Hơn 2 năm qua, dịch Covid bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các cơ quan báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng nhiều nhất là về kinh tế báo chí. Theo số liệu từ cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019, nguồn thu từ số lượng phát hành và quảng cáo của báo in giảm 3.9% so với năm 2018. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù chưa có thống kê cụ thể song doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm tới 50% thậm chí còn cao hơn ở một vài nơi.
Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ và truyền thông đa phương tiện, dẫn đến việc người dùng hiện đại đang di chuyển từ các nền tảng truyền thống sang các nền tảng số. Điều này yêu cầu các cơ quan báo chí cũng phải chuyển mình để đuổi kịp khán giả. Đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào, người dùng cũng được coi là ưu tiên trước nhất, bất cứ chiến lược nào do cơ quan báo chí xây dựng ra cũng đều phải lấy người dùng làm gốc, phải đặt nhu cầu, thói quen của người dùng lên trên. Do đó, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với các cơ quan báo chí muốn tồn tại lâu dài và bền vững.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí gặp không ít khó khăn vì độc giả đã và đang tạo dựng thói quen tiếp nhận thông tin một cách chủ động hơn từ các kênh khác không phải báo chí nên yêu cầu các cơ quan báo chí phải không ngừng thay đổi để tìm ra khán giả của mình trên không gian số và đồng thời song song với đó vẫn phải phải phát triển phương thức đưa tin truyền thống.
Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh có 19 cơ quan báo chí, trong đó có 7 tờ báo; 2 đài truyền hình, phát thanh và 10 tờ tạp chí. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn có 161 cơ quan báo chí trung ương khác đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú. Theo quyết định số 1786 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ thông tin, của các phương tiện truyền thông điện tử đã làm thay đổi cơ cấu thông tin, dẫn đến tình trạng trùng lặp thông tin, chất lượng thông tin của các cơ quan báo chí đi xuống. Điều này yêu cầu quá trình chuyển đổi số phải gắn liền với sự ổn định về chất lượng thông tin trên báo chí.
Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chuyển đổi số như tăng cường đào tạo nhân lực nhạy bén với các xu thế mới, đầu tư xây dựng hệ thống quản lý tiên tiến, đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn công nghệ để tìm kiếm giải pháp tối ưu cho quá trình chuyển đổi số ở Đài. Đây là một chiến lược rất đúng đắn và phù hợp với mục tiêu và nguồn lực của Đài.
Quá trình chuyển đổi số không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí, mỗi cơ quan cần phải có bài toán phù hợp với nguồn lực của tổ chức để thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả nhất.
Tóm lại, chuyển đổi số là xu hướng mới và không thể thiếu trong thời đại hiện nay, nhưng hướng đi này tồn tại nhiều khó khăn không lường trước. Do đó, mỗi cơ quan báo chí cần tự nghiên cứu phương pháp chuyển đổi phù hợp, tự nâng cao năng lực số và đổi mới không ngừng nhằm đưa độc giả đến gần hơn với báo chí.
Phản hồi