Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Về Hà Nam thăm làng gốm hơn 500 tuổi

15:00 30-10-2023
Làng gốm Quyết Thành (Quế, Kim Bảng, Hà Nam) là làng nghề có bề dày lịch sử hơn 500 tuổi. Với những sản phẩm gốm độc đáo, ngôi làng đã nức tiếng gần xa và trở thành một trong những biểu tượng của văn hóa Hà Nam.

Chúng tôi đã có cơ hội được ghé thăm xưởng gốm Liên Kiểm của Nghệ nhân Lại Tuấn Sơn – một trong hơn 50 thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của 2020. 

Nghệ nhân Lại Tuấn Sơn tại xưởng gốm Liên Kiểm. (Ảnh: Thanh Vân).  

Gia đình anh là một trong 5 hộ hiếm hoi còn giữ truyền thống sản xuất gốm sành tại Hà Nam. Chia sẻ với chúng tôi, anh Sơn cho biết: “Gốm Quyết Thành không chỉ gây ấn tượng bằng những đặc điểm độc đáo như chất liệu, cách nung, mà còn có giá trị văn hóa cao. Xa xưa, ông cha ta đã sử dụng chum để đựng nước, đựng rượu, đựng tương. Ngày nay, nhiều người vẫn sử dụng để đựng những thức rượu quý hay ủ tương. Bên cạnh đó, các sản phẩm như ông bình vôi cũng gây ấn tượng vì được xem là một vật linh thiêng trong phong thủy”. 

Gốm Quyết Thành được làm từ đất sét vàng, khi nung lên sẽ trở thành sành, có độ bền cao, càng để lâu càng có giá trị. Theo ghi nhận của phóng viên, để làm ra được một sản phẩm chum, phải mất tới gần 20 ngày nếu tính cả công đoạn thấu đất (công đoạn làm đất), tạo hình và nung trong lò. Điểm độc đáo của gốm Quyết Thành là sản phẩm được nung bằng củi, hạn chế các sản phẩm về men. Đặc biệt, làng nghề có 2 loại gốm cơ bản: gốm sành và gốm son. 

 Đất sét vàng được xếp thành khối. Đây là loại đất mịn, dẻo mà chỉ riêng nơi đây mới có. (Ảnh: Thanh Vân).  

Năm 2004, Làng gốm Quyết Thành được UBND tỉnh Hà Nam công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2010, sản phẩm gốm son tiếp tục được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh công nhận thương hiệu “Gốm son mỹ nghệ Quyết Thành”. Trải qua biết bao thăng trầm, gốm Quyết Thành đang dần khẳng định chỗ đứng của mình trên các thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp thêm lửa cho các nghệ nhân lành nghề. 

 Nghệ nhân Chu Thị Hoa (mẹ của anh Lại Tuấn Sơn) đang trong quá trình tạo hình cho sản phẩm gốm sành - cối giã. (Ảnh: Thanh Vân).  
Sau khi đã hoàn thành, sản phẩm được đặt lên khay, phơi nắng để khô cho đều. (Ảnh: Thanh Vân).
Nếu không có nắng, sản phẩm sẽ được sấy khô rồi đắp họa tiết, sau đó đánh giấy ráp rồi lau chùi sạch sẽ. (Ảnh: Thanh Vân).  
Lò bầu cổ duy nhất tại làng gốm Quyết Thành. Sản phẩm nung bằng củi sẽ ra chất sành, có độ bền cao. (Ảnh: Thanh Vân).  

Hình ảnh chiếc lò gas giúp người nghệ nhân có thể điều chỉnh nhiệt độ dễ dàng. Sản phẩm được nung trong lò gas sẽ có độ đàn hồi cao hơn. (Ảnh: Thanh Vân). 

Sản phẩm gốm sành sau khi nung củi. (Ảnh: Thanh Vân).
Gốm son là sản phẩm mang tính biểu tượng và nét riêng của gốm Quyết Thành, được nung trong lò gas, hoặc lò củi nhưng phải bọc trong bao.  (Ảnh: Thanh Vân).

Từ những hòn đất vô tri, thông qua bàn tay khéo léo của người thợ, đã trở thành những thứ gốm mang hồn cốt lưu giữ bản sắc văn hóa vùng miền. Người dân ở đây tương truyền rằng, nếu sử dụng gốm Quyết Thành để đựng rượu, rượu sẽ thải được những độc tố mà vẫn giữ được hương vị. Đặc biệt, nhiều thương hiệu đồ uống truyền thống tiêu biểu như chè Shan Tuyết đang hợp tác với làng nghề tạo ra những sản phẩm độc đáo. 

Chum sành cũng là một sản phẩm quen thuộc của làng nghề. (Ảnh: Thanh Vân).
Bình hoa trang trí cũng là một trong những sản phẩm nổi bật của Làng nghề. (Ảnh: Thanh Vân).
Một số sản phẩm khác của gốm Quyết Thành như: tượng Phật, lọ hoa, lợn tiết kiệm,... (Ảnh: Thanh Vân).

Hiện nay, gốm Quyết Thành đang đẩy mạnh cải tiến, chú trọng đa dạng các sản phẩm gốm mỹ nghệ để phù hợp với nhu cầu thị trường như: tượng Phật, lọ hoa, ấm trà, chén, đĩa,...Từ đó, mở ra một triển vọng mới cho làng nghề, đồng thời tích cực quảng bá văn hóa dân tộc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, anh Lại Tuấn Sơn cho biết thêm.

Lê Thanh Vân

Phản hồi