Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Báo Sài Gòn Giải Phóng – Áp dụng công nghệ chuyển đổi số trong thời đại Cách mạng 4.0

06:33 23-06-2022
Bước vào tuổi 47, cùng với sự phát triển nhanh, vững chắc của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) đang có những bước đổi mới mạnh mẽ về công nghệ chuyển đổi số nhằm thu hút thêm công chúng.

Báo Sài Gòn Giải Phóng là Nhật báo lớn của Việt Nam, trực thuộc Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng phát hành hiện nay khoảng 130.000 bản mỗi ngày (thời điểm cao nhất lên tới 200.000 bản/kỳ). Từ những thế hệ làm báo đầu tiên được tập hợp từ nhiều giai tầng khác nhau, đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của SGGP đã trở thành một tập thể đoàn kết và tinh nhuệ với gần 500 người, thường trú tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Thay đổi để tiếp cận với độc giả trẻ

Bàn về những thách thức đối với báo SGGP trong thời đại công nghệ số, nhà báo Nguyễn Khắc Văn - Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP cho rằng, báo SGGP có truyền thống đưa tin sâu về chính trị - xã hội, nguồn nhân lực được đào tạo thiên về báo giấy chuyên về các vấn đề lý luận xã hội, thiếu sự cọ xát với những tri thức mới hay mảng giải trí mang tính hiện đại. Vì vậy, ít nhiều công chúng bạn đọc của báo còn hạn chế, đặc biệt là bạn đọc trẻ. “Mặc dù báo muốn thay đổi, mở chuyên mục phục vụ giới trẻ nhưng cách làm báo truyền thống ăn sâu vào người làm báo SGGP, lối viết, lối biên tập, cách thức làm nghiêng về độc giả già, lớn tuổi” – nhà báo chia sẻ.

Để cải thiện tình trạng này, báo SGGP đã tích cực thay đổi, chuyển biến và phát triển kênh online chính là bước đi đầu tiên. “Chúng tôi cũng đang có sự thay đổi để làm sao ngày càng thu hút thêm đông đảo bạn đọc trẻ, công chúng trẻ và lựa chọn không còn gì khác đó là về kênh, phát triển kênh online và các phương tiện khác. Chúng tôi đặt mục tiêu: ở đâu có bạn đọc, có công chúng thì ở đó có báo Sài Gòn Giải Phóng.” – nhà báo Nguyễn Khắc Văn thể hiện sự quyết tâm khi đề cập đến vấn đề này.

 Mục Văn hóa - Giải trí cập nhật tin tức dành cho giới trẻ.

Trong thời kỳ đổi mới, tờ báo tự đổi mới mình hằng ngày, hằng giờ, nâng cao chất lượng nội dung thông tin của một tờ báo Đảng, đồng thời cải tiến về hình thức để tờ báo đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Từ năm 1997, báo đã in 4 màu các số trong tuần, tăng lên thành 8 trang nội dung để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Đến nay, Báo SGGP xuất bản 5 ấn phẩm cố định gồm SGGP hằng ngày, SGGP Hoa văn, SGGP Đầu tư Tài chính, SGGP điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, duy trì số lượng phát hành và lượt truy cập lớn.

Ấn phẩm SGGP in, SGGP điện tử bản tiếng Việt và tiếng Anh luôn được đầu tư cải tiến mạnh mẽ, cập nhật thông tin nhanh nhạy. Hòa mình vào dòng chảy của thời sự, của công nghệ 4.0, báo SGGP điện tử, SGGP Đầu tư Tài chính không chỉ đưa tin nhanh, kịp thời, chính xác mà còn sáng tạo những nội dung đậm tính công nghệ với hình ảnh, đồ họa bắt mắt, thu hút người đọc.

Ấn phẩm SGGP Hoa văn là kênh thông tin bằng tiếng Trung, thường xuyên cập nhật, đổi mới cả nội dung và hình thức. Năm 2015, SGGP ra mắt phiên bản điện tử của ấn phẩm này để thông tin chính thống và chính xác về hoạt động của Đảng bộ thành phố. Giới thiệu về Báo SGGP, nhà báo Nguyễn Khắc Văn tự hào: “Hiện nay, Báo SGGP xuất bản gồm nhật báo SGGP tiếng Việt và nhật báo SGGP tiếng Hoa. Trong đó, SGGP là tờ báo duy nhất trên cả nước xuất bản nhật báo tiếng Hoa từ năm 1975 đến nay. Điều này cũng xuất phát từ đặc thù của TP. Hồ Chí Minh – nơi có khu Chợ Lớn gồm quận 5, quận 6, quận 11 hiện có hơn 700.000 người Hoa sinh sống”.

 Ấn phẩm chuyên đề SGGP Đầu tư Tài chính cũng được cải tiến để mang phong cách tạp chí kinh tế chuyên sâu với phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, hướng đến nhóm bạn đọc là chính khách, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khả năng “tích tụ năng lượng” của báo SGGP online khi thời đại ứng dụng công nghệ trong làm báo phát triển

Bàn về vấn đề này, nhà báo khẳng định “Đây chính là tương lai, là vấn đề áp dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí”. Khi thời đại 4.0 phát triển mạnh mẽ, sự “tích tụ năng lượng” ngầm, mạnh trong các cơ quan, tờ báo ngày càng rõ nét. Các hình thức như “đo” từng lượt view để “đếm” sức mạnh và độ lan tỏa của báo online đã trở nên lạc hậu. Thay vào đó, các tờ báo hướng tới sử dụng trí tuệ nhân tạo áp dụng trong chuyển đổi số. 

Để áp dụng thành công chuyển đổi số trong quy trình sản xuất sản phẩm báo chí, nhà báo Khắc Văn cho rằng trước hết, cần nhận thức rõ hạn chế của tòa soạn: “Sự thay đổi của xã hội buộc tất cả các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp phải luôn luôn thay đổi. Những tờ báo “già” như tờ báo SGGP, hầu hết là Đảng viên với cách làm báo truyền thống thì tâm lí ngại thay đổi chính là sức ì trong quá trình hiện thực hóa chuyển đổi số.” Vì vậy, nhà báo khẳng định cần tiến hành thay đổi cơ cấu tổ chức trong tòa soạn để thích nghi với tình hình thực tiễn. 

Hiện nay, báo SGGP đã tiến hành đầu tư hơn 10-15 tỷ cho chuyển đổi số, phục vụ cho việc đào tạo nhân sự và mua sắm thiết bị chung. Bên cạnh đó, tờ báo chú trọng thay đổi cơ cấu tổ chức tòa soạn trên ba nhiệm vụ chính:

Một là, chú trọng chuyển đổi nhận thức trong quá trình chuyển đổi số. Trước khi tiến hành thực hiện, cần thống nhất trong cơ quan báo rằng chuyển đổi số là đòi hỏi tất yếu và là nhu cầu đổi mới “tự thân” của cơ quan. Hai là, thay đổi quy trình xuất bản ấn phẩm của phóng viên, từ tác nghiệp, chất lượng sản phẩm đầu vào cho đến đầu ra. Cuộc cách mạng 4.0 với việc truyền tải thông tin đa nền tảng đòi hỏi phóng viên cần nhanh nhạy, sáng tạo và thành thạo mọi phương thức và kênh truyền thông, nắm rõ quy trình sản xuất, từ đó mới có thể theo kịp nhu cầu cập nhật thông tin từ độc giả. Ba là, thay đổi lớn nhất chính là xây dựng, hoàn thiện tòa soạn đa phương tiện. Nhà báo nhân mạnh: “Đây là trái tim, là hạt nhân của tờ báo”. Ngoài ra, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, báo SGGP còn thực hiện số hóa tài liệu, thiết kế tòa soạn mở...

Về vấn đề ứng dụng đa phương tiện vào quá trình sản xuất, nhà báo Nguyễn Khắc Văn nêu rõ SGGP là cơ quan báo chí có nhiều loại hình, trong đó có kênh online. Kênh online tổ chức sản xuất không chỉ dàn tin bài ảnh đưa lên web mà còn có các sản phẩm đa phương tiện: talk show, clip sự kiện... Xuất bản sản phẩm trên đa phương tiện ngày càng tăng lên. Hiện tại, báo đang thành lập trung tâm chế tác về điện ảnh để tham gia sự kiện phim ngắn. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng các kênh online, báo SGGP tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có về các bài như bình luận, phân tích, phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, đặc biệt là phỏng vấn các vị nguyên thủ, chính trị gia, chuyên gia có tầm ảnh hưởng trong xã hội.

Cách mạng 4.0 phát triển đồng nghĩa báo chí công dân (người công dân tự đưa tin) cũng gia tăng. Từ đó, các tờ báo mất dần lợi thế về tin độc quyền trong dòng chảy sự kiện. Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Khắc Văn khẳng định: “năng lượng tích tụ” của báo SGGP nằm ở hai chữ “tin cậy”. Báo chí chính thống và các cơ quan báo như SGGP vẫn sẽ tồn tại, trụ vững và cạnh tranh được với truyền thông xã hội là nhờ độ tin cậy cao. “Chúng tôi xác định sự uy tín, tin cậy là át chủ bài của cơ quan báo SGGP” – nhà báo nhấn mạnh. 

 “Chúng tôi xác định sự uy tín, tin cậy là át chủ bài của cơ quan báo SGGP” –

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn chia sẻ.

Báo chí là kênh thông tin chính thống, đưa thông tin ra xã hội một cách có chiều sâu, với góc nhìn đa dạng và khách quan. Báo chí không chỉ là người đưa tin mà báo chí còn nối dài, đào sâu thông tin đó. Đây là điểm khác biệt của báo chí chính thống với báo chí công dân. 

Theo thời gian, nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng thông tin ngày càng cao. 47 năm qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã nỗ lực hết mình vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh nhạy, chuẩn xác, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam của bạn đọc, vững vàng tiếp tục khẳng định vị trí, xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc, của Đảng và Nhà nước.

Bạch Quỳnh - CJC

Phản hồi