Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Người nghệ nhân với nỗi lo khó giữ “hoa lửa” nghề rèn

22:51 13-12-2023
“Nhà tôi mấy đời làm nghề rèn” - câu nói đầy tự hào nay lại là nỗi trăn trở của nghệ nhân Lê Xuân Đức vì những khó khăn của nghề “đỏ lửa” và mong muốn gìn giữ danh thơm bao đời.

Người làm nên những con dao “chặt được cả sắt”

Nằm trong làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Tp Hà Nội) ngôi nhà của ông Đức luôn nhộn nhịp tiếng đe, tiếng búa, tiếng mài dao từ sáng sớm tới chiều muộn. Cả một khoảng sân bên cạnh căn nhà luôn rực hơi nóng bốc ra từ lò rèn, tiếng quạt công suất lớn cũng không thể xua đi cái nóng là bao. 

“Từ thời ông nhà tôi mới khoảng 16 tuổi đã theo cái nghề rèn này, rồi cả đời tôi cũng theo từ lúc nhỏ xíu. Tính cả thời ông thì xưởng nhà tôi cũng ngót nghét 70 năm rồi” - Nghệ nhân Lê Xuân Đức chia sẻ.

 Lò rèn đỏ lửa mang theo bao nhiệt huyết của người thợ rèn Đa Sỹ.

Là nghề truyền thống của làng Đa Sỹ nên tất cả các kỹ thuật, phương pháp đều là cha truyền con nối. Từ tấm bé, thay vì đi chơi như bạn bè cùng trang lứa, ông Đức đã hay phụ giúp bố những công việc lặt vặt trong xưởng. Từ cầm cái búa, quét dọn linh tinh hay rảnh rỗi ông lại đứng xem các chú, các bác làm rèn. “Vất vả nhất là lúc quai búa những ngày hè, cái nóng của lò nung cứ phả vào mặt, quạt chẳng thấm vào đâu mà vẫn phải tập trung cao độ. Vì đây là công đoạn tốn rất nhiều sức lực và không được sai sót nếu không sẽ dễ xảy ra tai nạn”, ông Đức bộc bạch.

 Người thợ đã ngoài 70 nhưng vẫn gắn bó với xưởng nhà ông Đức, với nghề rèn.

Cũng vì tuổi thơ gắn liền bên tiếng đe, tiếng búa cùng cái nóng của lò rèn luôn đỏ lửa mà trong lòng ông Đức cũng đã “cháy” lên ngọn lửa với nghề từ bao giờ không hay. Công việc nặng nhọc đầy khó khăn, ngày ngày bên lò rèn, cái nóng phả vào mặt như thiêu như đốt nhưng chưa bao giờ làm nhụt chí con người luôn tận tâm, tận lực với nghề. 

 Giấy chứng nhận nghệ nhân của ông Lê Xuân Đức.

Không để bản thân phải đứng trước lựa chọn cơm áo gạo tiền và đam mê thuở nhỏ, ông Đức luôn nâng cao kỹ năng của mình để “ngọn lửa” rèn có thể kiếm cơm nuôi sống bản thân và gia đình, cũng vì mong muốn gìn giữ, nối nghiệp ông cha.

“Ngày nay, công nghệ, máy móc phát triển nên làm nghề cũng đỡ nhọc hơn vì thế mà những người làm nghề như tôi càng có thêm động lực để theo và giữ nghề”, ông Đức chia sẻ thêm.

Nỗi lo gìn giữ danh thơm nghề truyền thống của người thợ lành nghề

Những con dao, cái kéo trông đơn giản là thế nhưng để có những thành phẩn thủ công chất lượng nhất mà người dân Đa Sỹ luôn tự hào là “chặt được cả sắt” thì người thợ phải có tay nghề cao, phải hiểu được khách hàng của mình muốn gì và đặt trọn cái tâm vào đó. Người thợ rèn phải luôn tuân theo những nguyên tắc, đảm bảo kỹ thuật, nhất là những khâu bắt buộc phải theo phương pháp thủ công. Như chọn thép không được quá cứng hoặc quá non. Kỹ thuật lò phải khéo nếu không rất dễ khiến sản phẩm nứt, vỡ. Để làm ra một con dao chặt, người thợ phải thực hiện trên dưới 20 công đoạn và có những công đoạn đặc biệt quan trọng, chỉ cần lơ là một chút là coi như bỏ cả sản phẩm.

 Những thanh sắt phải được đe ngay khi còn nóng đỏ. 

“Dân nhà hàng người ta ngày nào cũng thái thịt bò, thịt trâu, nếu dùng những con dao công nghiệp kia rất khó để thái, thái không đứt, hoặc là nó phải liếc liên tục. Như vậy rất mất thời gian, người bán hàng không làm như thế được. Cái người ta cần là một con dao đúng cái nhu cầu, dùng cả ngày người ta chỉ liếc một lần thôi”, nghệ nhân Lê Xuân Đức chia sẻ. 

 Những công đoạn không máy móc không thể thay thế bàn tay người thợ. 

Với cái tâm và cái tầm như vậy, sản phẩm làng rèn Đa Sỹ từ lâu đã đạt đến độ tinh xảo và danh thơm nổi tiếng khắp cả nước. Bởi vậy, việc hàng nhái kém chất lượng được gắn mác “Dao Đa Sỹ” tràn lan trên thị trường một cách trắng trợn cũng không khó hiểu. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của biết bao nghệ nhân làng rèn Đa Sỹ bấy lâu nay. 

Nghệ nhân Lê Xuân Đức cũng tâm sự rằng: “Làng nghề cũng kém phát triển một phần là do việc bảo vệ thương hiệu kém, ở đâu họ cũng đóng mác Đa Sỹ vào. Điều này như một vết nhơ và sẽ dần làm giảm uy tín của làng nghề xuống, trong khi vẫn còn những người như chúng tôi đau đáu muốn giữ nghề”. 

Trong khi người thợ cặm cụi hàng ngày bên lò rèn để cải thiện sản phẩm để có thể tăng giá từ 500 - 1000 VND/sản phẩm thì những sản phẩm nhái ngoài kia lại bán với cái giá rất rẻ nhưng vẫn mang mác làng nghề. Điều này không những làm giảm uy tín của “Dao Đa Sỹ” mà còn gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người thợ.

“Mỗi sản phẩm sau khi làm xong tôi đều đóng một dấu rèn để khắc lên đó thương hiệu, dấu ấn riêng của mình. Thế nhưng lớp bảo hộ này vẫn còn quá mong manh trước những “gian thương” muốn dùng thương hiệu “Dao Đa Sỹ” để kiếm lời”, ông Lê Xuân Đức bộc bạch

Vậy nên, những người thợ lành nghề ở đây vẫn luôn mong muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ bảo hộ thương hiệu một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn nhằm ngăn ngừa vấn nạn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. 

Đứng trước khó khăn như vậy, người thợ rèn Đa Sỹ vẫn luôn miệt mài làm ra các sản phẩm chất lượng nhất và nâng cao tay nghề. Cùng với đó, người dân nơi đây cũng bắt kịp theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc để giảm bớt sức lao động và tăng năng suất làm việc. 

Bên cạnh những công đoạn thủ công đặc biệt vẫn tạo cho nghề một dấu ấn riêng như kỹ thuật “tôi” để dao được bền và sắc… vẫn cần đến đôi tay khéo léo của người thợ rèn. 

Cái đe, cái búa nay không những là phương tiện để mưu sinh mà còn là tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống của ông cha truyền lại. “Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn/ Ngồi xuống nhọ lưng quệt ngang nhọ mũi/ Suốt tám giờ chân than mặt bụi.../Nghịch ở đây già trẻ như nhau/ Nên nụ cười nào có tắt đâu”. 

Do những thay đổi về nhu cầu sống và thị trường nên ở Đa Sỹ cũng không còn nhiều gia đình theo nghiệp rèn. Những nghệ nhân như ông Lê Xuân Đức vẫn luôn nỗ lực nâng cao tay nghề và đổi mới, cùng với đó là tìm kiếm sự giúp đỡ để tiếp tục cái nghiệp trăm năm,  gìn giữ “hoa lửa” từ bao đời ông cha truyền lại.

 

Mỹ Tâm - Báo In K40

Phản hồi