Danh mục Thứ Sáu, 29/03/2024

Tiêu điểm \

3 “bến đỗ” thú vị dành cho sinh viên báo chí - truyền thông tại thành phố Hồ Chí Minh

21:53 22-06-2022
Sự phát triển của lĩnh vực báo chí - truyền thông tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ngày càng trở nên nhanh chóng, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng trong xã hội, đặc biệt là các sinh viên đã, đang và sẽ học tập trong lĩnh vực này. Trong số rất nhiều các cơ quan báo chí - truyền thông tại TP.HCM, có 3 điểm đến thú vị, đáng để học sinh, sinh viên tìm hiểu và phát triển tương lai sau này.

TP.HCM là thành phố lớn nhất ở Việt Nam về dân số và quy mô đô thị hóa. Đây còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam. Với những điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội, lĩnh vực báo chí - truyền thông luôn được dành sự quan tâm đặc biệt ở nơi thành phố mang tên Bác. Hiện nay, TP.HCM có hàng trăm cơ quan báo chí - truyền thông lớn nhỏ. Trong đó, có 3 điểm đến đầy thú vị, xứng đáng để học sinh, sinh viên ngành báo chí - truyền thông lựa chọn làm “bến đỗ” của mình sau khi ra trường.

Báo Sài Gòn Giải Phóng
 
Báo Sài Gòn Giải Phóng là Nhật báo lớn của Việt Nam, trực thuộc Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng phát hành hiện nay khoảng 130.000 bản mỗi ngày (thời điểm cao nhất lên tới 200.000 bản/kỳ).
 
Báo Sài Gòn Giải Phóng ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Ngày 30/4/1975, thành phố Sài Gòn và miền Nam nước ta hoàn toàn được giải phóng. Chỉ 5 ngày sau sự kiện vĩ đại đó, ngày 5/5/1975, theo Quyết định của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh), tờ báo mang tên “Sài Gòn Giải Phóng” đã được in ấn và phát hành. 
 
Hiện nay, tòa soạn báo đặt tại số 432 - 434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa nhà Báo Sài Gòn Giải Phóng (Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng Online) 

Ra đời từ ngày 5/5/1975, cho tới hiện nay, trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã thể hiện bản lĩnh, vai trò và trách nhiệm của mình. Cùng với sự phát triển của TP.HCM và cả nước, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị trí là một trong những tờ báo quan trọng của Đảng ta, xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc, của Đảng và Nhà nước. Sài Gòn Giải Phóng luôn cập nhật thông tin nhanh chóng, đầy đủ, chính xác các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của Đảng và Nhà nước.

Báo Sài Gòn Giải Phóng còn có số lượng cán bộ phóng viên, công nhân viên khoảng 440 người. Đây đều là những cán bộ giàu kỹ năng, kinh nghiệm, sẵn sàng hướng dẫn, truyền đạt hết những gì mình có cho các thế hệ nhà báo sau này.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM được thành lập theo quyết định số 49/2008/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố ký ngày 13/06/2008 trên cơ sở Sở Bưu chính Viễn thông và tiếp nhận chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa và Thông tin. 

Trụ sở làm việc của Sở Thông tin và Truyền thông đặt tại số 59, đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Về cơ cấu tổ chức, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM gồm các phòng (Văn phòng Sở; Thanh tra sở; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Bưu chính - Viễn thông; Phòng Thông tin điện tử, Phòng Công nghệ thông tin; Phòng Báo chí; Phòng Xuất bản, In và Phát hành) và các đơn vị trực thuộc (Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông; Trường Trung cấp Thông tin - Truyền thông; Trung tâm Báo chí).

 Trung tâm Báo chí TP.HCM (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Về chức năng, nhiệm vụ, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, có chức năng tham mưu và giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và Internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử, phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông, quảng cáo báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm; quản lý các dịch vụ công về thông tin và truyền thông thuộc phạm vi quản lý của Sở; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và theo quy định của pháp luật.

Được học hỏi và làm việc trong Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, chắc chắn sinh viên sẽ có nhiều trải nghiệm và kỹ năng trong nhiều hoạt động báo chí. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, vấn đề chuyển đổi số ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh. Chuyển đổi số báo chí cũng là một công tác quan trọng trong hoạt động của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Đây sẽ là cơ hội tốt giúp cho sinh viên báo chí - truyền thông bắt kịp với xu thế báo chí của thời đại. 

Kantar Media

Kantar Media chắc hẳn không còn là cái tên xa lạ trong giới truyền thông trong nước và quốc tế. Kantar Media thuộc tập đoàn Kantar - chuyên gia toàn cầu về nghiên cứu thị trường, cung cấp dữ liệu và insight. 

 Mạng lưới toàn cầu của Kantar Media (Nguồn: Kantar.com)

Thành lập vào năm 1999, Kantar Media Việt Nam tiên phong thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về đo lường, đánh giá và lựa chọn phương tiện truyền thông. Mạng lưới hoạt động của Kantar Media rộng khắp toàn Việt Nam với văn phòng chính ở Thành phố Hồ Chí Minh và văn phòng chi nhánh ở Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kantar Media có hơn 45 đối tác, bao gồm 35 Đài Truyền hình và hơn 10 Công ty Quảng cáo đa Quốc gia. 
 
Là một bộ phận của tập đoàn Kantar, Kantar Media Việt Nam còn có lợi thế tiếp cận với những phương pháp nghiên cứu theo tiêu chuẩn Quốc tế và áp dụng những công nghệ hiện đại đang được thế giới áp dụng. Một số lĩnh vực nghiên cứu nổi bật: nghiên cứu khán giả xem truyền hình, nghiên cứu quảng cáo trên truyền hình, kênh radio và báo/tạp chí, nghiên cứu thói quen tiêu dùng truyền thông và tiêu dùng sản phẩm, nghiên cứu được thiết kế riêng theo yêu cầu. Giải pháp của Kantar Media phản ánh thị trường truyền thông Việt Nam năng động, và được sử dụng rộng rãi bởi các đối tác trong lĩnh vực truyền hình, phát thanh, truyền thông và quảng cáo.
 
Làm việc tại Kantar Media, sinh viên báo chí - truyền thông không chỉ được tiếp cận với những phương pháp nghiên cứu mới mà còn có thể thỏa sức sáng tạo, thể hiện bản thân trong môi trường đầy năng động và thân thiện. Đó là một trong những yếu tố giúp Kantar Media trở nên thu hút đối với giới trẻ hiện nay.
 
Trên đây là 3 cơ quan báo chí - truyền thông nổi bật tại TP.HCM, cũng là 3 “bến đỗ” đầy hấp dẫn, hứa hẹn sẽ đem tới nhiều trải nghiệm công việc sâu sắc và thú vị cho các học sinh, sinh viên cũng như người làm báo chí - truyền thông trong tương lai. 
 

Hồng Nhung - TTĐCK40A1

Phản hồi