Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn: “Chuyển đổi số là vấn đề toàn cầu, báo Sài Gòn Giải Phóng không chuyển đổi số sẽ chết”

09:34 23-06-2022
Theo nhà báo Nguyễn Khắc Văn, việc phát triển kinh tế xã hội thế giới, đất nước buộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi. Sự vận chuyển luôn luôn diễn ra hằng ngày hằng giờ, các tòa soạn cần phải thay đổi cách làm báo cũng như tổ chức bộ máy làm việc để đứng vững và cạnh tranh trong ngành báo chí, truyền thông.

Muốn phát triển lớn mạnh cần phải “chuyển đổi số” toàn diện

Báo Sài Gòn Giải Phóng là tờ báo chuyên sâu về chính trị, xã hội có quy mô lớn nhất cả nước, trong suốt 47 năm hình thành và phát triển, báo Sài Gòn Giải Phóng luôn mang đến những tin tức “ tươi” , “mới”, “đầy đủ”  một cách nhanh chóng mà vẫn giữ được độ tin cậy, uy tín trong lòng bạn đọc trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, là một tờ báo chuyên sâu về chính trị, xã hội và gắn liền với cách mạng nên nguồn công chúng tiếp cận đến báo Sài Gòn Giải Phóng đa phần là “độc giả già”. Bên cạnh đó, những người làm báo hầu hết là nhà báo chiến khu, đảng viên được sống trong nguồn cách mạng nên cách viết sẽ thiên về những vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội. Và hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển, công chúng trẻ ngày càng tăng, vì vậy, báo Sài Gòn Giải Phóng đang đứng trước những khó khăn cũng như thách thức, “chúng tôi muốn thay đổi ở những chuyên mục để phục vụ giới trẻ nhưng từ ngày thành lập cho đến nay cách viết báo lâu năm đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tâm lý ngại thay đổi rất nhiều, đây là sức ỳ trong sự đổi mới và cũng khiếm khuyết lớn nhất của chúng tôi”, nhà báo Nguyễn Khắc Văn chia sẻ.

Trong thời đại công nghệ mới, rất nhiều nền tảng xã hội khác nhau được phát triển, người dân tiếp cận đến tin tức vô cùng nhanh chóng, chỉ cần lên mạng search từ khóa sẽ ra vô số thông tin liên quan đến vấn đề cần biết. “Hiện nay, vai trò đưa tin tức là của công chúng, chúng ta ở đây, ai cũng có quyền được đưa thông tin ra công chúng chứ không riêng các tòa soạn báo”, nhà báo Nguyễn Khắc Văn khẳng định. Vì thế, báo chí phải tích tụ những năng lượng khác, phải đổi mới về sản phẩm truyền thông để cạnh tranh và đưa ra công chúng một năng lượng mạnh, giúp cơ quan báo chí đứng vững và trở thành một tập đoàn truyền thông trong thế kỷ mới.

 Nhà báo Nguyễn Khắc Văn làm việc tại tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: Kiên Giang

Trong dòng chảy chuyển đổi số, báo chí chắc chắn không thể nằm ngoài cuộc, với báo chí thời đại công nghệ 4.0 việc đưa thông tin đến gần bạn đọc hơn, nhất là thế hệ trẻ chính là xu hướng của việc chuyển đổi số. Như vậy muốn các cơ quan báo chí nói chung và báo Sài Gòn Giải Phóng nói riêng phát triển lớn mạnh thì cần phải thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện, từ tư duy đến cơ sở vật chất, trang thiết bị. Và nhà báo Nguyễn Khắc Văn chia sẻ : “ Báo Sài Gòn Giải Phóng phải chấp nhận và đối diện với sự thay đổi đó bởi nếu muốn tồn tại thì phải thay đổi, còn không thay đổi sẽ chết”.

Chuyển đổi số không chỉ là số hóa nội dung

Về lợi thế, cụ thể nhất, 47 năm, 1 năm 360 số báo cho đến nay báo Sài Gòn Giải Phóng đã phản ánh vô cùng sinh sinh động toàn bộ hoạt động kinh tế chính trị xã hội, đời sống xã hội của thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh, miền Nam cũng như cả nước. “Báo Sài Gòn Giải Phóng là kho dữ liệu khổng lồ và sức mạnh nén trong các số báo rất lớn, đây chính là ưu điểm của tờ báo này. Hơn nữa, báo Sài Gòn Giải Phóng đã số hóa tất cả dữ liệu của các tờ báo trong 47 năm qua, các tư liệu của phóng viên, nhà báo trong cơ quan đặc biệt là nguồn ảnh tư liệu cũng đã được số hóa, lưu giữ lại”, nhà báo Nguyễn Khắc Văn tự hào nói.

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Tổng thư ký tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, 

bên trái. Ảnh: Kiên Giang

Tuy nhiên, việc số hóa nội dung không phải là tất cả, muốn chuyển đổi số được tối đa và hiệu quả thì đầu tiên, tờ báo cần phải thay đổi về nhận thức và tư duy trong cách làm cũng như cách viết báo. Việc thay đổi tư duy là vấn đề quan trọng nhất bởi chỉ khi tư duy được “số hóa” thì mới tạo tiền đề cho sự thành công trong công cuộc chuyển đổi số.

Tiếp đến, phải thay đổi từ những khâu nhỏ bên trong, điều phối kênh thông tin, thiết lập lại hệ thống con người làm việc, tổ chức bộ máy và cả về địa lý, mặt bằng làm việc. “Trong tương lai, tòa soạn hội tụ sẽ không có các phòng riêng biệt mà thành tòa soạn mở và có các vị trí trung tâm để người làm việc có thể nắm bắt được mọi thông tin trong nước cũng như thế giới”, nhà báo Nguyễn Khắc Văn nói.

Hiện nay, tại báo Sài Gòn Giải Phóng đã và đang triển khai đề án chuyển đổi số, với mức đầu tư từ 10 đến 15 tỷ đồng cho việc đào tạo nhân lực, trang bị cơ sở vật chất cũng như nâng cao sản phẩm đến với công chúng. Sắp tới đây, báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ xây dựng lại tòa soạn tích hợp đa phương tiện nhằm thuận tiện hơn trong xử lý các công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp.

 “Chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày trong công cuộc chuyển đổi số, và mục tiêu của chúng tôi là ở đâu có bạn đọc, ở đó có báo Sài Gòn Giải Phóng”.

Phương Chinh, TTDCK40

Phản hồi