Sau hơn hai năm dịch bệnh COVID với những diễn biến phức tạp khiến đa số sinh viên chuyển sang hình thức học trực tuyến thay vì học trực tiếp tại trường, cuối cùng vào tháng Tư vừa qua, toàn bộ sinh viên đã được quay trở lại trường học. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh chưa thực sự ổn định, Viện Báo chí nói riêng và Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung đã quyết định tổ chức thực tế chính trị - xã hội theo phương thức online cho hai lớp Truyền thông đa phương tiện K40 và Truyền thông đại chúng K40.A2.
Sinh viên 2 lớp truyền thông của Viện Báo chí: Truyền thông đa phương tiện K40 và Truyền thông đại chúng K40.A2, do PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, TS. Nguyễn Thị Hằng Thu, TS. Trần Quang Huy hướng dẫn đã có những buổi học bổ ích và thú vị. Chuyến đi thực tế tuy được tổ chức theo hình thức online nhưng cũng không ngăn bước thầy trò đoàn tìm hiểu và học hỏi thêm về tình hình chính trị - xã hội nói chung và các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành về nghiệp vụ nghề báo nói riêng qua sự giảng dạy, chia sẻ tận tình của các vị khách mời.
Ngày 28/5, đoàn sinh viên đã được nghe nhà báo Nguyễn Khắc Văn- Tổng thư ký tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển; quy trình làm báo trong thời kỳ chuyển đổi số; các thách thức trong nghề và các xu thế phát triển sắp tới của bản báo nói riêng và báo chí Thành phố nói chung. Nhà báo đã có những chia sẻ về các hoạt động báo chí, tình hình chính trị - xã hội ở TP. HCM vào những ngày đầu đất nước được giải phóng cho đến nay; cũng như trao đổi về nghề làm báo, những bước phát triển của báo Sài Gòn Giải Phóng trong thời gian tới đây, đặc biệt là trong thời kỳ chuyển đổi số và hành trình tạo dựng một bước đường mới, đi sâu vào những sản phẩm báo chí truyền thông đa phương tiện với mục tiêu phù hợp, thích ứng với xu thế hiện nay.
Báo Sài Gòn Giải Phóng là Nhật báo lớn của Việt Nam, trực thuộc Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong 5 tờ báo định hướng chính trị - xã hội của cả nước cùng với báo Nhân dân, tạp chí Cộng sản, báo Quân đội nhân dân, báo Hà Nội mới. Nhà báo Nguyễn Khắc Văn đã chia sẻ cùng đoàn thực tế về những trải nghiệm mới mẻ và thú vị khi làm báo trong thời kỳ đại dịch COVID diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, ông cũng nói về những cố gắng đổi mới, chuyển biến trong cách hoạt động của tòa soạn về cách viết bài, các phương thức tiếp cận khác nhau để mở rộng tệp công chúng của báo từ những người lớn tuổi sang cả những độc giả trẻ tuổi, phù hợp hơn với thời đại công nghệ thông tin 4.0 hiện nay.
Tiếp đó, sang ngày 29/5, đoàn sinh viên có cơ hội được gặp mặt ThS Hà Cao Thảo - Trưởng phòng truyền thông Nova Group để lắng nghe những kinh nghiệm cũng như tổng quan về truyền thông trong doanh nghiệp. Anh đã có những chia sẻ với đoàn sinh viên để gợi mở rõ hơn về bức tranh nghề truyền thông, đặc biệt là truyền thông doanh nghiệp tại các tập đoàn mà anh đã có khoảng thời gian đồng hành, làm việc cùng.
Ngày cuối cùng của chuyến thực tế chính trị - xã hội online, vào buổi sáng, đoàn được nghe những chia sẻ, trao đổi của cô Nguyễn Lê Vân - Trưởng phòng báo chí, Sở Thông tin truyền thông TP.HCM về quá trình phát triển, cơ cấu tổ chức và xu hướng phát triển truyền thông, thông tin cũng như các vấn đề chính trị - xã hội nói chung về thành phố Hồ Chí Minh. Song song với đó, cô cũng nêu ra những vấn đề, thử thách còn tồn đọng mà những người làm báo chí, làm truyền thông cần lưu ý và khắc phục trong không chỉ khoảng thời gian diễn ra đại dịch COVID mà còn cả khi toàn xã hội quay trở lại trạng thái bình thường mới như hiện nay.
Đến buổi thực tế cuối cùng vào chiều ngày 30/5, đoàn sinh viên tham gia chuyến đi có buổi gặp mặt online cùng KANTAR Media để lắng nghe những thông tin, kiến thức cũng như kinh nghiệm về tính ứng dụng của dữ liệu trong nghiên cứu truyền thông qua chị Nguyễn Thị Tố Trinh đến từ phòng Đối tác Khách hàng của tổ chức. KANTAR Media là một trong những nhánh nhỏ của KANTAR Group với 86 chi nhánh trên toàn thế giới. Đây là tổ chức chuyên về nghiên cứu tiêu dùng, nghiên cứu thị trường và nghiên cứu truyền thông; trong đó KANTAR Media Việt Nam đảm nhiệm vai trò nghiên cứu truyền thông. Mặt khác, thông qua buổi trò chuyện này, đoàn sinh viên đã có thêm hiểu biết và quan tâm về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, tìm hiểu và cách ứng dụng của dữ liệu truyền thông đối với khán giả, công chúng mục tiêu.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo Chí đồng thời cũng là trưởng đoàn thực tế chính trị của chuyến đi này cũng có đôi lời chia sẻ: “Đây là môn học chúng ta phải hiểu rất rõ, nhớ rằng một người làm báo, một người làm truyền thông là chúng ta đồng thời làm chính trị. Đồng thời ta cũng là người phải nắm rõ nhất các tiến trình về xã hội của một đất nước. Báo chí - truyền thông không đơn thuần chỉ là kiến thức, kĩ năng của nghề làm báo, làm truyền thông. Hơn thế nữa, chúng ta phải tiến hành nó trong một hệ thống nhất định. Bất cứ khi nào làm báo, làm truyền thông cũng phải nhớ rằng gắn với thực tiễn của chính nơi chúng ta tiếp cận, làm việc.”
Thông qua những chia sẻ chân thành, cặn kẽ đến từ các chuyên viên khách mời của Viện Báo chí trong suốt 3 ngày đoàn được trải nghiệm và lắng nghe, đoàn sinh viên chắc chắn đã có những cái nhìn đa chiều, mang tính thời sự thực tế hơn về công tác quản lý báo chí truyền thông cũng như các công việc về truyền thông cơ sở, các hoạt động truyền thông thực tế của TP.HCM.
Mặc dù chuyến đi thực tế chính trị - xã hội lần này được tổ chức bằng hình thức trực tuyến vì tình hình dịch bệnh chưa ổn định nên những hạn chế về mặt thời gian, kỹ thuật là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các chuyên viên khách mời cũng như đoàn sinh viên đã có những cố gắng hết mình để chuyến đi thực tế đạt được những kết quả tốt nhất: Vừa đảm bảo được chất lượng học tập vừa giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức bổ ích với những lời tâm sự, những cuộc trò chuyện ý nghĩa, thú vị của các lãnh đạo cơ quan báo chí, truyền thông tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phản hồi