh vấn đề này.

Và như vậy, trong kỳ 2 của phóng sự, việc khai thác, chọn lọc vấn đề để phản ánh đối với mình là vô cùng quan trọng. Mình đã bình tĩnh, xem xét lại việc lựa chọn góc độ nào để phản ánh thực trạng này một cách hiệu quả nhất, có tính nhân văn và độ lan toả cao. Và thế là mình đã làm lại phóng sự theo góc nhìn từ một người mẹ có đứa con sa vào tệ nạn xã hội.

Những tư liệu sẵn có kết hợp với những cảm xúc của người mẹ sẽ làm độc giả có cách tiếp nhận vấn đề gần gũi hơn, thấm thía hơn một bài phản ánh theo góc độ thông thường.

PV: Cảm ơn anh vì đã dành thời gian chia sẻ những câu chuyện “hậu trường” phía sau tác phẩm. Một lần nữa, xin gửi lời chúc mừng tới anh vì thành công của loạt phóng sự “Những cạm bẫy đang chờ tân sinh viên”. Hy vọng đây chính là “bàn đạp” mạnh mẽ để anh tiếp tục với sự nghiệp Báo chí - Truyền thông của mình, đồng thời trở thành nguồn động lực giúp anh gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!

Nguyễn Hiền, Hà Phương - CJC

Phản hồi