Danh mục Thứ Tư, 23/10/2024

Tiêu điểm \

Công nghệ số trong việc học tập - Đừng lạm dụng để biến lợi thành hại

21:09 30-10-2023
Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển và dần trở thành một công cụ không thể thiếu khi học tập. Tuy nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ người học, lạm dụng công nghệ có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hại.

Trực tuyến hay trực tiếp - lợi bất cập hại

Đại dịch Covid-19 xuất hiện, Nhà nước thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, học trực tuyến chính là giải pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho mọi người mà vẫn có thể tiếp thu kiến thức. Dịch bệnh qua đi, hình thức học tập trực tuyến cũng trở nên phổ biến và quen thuộc với học sinh, sinh viên.

Theo Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam trong năm học 2019-2021 có 1,8 triệu sinh viên học từ xa. Trước đại dịch Covid-19, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên học trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2015 chỉ là 16%. Tuy nhiên, vào năm 2020, khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ này đã tăng lên đến 61%. Theo báo cáo của UNESCO, ngày 9 tháng 4 năm 2020, hơn 1,5 tỷ học sinh và sinh viên trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và phải học tập từ xa.

Sinh viên đang thực hiện việc học trực tuyến tại nhà trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Nguồn: NVCC) 

Nhắc về quãng thời gian học trực tuyến, chị Đặng Minh Anh (20 tuổi, sinh viên năm 3 khoa Quản trị khách sạn, Đại học Thủ Đô) cho biết: “Với mình quãng thời gian ấy rất khó khăn, do phải học trực tuyến ngay từ năm đầu tiên ở bậc đại học, mình phải làm quen với bạn bè mới, giảng viên mới, phương pháp học tập và kiến thức mới. Việc không tìm được sự liên kết với những yếu tố mới và phải ngồi nhiều giờ trước máy tính để nghe giảng khiến mình bị mất tập trung, khó tiếp thu kiến thức”.

Vì không thể tương tác trực tiếp với sinh viên, giảng viên khó có thể bao quát được hết tình hình của lớp học thông qua màn hình máy tính, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Đồng thời việc học trực tuyến cũng đòi hỏi sinh viên phải có ý thức tập trung vào bài giảng thay vì bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài tác động. Có thể thấy so với phương pháp học trực tiếp, sinh viên ít có cơ hội giao lưu và thực hành hơn khi sử dụng phương pháp học này.

Mặt khác, một số sinh viên lại cho rằng việc học trực tuyến có thể sẽ trở thành xu hướng tất yếu do học trực tuyến sẽ dễ dàng hơn cho sinh viên trong việc kết hợp sử dụng và tra tài liệu khi học tập. So với việc học trực tiếp, học tuyến giúp cả sinh viên lẫn giảng viên tiết kiệm không ít thời gian khi di chuyển và cũng góp phần hạn chế việc phải mang nhiều sách vở, tài liệu khi đến trường.

Chị Vũ Hoàng Minh (20 tuổi, sinh viên năm 3 khoa Quan hệ công chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Học trực tuyến là phương pháp học tập hiệu quả, cho phép học tập ở bất kỳ địa điểm và thời gian nào mà bạn muốn. Điều này tạo sự linh hoạt và thuận tiện, vừa giúp giảm không ít thời gian chết trong ngày, vừa có thể dễ dàng ghi chú, và xem lại bài giảng nếu cần”.

Áp dụng công nghệ số - cơ hội học tập trong không gian đa chiều

Công nghệ số thâm nhập vào đời sống thường ngày, mở ra một kỷ nguyên mới nơi mà con người dưới sự hỗ trợ của máy móc và trí tuệ nhân tạo có thể làm việc nhanh hơn. Công nghệ xuất hiện, lớp học cũng không còn bị giới hạn về không gian và thời gian.

Ngay cả khi sinh viên không thể trực tiếp tham gia vào một thí nghiệm, công nghệ vẫn có thể hỗ trợ về mặt hình ảnh để hiểu tường tận về thí nghiệm đó. Hơn nữa, công nghệ số đã đưa kiến thức của sinh viên vận dụng vào thực tế, rèn luyện kĩ năng phản biện của sinh viên, tăng cường công tác đồng thời cũng giúp cho cơ hội học tập được cá nhân hoá.

Chị Nguyễn Linh Ngọc (20 tuổi, sinh viên năm 3 ngành Xuất bản điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định: “Bản thân công nghệ là để hỗ trợ quá trình học tập, công nghệ số cho phép truy cập và chia sẻ thông tin, tài liệu từ khắp nơi trên thế giới. Điều này làm gia tăng khả năng tiếp cận kiến thức và tài liệu học tập. Sinh viên có thể tùy theo nhu cầu và tiến trình của cá nhân để chọn lọc và xây dựng quá trình học tập của riêng mình".

Theo khảo sát của trang Markinstyle.co các nền tảng học tập trực tuyến được 43% học sinh sử dụng để hỗ trợ làm bài tập về nhà. Sự thật cho thấy học sinh, sinh viên có thể tận dụng các nền tảng học tập trực tuyến để hoàn thành bài tập về nhà. Các trường đại học hàng đầu đã cung cấp các bài học trực tuyến để nâng cao chất lượng giáo dục.

Không chỉ thế, công nghệ số cũng cung cấp các công cụ tương tác như hội thoại video, diễn đàn trực tuyến, và ứng dụng học tập, cho phép học sinh và sinh viên tương tác với giảng viên và đồng học từ xa. Điều này tạo điều kiện nâng cao khả năng kết nối, và hợp tác phi biên giới.

Chị Đặng Thu Mai (21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Ngoại Ngữ) chia sẻ: “Ngoài việc thường sử dụng các công cụ tra cứu thông tin, mình sử dụng các ứng dụng và phần mềm học tập để tạo lịch học, quản lý nhiệm vụ giúp tổ chức công việc học tập một cách hiệu quả. Và nhờ có công nghệ số mình có thể tham gia lớp học trực tuyến hàng tuần với giảng viên ở Mỹ và đồng thời mình cũng có thể xem lại các bài giảng của thầy bất cứ lúc nào".

“Không có phương pháp nào là tối ưu”
Công nghệ số không phải lúc nào cũng là một giải pháp hoàn hảo. Nó không chỉ có thể gây ra mất tập trung, làm giảm sự tương tác trực tiếp, mà đôi khi còn dẫn đến các vấn đề về an ninh mạng. Bởi lẽ, sự tiện dụng của công nghệ chính là một con dao hai lưỡi, làm sinh viên phụ thuộc quá mức vào các thông tin có sẵn mà mất khả năng tư duy độc lập, phân tích thông tin và tính sáng tạo vốn có. Sự phụ thuộc này có thể khiến sinh viên mất khả năng học tập theo cách truyền thống hoặc không biết giải quyết vấn đề khi không thể truy cập vào công nghệ.

Là một cán bộ trực tiếp làm công tác giảng dạy và thường tiếp xúc với sinh viên, TS. Trần Văn Thư (Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa ra lời khuyên: “Không có phương pháp học tập nào là tối ưu, do vậy trong quá trình trau dồi kiến thức sinh viên cần biết cách kết hợp nhiều phương thức. Nếu chỉ mải mê chạy theo công nghệ mà quên mất phương pháp học truyền thống dễ xảy ra tình trạng mất cân bằng tư duy. Ngược lại, nếu cứ chỉ cố thủ với những phương pháp cũ, lối tư duy của chúng ta sẽ thụt lùi so với thế giới".

TS. Trần Văn Như - Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Nguồn: NVCC) 

Trước mắt, ứng dụng công nghệ số vào học đường là một xu hướng đúng đắn, đáp ứng được nhịp phát triển của đất nước và nhu cầu chuyển đổi số của thế giới. Tuy nhiên, việc ứng dụng thế nào, mức độ ra sao lại cần căn cứ vào tiềm lực và cơ sở vật chất của đối tượng sử dụng. Do vậy, sinh viên khi ứng dụng công nghệ số trong học tập phải có kiến thức và nền tảng kỹ thuật cần thiết cũng như cần lựa chọn phương pháp sao cho phù hợp để tránh bị lệ thuộc, mất đi khả năng tư duy độc lập vốn có.
 

Nguyễn Mai Chi - Báo in K41

Phản hồi